VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 27/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpĐộng thái mới về hoạt động của sàn thương mại điện tử Temu

Động thái mới về hoạt động của sàn thương mại điện tử Temu

09:28:00 AM GMT+7Thứ 7, 26/10/2024

Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu. (Nguồn: Fortune)
 
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu. (Nguồn: Fortune)

Liên quan đến hoạt động của sàn thương mại điện tử Temu đang bán hàng xuyên biên giới gây nguy cơ cho sản xuất hàng hóa trong nước, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Temu đã có văn bản xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số-Bộ Công Thương, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023. Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.

Cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; trong đó, có Temu.

Cũng theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử được Chính phủ ban hành nhằm quy định chi tiết về hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.

“Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường,” Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho biết.

Để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng. Theo đó, Bộ này đề xuất ban hành công điện về việc tiếp tục đẩy mạnh việc quản lý nhà nước về thương mại điện tử; trong đó, có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật Chuyên ngành về thương mại điện tử xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực.

Các chuyên gia ủng hộ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới nhưng việc quản lý chưa chặt chẽ, có sàn chưa đăng ký hoặc thậm chí không thu thuế được là không đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Điều này ảnh hưởng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, khiến doanh nghiệp Việt Nam chịu sự cạnh tranh không công bằng và minh bạch trên môi trường thương mại điện tử.

Hơn nữa, việc quản lý bán hàng hóa xuyên biên giới của các sàn thương mại từ Trung Quốc như Temu, Shein, TaoBao, 1688... đang là vấn đề các cơ quan quản lý cần xem xét. Do đó, cần sự kết hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng và việc cấp phép phải được xem xét chặt chẽ để bảo vệ hàng hoá trong nước.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương. Do đó, cần điều tra, nghiên cứu cụ thể và chưa thể khẳng định mức giá đó là thật hay không. Trước hết vẫn phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, cần bình tĩnh trước thực trạng trên để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.

“Khi đó sẽ tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định./.

Bộ Công thương giao Cục Thương mại điện tử và kinh tế số rà soát đánh giá tác động từ sàn Temu, khi hàng hóa bán trên sàn này có giá rất rẻ và chưa thể đánh giá được có phải là hàng thật hay không.

TheoUyên Hương (Vietnam+)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global