VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 27/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpĐối với doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc

Đối với doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc

12:12:00 PM GMT+7Thứ 3, 15/10/2024

Đó là chia sẻ của ông Lưu Hải Minh, Nhà sáng chế, Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc- Ảnh 1.

Từ năm 2004 cho đến năm 2022, OIC New tập trung vào công nghệ nano cho các sản phẩm ngành mỹ phẩm và nguyên liệu thực phẩm cho ngành dược. Ảnh: VGP

Thưa ông, con đường nào đã đưa ông trở thành một doanh nhân? Lĩnh vực mà ông lựa chọn có phải là một cơ duyên hay xuất phát từ điều gì?

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh: Sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải Hà Nội về chuyên ngành cơ khí ô tô, tôi học văn bằng 2 về CNTT tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Và từ khi chưa tốt nghiệp, với một số vốn không nhiều, tôi đã thành lập một doanh nghiệp CNTT là Công ty TNHH Nhật Hải (OIC) với trụ sở đóng tại Lý Nam Đế - phố tin học của Hà Nội.

Được sự hỗ trợ của một số đối tác lớn trong lĩnh vực phân phối sản phẩm CNTT, OIC đã chiếm lĩnh thị trường bán lẻ máy tính và thiết bị tin học. OIC cũng tham gia cả thị trường gia công phần mềm cho nước ngoài và cả phát triển game online. Các sản phẩm và giải pháp của OIC cũng đã giành giải thưởng Sao Khuê của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam vào năm 2006 và năm 2009. Ngoài ra, OIC cũng được giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 5 năm liên tục, 2008,2009,2010,2011, 2013. Và OIC đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 và Huân chương Lao động Hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2012 vì những thành tích nổi bật trong lĩnh vực CNTT.

Tuy nhiên, tôi cũng sớm nhận ra, nếu làm mãi về CNTT cũng chỉ thuần túy là phân phối sản phẩm mà không có công nghệ riêng của mình. Vì thế, năm 2009, OIC đã quyết định chia tay thị trường CNTT để chuyển sang một lĩnh vực mới là công nghệ nano. Công nghệ nano rất rộng, ứng dụng cho vật liệu, ứng dụng cho điện tử ứng dụng vào ngành dược và cuối cùng tôi chọn ứng dụng cho ngành dược. Sản phẩm của chúng tôi là Nano curcumin dạng dung dịch dùng để hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. 

Mỗi một người làm trong ngành dược cũng như ngành y đều phải tuân thủ lời thề của thầy Hippocrates, lời thề đấy sẽ xuyên suốt từ khi bước chân vào nghề cho đến lúc nằm xuống, chứ không phải là dừng công việc đâu, rất nhiều người không tôn trọng lời thề đấy thì đã trả giá và cái lợi thế rất hiệu nghiệm từ hơn 4000 năm nay và tôi mong muốn tôi sẽ mang những cái giá trị của công nghệ cao cho ngành dược đang ứng dụng.

Đối với doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc- Ảnh 2.

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh: "Suốt trong gần 7 năm từ 2009 đến 2016, OIC đã đầu tư lớn để nghiên cứu, chế thử các sản phẩm". Ảnh: VGP

Từ năm 2004 cho đến năm 2022, chúng tôi tập trung vào công nghệ nano cho các sản phẩm ngành mỹ phẩm và nguyên liệu thực phẩm cho ngành dược.

Nhưng sau năm 2022, chúng tôi đưa những sản phẩm này ứng dụng vào ngành thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt thì tôi thấy công nghệ cao này mang lại hiệu quả cho bà con nông dân. Cụ thể, ở thị trường Bạc Liêu, các sản phẩm của tôi có thể phòng những bệnh như là Hội chứng tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome - EMS) hay còn gọi là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (Acute hepatopancreatic necrosis syndrome - AHPNS) làm cho cả tôm sú lẫn tôm thẻ chết hàng loạt, phòng bệnh cho tôm chống lại virus đốm trắng (WSS). Đối với thị trường chăn nuôi, các sản phẩm đã giúp cho chó, mèo không bị chết vì virus gây bệnh. Đối với trồng trọt, chúng tôi đưa đưa một loạt các hoạt chất nano vào tăng cường sinh học cho cây lúa và cây ngô, đem lại hiệu suất cao trong thời gian vừa rồi.

Hiện nay, chúng tôi đã tạo được thương hiệu với 2 sản phẩm cốt lõi là curcumin và nano rutin. Đây đều là những sản phẩm có nguồn gốc Việt Nam và 2 sản phẩm này đang bán chạy nhất. Chúng tôi không chỉ mang đến giá trị cho người Việt Nam mà các sản phẩm này còn đang bán tại Mỹ và nhiều người Mỹ, châu Âu, người Singapore tin dùng. Tôi hy vọng là tôi sẽ phục vụ được nhiều người hơn trên mảnh đất Việt.

Đối với doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc- Ảnh 3.

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh : "Chúng tôi rất cần những ưu đãi bằng chính sách cụ thể và dài hạn để doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể yên tâm đầu tư". Ảnh: VGP

Ông được biết đến là một doanh nhân trong lĩnh vực dược, những cũng được biết đến là Nhà sáng chế. Điều này có thể hiểu ông rất đề cao vấn đề nghiên cứu sáng tạo trong phát triển doanh nghiệp?

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh: Tôi vừa là một doanh nhân, vừa là nhà sáng chế, vì hiện nay tôi đang sở hữu hơn 10 sáng chế và hơn 30 giải pháp hữu ích chuyên ngành cho ngành công nghệ nano ngành dược. Tôi hiện có hơn 135 sáng chế đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, đồng thời cũng có một số sáng chế nộp tại Cục sáng chế của Mỹ. Mong ước trong tương lai là tôi được đem lại những nghiên cứu của mình phục vụ cộng đồng.

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói "khoa học công nghệ là nền tảng phát triển kinh tế", đấy chỉ là một câu nói đơn giản thôi nhưng cực kỳ ý nghĩa. Nếu chúng ta không phát triển khoa học công nghệ thì kinh tế của chúng ta không thể phát triển được. Xác định được điều này, chúng tôi đã thành lập trung tâm R&D, chuyên nghiên cứu và ứng dụng về lĩnh vực BIO công nghệ sinh học. Trong công nghệ sinh học, chúng tôi làm về các sản phẩm từ hoạt chất thiên nhiên chống kháng kháng sinh. Tức là khi là dùng sản phẩm của tôi thì tỷ lệ hấp thụ kháng sinh cao hơn, không gây nhờn thuốc.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực này, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu AI để tạo ra những hệ dẫn mới, hệ đích mới. Sử dụng big data dữ liệu lớn mới làm được. Chúng tôi sẽ làm về công nghệ thần kinh mà ở Việt Nam chưa có. Chúng tôi kỳ vọng nghiên cứu ra hệ thống công nghệ thần kinh để xử lý những bệnh như tự kỉ, tăng động hoặc là một số bệnh về thần kinh.

Chúng tôi nghiên cứu là vì đam mê, làm vì động lực thôi thúc phục vụ cho xã hội. Đúng nghĩa là một doanh nghiệp tự lực tự thân, chưa được sự hỗ trợ của Nhà nước, hết mình làm công nghệ với mong muốn đem lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội. Suốt trong gần 7 năm từ 2009 đến 2016, OIC đã đầu tư nhiều kinh phí để nghiên cứu, chế thử sản phẩm. Và mỗi lần kiểm thử xem sản phẩm có đạt yêu cầu đặt ra hay không ở các cơ quan có đủ máy móc chuyên dụng của nhà nước cũng tốn những khoản tiền không nhỏ.

Đối với doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc- Ảnh 4.

Tiến sĩ Lưu Hải Minh hiện đang sở hữu hơn 10 sáng chế và hơn 30 giải pháp hữu ích chuyên ngành cho ngành công nghệ nano cho ngành dược. Ảnh: VGP

Doanh nhân nước ta đã được công nhận là "lính xung kích thời bình", vừa làm nghiên cứu vừa làm doanh nhân, ông có trăn trở gì không?

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh: Mong muốn của OIC là tiếp tục làm ra sản phẩm công nghệ nano với các hợp chất thiên nhiên khác. Đây là một định hướng đầu tư đúng khi mà sức khỏe con người ngày càng là vấn đề hàng đầu của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu trầm trọng một nền chiết xuất nên là toàn bộ các nguyên liệu để làm thuốc hoặc thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm thì gần như chúng ta nhập khẩu hết. Việt Nam là quốc gia giàu dược liệu. Bất kỳ tỉnh thành nào chúng ta cũng đều trồng được dược liệu, từ vùng núi cao như Hà Giang, Cao Bằng cho đến những vùng khô cằn như Ninh Thuận, Bình Thuận hoặc là vùng Tây Nguyên đều có có nhiều dược liệu và quý giá.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp chúng tôi chỉ mua được Curcumin và Rutin ở Việt Nam. Curcumin từ cây nghệ và Rutin từ hoa hoè, còn những nguyên liệu khác là đều nhập khẩu. Chúng tôi hy vọng trong tương lai với sự phát triển của ngành công nghệ nano, OIC đã làm rất nhiều năm nay, thì chúng tôi sẽ có nhiều bạn đồng hành làm chiết xuất, để có thể đưa những hoạt chất cho sản xuất dược phẩm của Việt Nam.

Nhìn ra các nước xung quanh phát triển ngành dược liệu thì thấy họ có kinh nghiệm hàng trăm năm hình thành nền chiết xuất từ nguyên liệu, do đó chúng ta phải làm ngay từ ngày hôm nay.

Với góc độ là một doanh nghiệp và đã sở hữu công nghệ cao rồi thì ông có mong muốn gì từ chính sách của Nhà nước cũng như chính quyền Thành phố?

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh: Tôi mong muốn Nhà nước và chính quyền Thành phố Hà Nội quan tâm nhiều hơn đến doanh nghiệp làm khoa học - công nghệ bằng các chính sách cụ thể và rõ ràng để các doanh nghiệp như chúng tôi được đóng góp được nhiều hơn cho đất nước.

Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) mới được ban hành, nội dung cho doanh nhân cũng như cho các doanh nghiệp làm khoa học - công nghệ chưa được hưởng ưu đãi nhiều trong Luật, tôi mong sẽ có thêm nội dung về chính sách dành cho doanh nghiệp, doanh nhân trong những lần sửa đổi tiếp theo.

Đối với doanh nghiệp công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc- Ảnh 5.

Các sản phẩm của OIC New được giới thiệu trong nhiều chương trình xúc tiến đầu tư thương mại của Thành phố. Ảnh: VGP

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, là Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thành phố Hà Nội, ông có muốn gửi gắm chia sẻ gì tới các doanh nhân trẻ và những doanh nhân khởi nghiệp?

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh: Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, nhìn lại chặng đường đã qua, tôi cảm ơn sự đồng hành của Nhà nước, của tập thể công ty, những con người nhiệt huyết vì khoa học công nghệ và các bạn báo chí. Khi khởi nghiệp, tôi tin sẽ có những đột phá trong con đường mình chọn và tôi luôn có quyết tâm, động lực để thực hiện. Những đầu năm 2000, tôi chỉ là con số 0 trong công nghệ nano. Nhưng qua thời gian, với sự kiên trì, phấn đấu, nỗ lực và có sự đồng hành, các sản phẩm mà chúng tôi tạo ra đã có mặt ở thị trường Việt Nam, thị trường nước ngoài. Tôi có bằng sáng chế, có các bài báo quốc tế được nhiều giáo sư trên thế giới công nhận.

Tôi nghĩ bất kỳ doanh nhân nào cũng hướng đến cái chung. Thế nhưng mỗi người chọn cho mình con đường khác nhau. Trên con đường vất vả nhiều thăng trầm ấy, cần có động lực, đam mê, khát khao cống hiến, đồng thời phải có một niềm tin mãnh liệt vào sự lựa chọn của mình. Đối với doanh nghiệp làm khoa học công nghệ thì quan trọng nhất là không bỏ cuộc. Muốn có ánh sáng lớn phải đồng lòng "nhóm được lửa" để dần dần bước tới thành công.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi chúc cộng đồng doanh nhân vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vươn lên, cống hiến nhiều hơn cho đất nước và quan trọng nhất là xây dựng cho đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nhà sáng chế Lưu Hải Minh là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội; là thành viên BCH Hội Miễn dịch ung thư Việt Nam; Chủ tịch Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải (OIC New).

OIC New là doanh nghiệp khoa học công nghệ hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ Nano, được ứng dụng trong Y dược, Nông nghiệp, Thủy sản.

Với đội ngũ kỹ sư giỏi, dày dặn kinh nghiệm cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Nano, OIC New phấn đấu không ngừng với mục tiêu mang các chế phẩm nano chất lượng cao của Việt Nam vươn ra tầm quốc tế.
TheoBáo Chính phủ
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global