VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 23/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nhânDoanh nhân Nguyễn Tiến Dũng: Khát khao xuất khẩu trí tuệ Việt ra thế giới

Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng: Khát khao xuất khẩu trí tuệ Việt ra thế giới

09:31:00 AM GMT+7Thứ 5, 13/06/2024

Dày công gây dựng AWING, doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng muốn chứng minh rằng, người Việt đủ sức tạo ra một mô hình kinh doanh độc đáo, có thể nhân bản trên toàn cầu.

Doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc CTCP Công nghệ và Truyền thông AWING.

Nền tảng wifi miễn phí có một không hai”

Chúng tôi gặp doanh nhân Nguyễn Tiến Dũng tại không gian xanh mát của văn phòng AWING trên phố Chùa Bộc (Hà Nội), 2 tuần sau khi anh công bố gọi vốn thành công hàng chục triệu USD từ NTT - tập đoàn viễn thông lớn của Nhật Bản. Đó là vòng gọi vốn đầu tiên của AWING kể từ khi thành lập. Thương vụ được “chốt” chỉ trong vòng 2 tháng.

Thực tế, AWING đã có lãi từ năm thứ 2 hoạt động. Doanh nghiệp theo đuổi mô hình tinh gọn để tối ưu hóa chi phí, với 35 nhân sự, phục vụ khoảng 25 triệu khách hàng. Việc nhận vốn đầu tư từ NTT, vì thế, không mang nhiều ý nghĩa về mặt tài chính với AWING. Tuy nhiên, CEO Nguyễn Tiến Dũng giải thích, đây là sự hợp tác cần thiết, giúp doanh nghiệp “đứng trên vai người khổng lồ” để đưa trí tuệ Việt tiến ra toàn cầu.

Thời điểm AWING công bố mong muốn này, không ít người nghi ngờ. Bởi nếu nghe qua, thì dịch vụ của AWING không khác gì những công nghệ đã tồn tại từ rất lâu trên thế giới. Hiểu đơn giản, khi người dùng muốn truy cập wifi miễn phí tại các quán cà phê, nhà hàng, trung tâm thương mại…, trong vòng 30 giây kết nối đầu tiên, màn hình điện thoại sẽ hiển thị quảng cáo của nhãn hàng cùng dòng chữ “Powered by AWING” và đề nghị người dùng nhập thông tin về tuổi, giới tính cho lần đầu tiên. Hết 30 giây này, người dùng truy cập wifi bình thường.

Hình thức quảng cáo thông qua wifi miễn phí đã xuất hiện trên thế giới vào đầu những năm 2000, khi các nhà bán lẻ mong muốn thu thập dữ liệu khách hàng để lắng nghe phản hồi, cung cấp thông tin về sản phẩm mới hay giới thiệu các chương trình khuyến mãi. Nhưng CEO Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, mô hình AWING khác biệt với phần còn lại của thế giới.

AWING không sở hữu địa điểm vật lý nào, không bán hàng hóa, dịch vụ, không bán thiết bị phần cứng hay hạ tầng phần mềm để phát wifi. Thứ AWING cung cấp là một nền tảng công nghệ, kết nối hàng ngàn địa điểm phát wifi miễn phí lại với nhau, sau đó dùng thuật toán để nhãn hàng đặt quảng cáo phù hợp với tệp người dùng của từng địa điểm.

Ví dụ, khi khách hàng uống cà phê tại Highlands, họ có thể kết nối wifi miễn phí và xem thông tin quảng cáo của Honda, Yamaha, Vietcombank, Nivea, Acecook… hiện lên trên màn hình điện thoại, thay vì những thông tin chỉ liên quan đến Highlands - như cách nhiều mô hình trên thế giới đang làm.

“Thanh công cụ tìm kiếm của Google nhìn đơn giản, nhưng phía sau là rất nhiều công nghệ phức tạp. Nền tảng phần mềm của AWING cũng như vậy”, người đứng đầu AWING lý giải.

Đề cao triết lý Chân - Thiện - Nhẫn

Là người đang gắng tu tập theo Phật môn, CEO Nguyễn Tiến Dũng đề cao triết lý Chân - Thiện - Nhẫn trong suốt hành trình kinh doanh của mình. Đó là sự chân thành, chân thật, luôn nghĩ đến lợi ích cho người khác, chứ không chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình và kiên nhẫn tiến về phía trước.

Những năm trước, dịch vụ wifi miễn phí được cung cấp ở nhiều địa điểm tập trung đông người tại Việt Nam, nhưng chất lượng và tốc độ đường truyền không cao, do wifi được coi là dịch vụ bổ sung, không cần chú trọng đầu tư. Nắm bắt được điều này, anh Dũng và đội ngũ sáng lập nghĩ đến việc nâng cấp hệ thống wifi cho người dùng. Nhưng, vấn đề đặt ra là, nếu làm như các mô hình trước đó, tự đầu tư hạ tầng wifi, tự kinh doanh, thì càng mở rộng, vốn càng lớn và start-up không thể gia tăng quy mô.

Để tạo ra mạng lưới wifi miễn phí rộng khắp, chất lượng tốt, nhưng không phải “đốt tiền” đầu tư, anh Dũng cùng cộng sự đã xây dựng hệ sinh thái gồm 5 thành phần: người dùng truy cập wifi, nhà cung cấp Internet, nhà cung cấp thiết bị, nhãn hàng quảng cáo và địa điểm kinh doanh. Mỗi địa điểm sẽ tự chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng wifi, nhưng với chi phí ưu đãi hơn so với mức giá trên thị trường, do được các đơn vị chuyên về thiết bị và dịch vụ Internet trong hệ sinh thái cung cấp.

AWING chỉ phụ trách tích hợp phần mềm và phân phối quảng cáo theo yêu cầu của nhãn hàng. Một phần doanh thu sau này sẽ được AWING chia sẻ lại cho các địa điểm kinh doanh. Trường hợp không có quảng cáo từ nhãn hàng, các địa điểm kinh doanh được dùng miễn phí phần mềm AWING để tự chạy quảng cáo cho chính mình.

“Trong hệ sinh thái của AWING, tất cả đều hưởng lợi: Người dùng tiếp cận Internet miễn phí chất lượng tốt, các đối tác có doanh thu, còn nhà quảng cáo có thể hướng đến tệp khách hàng tiềm năng phù hợp theo địa điểm”, đại diện AWING nhấn mạnh.

Nhờ mô hình “win - win” cho tất cả các bên, đến nay, AWING đã xây dựng mạng lưới lên tới hơn 7.000 địa điểm trên 60 tỉnh, thành phố khắp cả nước. Nền tảng trở thành đối tác của nhiều thương hiệu lớn như Highlands, hệ thống nhà hàng của Golden Gate, Vincom, TopsMarket, WinMart, Circle K, 7-Eleven, CGV, sân bay…

Anh Dũng chia sẻ, ngay từ ngày đầu thành lập, AWING đã xác định tập trung chinh phục những đối tác lớn, đứng đầu mỗi ngành hàng. Thành lập đầu năm 2017, thì đến cuối năm, doanh nghiệp xúc tiến làm việc với đối tác đầu tiên là chuỗi quán cà phê Highlands. “Nhiều start-up chọn làm việc với đối tác nhỏ, theo kiểu dễ trước, khó sau. Còn AWING chọn việc khó trước, vì sẽ có tính kế thừa và dễ bán quảng cáo sau này”, CEO Nguyễn Tiến Dũng lý giải.

Tại thời điểm chưa có gì trong tay, AWING đã thuyết phục Highlands sử dụng phần mềm của mình bằng thái độ chân thành và sự quyết tâm. Anh Dũng kể, đến bây giờ, anh vẫn không thể quên thời điểm phần mềm “lăn quay ra, bất động”, cả nhóm từng nghĩ đến phương án rút lui khỏi Highlands vì lo ngại không đủ khả năng hợp tác. Nhưng, thay vì trốn tránh hay đưa ra những lời hứa hẹn, đội ngũ AWING thẳng thắn thừa nhận vấn đề, tìm mọi cách để khắc phục. “Nhờ thái độ chân thành, nên đối tác tin tưởng chúng tôi, tin rằng chúng tôi nói được, làm được”, anh Dũng bộc bạch.

Từ Việt Nam đi ra thế giới

Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Tiến Dũng sang Nhật Bản làm việc tại IBM với vai trò kỹ sư cao cấp trong lĩnh vực sản xuất chip. Sau đó, anh nhận học bổng của Chính phủ Hàn Quốc và hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). Quá trình làm việc, học tập tại nước ngoài đã truyền cho anh tinh thần đổi mới sáng tạo, khiến anh đau đáu với mục tiêu tìm ra một mô hình khởi nghiệp phù hợp ở Việt Nam.

Năm 2007, Dũng quyết định về nước. Anh bắt tay khởi nghiệp một số dự án nhưng đều thất bại. Sau đó, anh dần nhận ra, mình cần thay đổi.

“Lúc mới khởi nghiệp, tôi muốn được nổi tiếng, muốn nhiều tiền như số đông. Nhưng trên thực tế, tỉ lệ start-up thành công rất ít. Vì vậy, khi xây dựng AWING, thay vì lấy doanh số làm mục tiêu, chúng tôi tập trung vào việc mang lại giá trị cho tất cả các bên”, anh Dũng chia sẻ.

Lợi thế về giá cước Internet thấp và sự hào phóng của các chủ quán khiến AWING nhanh chóng có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng lên tới 3 con số mỗi năm. Nhưng tham vọng của đội ngũ sáng lập không chỉ dừng lại ở đó. Họ mong muốn xuất khẩu mô hình AWING ra thế giới, nơi mà dịch vụ wifi miễn phí chưa được khai thác hiệu quả; hoặc sẽ phát triển Internet công cộng, nếu wifi miễn phí chưa phổ biến hoặc chất lượng chưa đủ cao.

Theo đánh giá của đội ngũ AWING, quy mô thị trường quảng cáo ở Thái Lan trị giá khoảng 4 tỷ USD, ở Indonesia khoảng 6 tỷ USD, ở Nhật Bản là gần 60 tỷ USD và ở Mỹ đạt hơn 500 tỷ USD… Đây là thị trường khổng lồ, song CEO Nguyễn Tiến Dũng cũng thẳng thắng nhìn nhận, việc xuất khẩu mô hình kinh doanh như AWING là chưa có tiền lệ. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với những thách thức về vốn, thách thức trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Mấy năm gần đây, AWING được nhiều quỹ đầu tư tiếp cận, nhưng không đi đến hợp tác. Bởi vì, hơn cả câu chuyện về vốn, AWING cần một đối tác cùng hỗ trợ khởi tạo những điều kiện tương tự Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Chỉ đến khi kết nối với Tập đoàn NTT, công cuộc tìm kiếm đối tác của AWING mới có kết quả.

NTT đang tích cực hỗ trợ AWING xúc tiến triển khai mạng lưới tại Indonesia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Nhật Bản thông qua hệ thống “chân rết” của Tập đoàn. Trước mắt, 2 bên xác định cần tạo lập môi trường phù hợp ở các nước để phát triển, trong đó, giá thành đường truyền Internet và hạ tầng wifi cần ở mức hợp lý, tạo động lực để các địa điểm kinh doanh sẵn lòng đầu tư, sau đó mới có thể xuất khẩu mô hình AWING.

“Việt Nam là môi trường ươm mầm thuận lợi cho AWING và các start-up. Tôi tin rằng, nếu bắt đầu ở một quốc gia khác không phải Việt Nam, AWING sẽ không có thành tựu ngày hôm nay”, CEO Nguyễn Tiến Dũng khẳng định.

Chân - Thiện - Nhẫn là “enzyme” đặc trưng của AWING

Triết lý Chân - Thiện - Nhẫn được thể hiện trong văn hóa doanh nghiệp của AWING như thế nào?

“Chân” nghĩa là chân thành, chân thật. AWING không có văn hóa hô hào, vỗ về, mà phải nhìn nhìn thẳng vào sự thật. “Thiện” tức là phải cùng nghĩ đến lợi ích của nhau, phối hợp với nhau, thay vì chỉ nghĩ đến riêng lợi ích của của mình. Còn “Nhẫn” nghĩa là phải bình tĩnh, bao dung, luôn nhìn nhận vấn đề từ lỗi của mình trước, chứ không nên đổ lỗi cho người khác.
Văn hóa Chân - Thiện - Nhẫn khó thực hành trong thời gian đầu, nhưng sau này, khi các nhân sự đã thấm nhuần, sẽ tạo thành một loại “enzyme” (chất xúc tác sinh học - PV) đặc trưng, giúp doanh nghiệp cải thiện sức mạnh nội tại và chuyển hóa thành kết quả.

Ai là thần tượng của anh trong kinh doanh?

Tôi thích những câu chuyện truyền cảm hứng của người xưa. Họ tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức rất cao trong kinh doanh. Ở AWING, chúng tôi không nói đến câu chuyện của những người kinh doanh giỏi, chúng tôi nói tới những người kinh doanh có đạo đức.

Ngày nay, nhiều doanh nhân giỏi, nhưng lại có phần bất chấp. Họ giỏi, nhưng tôi không đề cao sự giỏi giang ấy. Tôi hay tìm về câu chuyện của người xưa và ngưỡng mộ những tấm gương có nhân cách lớn, luôn thể hiện đạo đức trong kinh doanh.

Anh có lời khuyên nào cho những doanh nhân trẻ, mới bước chân vào hành trình khởi nghiệp?

Tôi không quen đưa lời khuyên cho mọi người, vì quan điểm, phương thức tôi dùng để xây dựng AWING sẽ rất khác với nhiều doanh nghiệp ngoài kia. Nhưng theo quan điểm cá nhân tôi, thời này, chúng ta nên làm việc chân chính, đúng đắn, đúng mực.

Mọi người thường nói nhiều về “growth” (tăng trưởng), còn tôi thì giả định, nếu doanh nghiệp của bạn giống như quả bóng, bạn bơm khí vừa phải thôi, đừng bơm quá, kẻo lại vỡ. Chúng ta nên nhìn nhận đúng đắn bản chất doanh nghiệp, từ đó mới có quyết định đúng đắn và những kết quả tốt đẹp, bền vững sẽ đến.

TheoBáo Đầu tư
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global