VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpĐổi mới từ phía doanh nghiệp sẽ là "chìa khóa" để phục hồi và phát triển bền vững

Đổi mới từ phía doanh nghiệp sẽ là "chìa khóa" để phục hồi và phát triển bền vững

03:27:00 PM GMT+7Thứ 2, 14/10/2024

"Sau đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua bằng nhiều biện pháp sáng tạo và thích ứng linh hoạt” - TS. Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội chia sẻ với TBTCVN nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

PV: Xin ông cho biết đôi nét cơ bản về bức tranh hoạt động sản xuất kinh doanh của DN nói chung và DNNVV nói riêng kể từ sau dịch Covid-19 đến nay. Những nỗ lực nào của doanh nghiệp (DN) nhằm vượt qua khó khăn thách thức thời gian qua, thưa ông?

-TS. Mạc Quốc Anh: Sau đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp đã đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cộng đồng DN đã có nhiều nỗ lực để vượt qua giai đoạn này, phát triển. Trong đó có thể điểm ra 5 điểm sáng nổi bật.

Sau đại dịch Covid-19, nhiều DN phải đối diện với suy giảm sức mua, gián đoạn chuỗi cung ứng và tình trạng lao động thiếu hụt. Đặc biệt, các DNNVV, với quy mô vốn nhỏ và khả năng dự phòng hạn chế, chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN đã từng bước hồi phục, dù vẫn còn nhiều thách thức.

Một là chuyển đổi số. Đây là một trong những nỗ lực lớn nhất của nhiều DN, đặc biệt là các DNNVV, nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các DN đã đầu tư vào công nghệ thông tin, quản lý số và tự động hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện dịch vụ khách hàng, mở rộng thị trường qua các kênh trực tuyến.

Hai là đổi mới sáng tạo. Nhiều DN đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội từ việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường, bao gồm cả các sản phẩm phục vụ bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Ba là tối ưu hóa chi phí và nguồn lực. Các DN đã tập trung tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tái cấu trúc hoạt động sản xuất để giảm thiểu chi phí. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để thích ứng với thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.

Bốn là mở rộng thị trường xuất khẩu. Nhận thấy nhu cầu nội địa vẫn còn hạn chế, nhiều DN đã tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để tìm kiếm cơ hội mới.

Năm là tăng cường hợp tác và liên kết. Trong bối cảnh khó khăn, các DN đặc biệt là DNNVV, đã chủ động liên kết với nhau và với các DN lớn hơn để cùng chia sẻ nguồn lực, kiến thức và cơ hội thị trường.

PV: Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và DN, góp phần quan trọng vào việc phục hồi, phát triển của DN và nền kinh tế. Theo ông, các chính sách đã phát huy tác dụng như thế nào?

-TS. Mạc Quốc Anh: Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách tài khóa và cải cách nhằm hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó vươn
TS. Mạc Quốc Anh

Trong đó đáng chú ý, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả khi thực hiện miễn, giảm, giãn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí. Các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế và phí như: chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT; giảm, giãn thuế thu nhập DN; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước...và các khoản phí khác đã được đánh giá cao về mức độ hữu ích vì phần lớn các doanh nghiệp đều tiếp cận được và hưởng lợi trực tiếp từ chính sách. Các chính sách miễn, giảm thuế, phí đã giảm áp lực tài chính cho DN, giúp các DN có thêm nguồn lực để tái đầu tư và vượt qua khó khăn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

PV: Để giúp DN tiếp tục vực dậy sản xuất, kinh doanh của DN, đồng thời với chính sách tài khóa thì chính sách tiền tệ nào cần được duy trì, thưa ông?

-TS. Mạc Quốc Anh: Về hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách về hỗ trợ lãi suất vay vốn, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các khoản vay của DN thuộc các ngành nghề chịu tác động nặng nề từ đại dịch.

Chính sách này cần tiếp tục duy trì để giúp nhiều DN tiếp cận được vốn với lãi suất ưu đãi, qua đó cải thiện khả năng thanh khoản và duy trì sản xuất.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên
Tạo thêm nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, việc duy trì và phát triển các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã giúp các DN nhỏ và siêu nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ ngân hàng, có thể vay vốn với sự bảo lãnh từ nhà nước. Chính sách này rất quan trọng trong việc tạo động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và DNNVV phát triển, cần tiếp tục được phát huy.

Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số, Chính phủ đã khuyến khích DN, đặc biệt là DNNVV, đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số đã giúp DN nâng cao năng lực quản lý, giảm chi phí vận hành, mở rộng thị trường qua các nền tảng trực tuyến và tiếp cận khách hàng toàn cầu.

Đặc biệt, chương trình này cần được tiếp tục và mở rộng để hỗ trợ DN trong giai đoạn phục hồi và phát triển.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10): Đổi mới từ phía DN sẽ là chìa khóa để phục hồi và phát triển bền vững
Đổi mới từ phía DN sẽ là chìa khóa để phục hồi và phát triển bền vững. Ảnh: TL

Để giúp DN phục hồi, đặc biệt DNNVV cần tiếp tục hỗ trợ tín dụng dài hạn và giảm lãi suất vay. Việc duy trì các chính sách hỗ trợ tín dụng và giảm lãi suất vay vốn là cần thiết để giúp DN có thêm nguồn lực đầu tư vào sản xuất, mở rộng hoạt động kinh doanh.

"Các DN trong thời gian qua rất kiên cường, sáng tạo, đặc biệt là DNNVV để vượt qua giai đoạn đầy thử thách sau đại dịch Covid-19. Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, xin chúc cộng đồng doanh nhân luôn giữ vững niềm tin, bản lĩnh và sáng tạo để tận dụng mọi cơ hội, vượt qua thách thức và đưa doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa" - TS. Mạc Quốc Anh.

TheoSong Linh (Thời báo Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global