Thứ 5, 03/04/2025 | English | Vietnamese
10:07:00 AM GMT+7Thứ 2, 31/03/2025
Lần đầu tiên trong lịch sử, người nông dân trong nước tham gia điều tiết thị trường cà phê thế giới. Cùng với đó doanh nghiệp Việt không chỉ xuất khẩu mà đã và đang xây dựng câu chuyện về văn hóa, không gian, qua các sản phẩm cà phê.
Thời điểm hiện tại, giá cà phê tại Tây nguyên đang dao động quanh mức 135.000 đồng/kg, con số lịch sử từng thoáng qua trong năm 2024. Điều đặc biệt hơn và cũng chưa từng xảy ra là giá cà phê tăng ngay trong vụ thu hoạch niên vụ 2024 - 2025 vừa qua.
Chia sẻ với báo chí, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó chủ tịch Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết: Có nhiều yếu tố khác nhau tác động, nhưng một nguyên nhân đặc biệt thú vị là nông dân trồng cà phê Việt Nam góp phần điều tiết thị trường. Đây là điều chưa từng xảy ra ở bất cứ ngành hàng nào.
"Nông dân trong ngành cà phê hiện nay có vốn và đặc biệt là có đủ thông tin về sự khan hiếm trên toàn cầu, nên họ không vội bán. Việc này khiến nguồn cung thường xuyên duy trì trạng thái không đủ, khiến giá được giữ ở mức cao trong một thời gian dài. Thêm vào đó, cà phê robusta Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi giá trị cũng như công thức rang xay, pha chế của các thương hiệu toàn cầu", ông Nam giải thích.
Nhiều yếu tố khách quan khác cũng đang xảy ra theo hướng có lợi cho cà phê Việt Nam. Mới nhất là việc Mỹ, thị trường tiêu thụ cà phê lớn thứ 2 thế giới, có thể áp thuế lên một số nước là nguồn cung cà phê gián tiếp (Mexico, Canada) và trực tiếp (các nước Nam Mỹ). Nếu điều này xảy ra, không gian cà phê Việt Nam lại tiếp tục được mở bung. Theo một số tổ chức, ước tính quy mô thị trường cà phê của Mỹ đạt giá trị khoảng 28 tỷ USD trong năm 2024. Với tốc độ tăng trưởng 3,69%, thị trường này có khả năng mở rộng lên tới 33,6 tỷ USD vào năm 2029.
Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam. Thị trường lớn nhất của Việt Nam hiện tại vẫn là EU. Năm 2024, ước tính quy mô thị trường cà phê châu Âu đạt gần 48 tỷ USD. Thị trường này vẫn tiếp tục mở rộng và dự báo tăng trưởng bình quân 3,96%, vào năm 2029 có thể vượt con số 58 tỷ USD. Cơ hội với hạt cà phê Việt Nam ở thị trường EU càng lớn khi áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR) vào cuối năm 2025.
Ông Đỗ Hà Nam thông tin, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hiệp, Simexco DakLak hay Intimex…, đã chuẩn bị rất cơ bản trong việc tuân thủ EUDR. Hiện tại, Intimex đã có sẵn 200.000 tấn cà phê có chứng nhận EUDR, bằng 50% lượng hàng của công ty xuất sang thị trường EU. "Chúng tôi vẫn tiếp tục việc tăng diện tích và sản lượng cà phê tuân thủ EUDR. Có thể nói, Việt Nam đang có lợi thế lớn so với các nguồn cung cà phê khác ở thị trường EU", ông Nam tự tin.
Nhưng cơ hội cho cà phê Việt không chỉ có ở những nơi xa như EU hay Mỹ mà còn ngay cạnh chúng ta.
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cho biết: Những năm gần đây, cà phê robusta của Việt Nam được sử dụng rộng rãi, giá cà phê tăng giúp vị thế của doanh nghiệp cà phê được cải thiện đáng kể. Có vị thế tốt, chúng ta cũng dễ thương lượng hơn với đối tác.
Theo đó, tuy EU, Mỹ đang là những thị trường truyền thống nhưng cơ hội thực sự rất lớn ở ngay cạnh chúng ta là thị trường Trung Quốc. Trong vài năm gần đây, nước này tiêu thụ cà phê rất mạnh và sẽ trở thành một thị trường khổng lồ trong ngành cà phê. Trước đây, khi mới bắt đầu uống cà phê, người Trung Quốc cũng chủ yếu nhập cà phê arabica từ Brazil và các nước châu Phi. Một vài năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiêu thụ cà phê robusta của Việt Nam nhờ chất lượng tốt, vị mạnh mẽ. Họ không chỉ uống cà phê hòa tan mà còn sử dụng sản phẩm cà phê rang xay thay thế arabica.
"Người Trung Quốc chỉ thích mua sản phẩm thô về chế biến, tiêu thụ. Vấn đề của chúng ta là phải tạo ra những sản phẩm tinh, chất lượng cao đủ sức thuyết phục họ nhằm giữ lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho ngành cà phê Việt Nam. Thời cơ của cà phê Việt Nam không chỉ là thị trường dựa vào quy luật cung - cầu truyền thống mà cần khai thác ở phân khúc chế biến sâu, sản phẩm có thương hiệu. Nếu đột phá vào khâu này, cà phê Việt Nam sẽ sớm trở thành ngành hàng chục tỷ USD", ông Trịnh Đức Minh tâm huyết.
Cơ hội lớn, song ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, thừa nhận: Tuy đứng thứ 2 thế giới về sản lượng cà phê và đứng đầu trong ngành hàng cà phê robusta nhưng điểm yếu của cà phê Việt Nam vẫn là xuất thô. Ở phân khúc tạo ra giá trị gia tăng cao là cà phê rang xay, cà phê hòa tan, doanh nghiệp Việt vẫn còn rất yếu.
"Thời gian qua, sản phẩm cà phê thương hiệu Việt bước ra sân chơi thế giới cơ bản mới chỉ có Trung Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi thấy một đội ngũ khá nhiều doanh nghiệp Việt đang có khát vọng này và cũng đạt được một số thành công ban đầu. Tín hiệu đáng mừng trong những tháng đầu năm 2025 là một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đầu tư mạnh vào chế biến sâu để đón vận hội mới, nhưng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thậm chí còn đầu tư mạnh hơn. Do vậy, để biến cà phê thành ngành hàng chục tỷ USD cần có sự hỗ trợ từ nhà nước trong việc hỗ trợ vốn dài hạn lãi suất thấp cho các doanh nghiệp muốn phát triển lĩnh vực này", ông Hải khuyến nghị.
Những dự án mà ông Hải đề cập đến là lễ động thổ nhà máy cà phê Trung Nguyên Legend có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, triển khai theo 2 giai đoạn; giai đoạn một có quy mô gần 1.000 tỷ đồng, được trang bị công nghệ hiện đại bậc nhất từ Đức, Ý và hợp tác với các thương hiệu công nghệ số 1 toàn cầu. Đây được xem là nhà máy sản xuất cà phê lớn nhất Đông Nam Á, và là dự án trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Nhà máy cũng đóng vai trò đặc biệt trong việc định hình ngành cà phê Việt Nam khi tham gia vào chuỗi chế biến hết, chế biến sâu và chế biến tinh, tạo ra nguyên liệu giá trị cao từ cà phê đóng góp cho nhiều ngành công nghiệp khác.
Đối với việc phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết: Trong quý I/2025, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend mở thêm 3 không gian tại Nam Kinh, Hàng Châu, Thượng Hải, hướng tới mục tiêu 1.000 quán tại Trung Quốc. Tại Mỹ, Trung Nguyên E-Coffee và Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend cũng tiếp tục xuất hiện tại bang Texas, thành phố Portland (bang Oregon) và thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), góp phần hiện thực hóa con số 100 quán tại Mỹ.
Hiện đã có hơn 800 cửa hàng và 1.000 hợp đồng nhượng quyền cùng tốc độ mở mới 30 cửa hàng/tháng, Trung Nguyên E-Coffee vẫn đang bùng phát mạnh mẽ, dự kiến đạt 3.000 cửa hàng trong năm 2025. Cùng Trung Nguyên E-Coffee, hệ thống không gian Trung Nguyên Legend, Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiện diện tại các vị trí đẹp, trung tâm các thành phố lớn ở VN, Mỹ, Trung Quốc và nhân rộng mô hình tại Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai, Pháp, Đông Nam Á, châu Á, châu Âu...
Tương tự, Tập đoàn Intimex, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân số 1 Việt Nam những năm gần đây, cũng chuyển hướng sang lĩnh vực cà phê chế biến với nhà máy có công suất 4.000 tấn/năm. Hoạt động thuận lợi, từ đầu năm 2025 doanh nghiệp này đã tiến hành mở rộng công suất lên gấp đôi với vốn đầu tư trên 400 tỷ đồng, công suất 8.000 tấn/năm. Sản phẩm sẽ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á, Nhật Bản và cả châu Âu.
Là một trong những doanh nhân có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và thương hiệu cà phê Việt Nam, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, khẳng định: Thay vì chỉ chạy theo sản lượng và giá cả, chúng ta cần tập trung tạo ra giá trị khác biệt. Nghĩa là không chỉ đơn thuần trồng và bán cà phê nhân thô, mà phải phát triển các sản phẩm chế biến sâu và gắn kết với những câu chuyện thương hiệu, câu chuyện văn hóa và các giá trị bền vững. Một số báo cáo ước tính ngành cà phê toàn cầu có giá trị khoảng 130 tỷ USD.
Nếu chỉ nghĩ đến việc tăng sản lượng thì Việt Nam chỉ chiếm được một phần nhỏ trong con số đó và mãi sẽ chỉ là một nước cung cấp nguyên liệu. "Điều chúng tôi hướng đến là tạo ra các sản phẩm cà phê chế biến sâu có giá trị cao, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện đời sống người nông dân, khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tôi nghĩ, sự thay đổi tư duy này chính là con đường mà ngành cà phê Việt Nam cần phải đi nếu muốn bứt phá và phát triển bền vững trong tương lai", ông Thông nói.
Ông Trịnh Đức Minh cũng đồng quan điểm là không thể dựa vào số lượng và giá cả để trông đợi cà phê thành ngành hàng chục tỉ USD mà phải tạo ra không gian để doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm. Điều cần nhất là chính sách như vốn bao gồm lãi suất. Có sản phẩm tốt rồi còn phải phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu. "Trong việc xây dựng thương hiệu, chúng ta không thể trông đợi vào các kỳ hội chợ quốc tế mà phải được thực hiện thường xuyên. Một trong những cách mà tôi thấy khá hay như ở Thái Lan, tại các sân bay họ có không gian rộng lớn dành riêng cho đặc sản địa phương", ông Minh dẫn chứng.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global