VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 26/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpDoanh nghiệp Việt oằn lưng ứng phó với phòng vệ thương mại

Doanh nghiệp Việt oằn lưng ứng phó với phòng vệ thương mại

10:40:00 PM GMT+7Thứ 7, 31/08/2024

Những thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam ngày càng gia tăng các cuộc điều tra phòng vệ thương mại với đa dạng mặt hàng như nhôm, thép, sợi, thủy sản, gỗ dán, dệt may, mật ong… buộc doanh nghiệp phải nỗ lực tìm giải pháp ứng phó.

6.9-anhbaichiusep2.jpg

Mật ong là sản phẩm bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại khá nặng

Gia tăng các cuộc điều tra phòng vệ thương mại

Theo Bộ Công thương, tính đến nay, hàng Việt phải đối mặt với tổng cộng 252 vụ việc điều tra phòng vệ từ 24 thị trường, gồm 138 vụ điều tra chống bán phá giá, 50 vụ tự vệ, 27 vụ việc chống trợ cấp và 37 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Riêng năm 2023, phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng Việt Nam. Mỹ là quốc gia tiến hành khởi xướng điều tra nhiều nhất, với 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ điều tra chống trợ cấp, 2 vụ điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tăng cường chế biến và xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ…

“Với gỗ dán xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt đang bị áp thuế chống bán phá giá trên dưới 10%. Vừa qua, Hàn Quốc đã rà soát lại, nhưng cơ bản vẫn giữ mức thuế này cho chu kỳ mới. Trong khi đó, sản phẩm ghế bọc đệm của Việt Nam xuất khẩu sang Canada đang bị áp thuế trên dưới 100% và hầu như không có doanh nghiệp nào xuất khẩu được sản phẩm này sang thị trường Canada”, ông Hoài thông tin.

Riêng Mỹ hiện đã liệt kê 37 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ dán làm từ gỗ cứng của Việt Nam vào danh sách đen. Điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghiệp gỗ dán với định hướng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

“Việc áp thuế chống bán phá giá và áp thuế chống trợ cấp thường có mức thuế khá cao, có thể lên đến mức trên 200%, nên hầu như không một doanh nghiệp nào có thể chống chịu. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ với sức chống chịu kém, nên rất dễ bị tác động bởi những biện pháp phòng vệ thương mại mà các thị trường lớn có thể dựng lên”, ông Hoài nhấn mạnh.

Với ngành hàng mật ong, trước đây, Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá với mật ong xuất khẩu từ Việt Nam với mức thuế rất cao, dao động 410,93 - 413,99%. Kể từ tháng 4/2022, mức thuế chính thức đối với mật ong Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã giảm xuống còn 58,74 - 61,27%.

Mới đây nhất, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến ban hành kết luận rà soát hành chính lệnh áp thuế chống bán phá giá lần thứ hai đối với mật ong Việt Nam, muộn nhất vào ngày 30/6/2025, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong có nguy cơ mất cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên cho rằng, các doanh nghiệp mật ong ở Việt Nam chưa thật sự quan tâm vấn đề này. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước chỉ mải cạnh tranh với nhau về giá, mà không đầu tư nguồn lực, nâng cấp sản phẩm để có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

“Chính việc bán phá giá của một số doanh nghiệp đã làm cho ngành ong Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Tại Xuân Nguyên, sản lượng mật ong xuất khẩu sang Mỹ của doanh nghiệp đang giảm khoảng 40%”, ông Vũ nói.

Giải pháp cho doanh nghiệp

Những mặt hàng như nhôm, thép, sợi, thủy sản, gỗ dán, dệt may, mật ong… đang đứng trước rủi ro ngày càng tăng, liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, thị trường ngày càng khó tính, trong khi nguyên liệu gỗ được khai thác từ rừng, dù rừng trồng hay tự nhiên thì cũng rất nhạy cảm với môi trường. Do đó, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, có đội ngũ nhân sự chuyên thực thi trách nhiệm giải trình, thu thập thông tin và nghe ngóng tình hình thị trường để có biện pháp tự vệ khi bị điều tra.

Đặc biệt, cần có những nhân sự được đào tạo để tham gia điều trần, khai báo, chứng minh sự vô can của doanh nghiệp. Với việc Mỹ điều tra gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam, có 37 doanh nghiệp bị liệt vào danh sách đen chủ yếu do khả năng khai báo không nhất quán, không đầy đủ, chứ không phải do vi phạm”, ông Hoài cho hay.

Vì vậy, doanh nghiệp phải sớm cải thiện công tác quản trị, áp dụng phần mềm kỹ thuật có độ tin cậy để có thể đưa ra bằng chứng doanh nghiệp đã thực hiện giải trình rất tốt, không vi phạm quy định và chứng minh năng lực tuân thủ pháp luật của mình khi có các đoàn điều tra.

Dệt may cũng là ngành chịu nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM thông tin, mới đây, Bộ Thương mại Indonesia đã chấp thuận chính sách bảo vệ ngành dệt may. Theo đó, sẽ có ít nhất 2 biện pháp áp dụng, gồm áp thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ với mức 100 - 200%. Mức thuế này sẽ đẩy giá bán tăng lên gấp 2 - 3 lần, rất khó cạnh tranh.

Dự báo, trong năm 2025, các biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng nhiều hơn, các doanh nghiệp dệt may cần có sự chuẩn bị, tìm các nguồn nguyên liệu thay thế. Với thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong nhập khẩu bông và sợi, chuyển nhập khẩu nguyên liệu từ vùng cấm sang khu vực đã được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

“Tôi mong muốn thông qua các kênh truyền thông để doanh nghiệp nhận thức rõ hơn và có biện pháp hiệu quả trước các cuộc phòng vệ thương mại ngày càng tăng”, ông Việt kiến nghị.  

Với ngành mật ong, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ đề xuất nên thành lập một hiệp hội để có tiếng nói chung và có chế tài mang tính chất răn đe với các doanh nghiệp “xé rào”, phá giá cả ở thị trường trong và ngoài nước.

TheoBáo Đầu tư
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global