Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh
Dự thảo Luật gồm 8 chương và 62 điều, bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung các nhóm chính sách khi đề nghị xây dựng dự án Luật, với nhiều nội dung mới, thay đổi căn bản. Trong đó, ngay từ khâu đặt vấn đề, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh nguyên tắc, Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có vấn nhà đầu tư khác không thuộc phạm vi điều chỉnhTrên cơ sở ý kiến đề nghị của các doanh nghiệp, các bộ, ngành, đơn vị có liên quan, Chính phủ thống nhất dự thảo Luật không đưa đối tượng doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác vào trong phạm vi điều chỉnh và giao cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước chịu trách nhiệm. |
Đây là một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra từ thực tiễn trong quá trình triển khai Luật số 69/2014/QH13. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật số 69 thời gian qua bộc lộ những bất cập, hạn chế như phạm vi điều chỉnh của Luật chưa tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp; chưa bao gồm nội dung cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Việc đổi mới căn bản, toàn diện trong công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 về tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa được thể hiện đầy đủ, bao gồm tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN.
Bên cạnh đó, tại Luật số 69, việc xác định vai trò của cơ quan quản lý nhà nước với vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ, các quy định mang tính hành chính can thiệp vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, chưa thực sự được khắc phục. Việc đầu tư vốn (bao gồm cả việc bổ sung và rút vốn) nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể, chưa tạo tính chủ động, kịp thời, linh hoạt. Việc quản lý lợi ích thu được từ vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp chưa được quy định cụ thể trong luật…
Hiện nay, Luật số 69/2014/QH13 có nội dung “sử dụng vốn nhà nước”, “đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” thể hiện sự chi tiết, bó hẹp về cách tiếp cận, hạn chế tính tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng vốn, tài sản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; còn thể hiện sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp; chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời chưa bao gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Thể chế hóa các quan điểm tại Nghị quyết số 12
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, đây là một dự án Luật rất khó. Cái khó ở đây là vừa phải đảm bảo quản lý hiệu quả, toàn vẹn vốn của Nhà nước, tức là tiền thuế của người dân, khi đưa vào đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhưng đồng thời phải đảm bảo được quyền độc lập để quyết định các vấn đề về kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số vụ việc xảy ra trong thời gian triển khai Luật 69 vừa qua đã cho thấy cần phải có những quan điểm chặt chẽ hơn. “Thường trực Chính phủ và Chính phủ đã họp không biết bao nhiêu lần bàn về dự án luật này, đã cố gắng hết sức tối đa, nhưng vẫn còn những vấn đề” - Phó Thủ tướng chia sẻ.
Cũng theo Phó Thủ tướng, với quan điểm sửa đổi toàn diện Luật 69, tinh thần là Chính phủ sẽ tiếp thu và tiếp tục thể chế hóa các quan điểm được nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Đó là, tập trung vào doanh nghiệp công ích, thiết yếu, doanh nghiệp phục vụ quốc phòng, an ninh, các doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo ra động lực phát triển lớn cho kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Cùng với đó là thực hiện quản lý thông qua người đại diện.
Với tinh thần như vậy, dự thảo đã có những thay đổi mới, căn bản. Cụ thể như thay vì điều chỉnh với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì sẽ điều chỉnh cả với các doanh nghiệp có vốn nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở lên, theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Điểm mới hết sức quan trọng nữa là quan điểm chuyển từ quản lý và sử dụng vốn nhà nước thành quản lý và đầu tư vốn nhà nước. Dự thảo cũng phân định rõ về thẩm quyền của doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị doanh nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của lãnh đạo doanh nghiệp; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn.
“Quan trọng là chúng ta đang đi theo hướng đúng, dù thiết kế cho rõ ràng vào luật rất khó, vì để làm sao dung hòa, đảm bảo sự gặp nhau giữa các quan điểm là hết sức thách thức” - Phó Thủ tướng cho biết.
Bổ sung chính sách về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nướcTại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một trong những nhóm chính sách mới quan trọng được bổ sung là về sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, tại Chương V, dự thảo quy định nguyên tắc, việc thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tại doanh nghiệp; đảm bảo linh hoạt, kịp thời, phù hợp với cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu quản lý vĩ mô nền kinh tế đối với từng ngành, nghề, lĩnh vực nhà nước đầu tư vốn trong từng thời kỳ. Dự thảo quy định không thực hiện xác định trong giá trị doanh nghiệp khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với tài sản là các công trình, dự án kết cấu hạ tầng đang được giao doanh nghiệp quản lý, khai thác do Nhà nước đầu tư có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Việc quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật về đất đai. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định chuyển doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc chuyển nhượng phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Việc chuyển nhượng vốn của Nhà nước tại công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm làm cơ sở xây dựng và quyết định phương án chuyển nhượng phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp./. |