VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 06/10/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpEU đánh thuế carbon: DN thép hàng đầu Việt Nam đối mặt rào cản mới

EU đánh thuế carbon: DN thép hàng đầu Việt Nam đối mặt rào cản mới

10:31:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/10/2024

Thép là 1 trong 6 ngành hàng chịu tác động đầu tiên từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo ước tính của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lĩnh vực thép có khả năng sẽ giảm khoảng 4% giá trị xuất khẩu dưới tác động của CBAM và ngành thép Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã trao đổi với VietnamFinance về vấn đề này.

- Thưa ông, CBAM đã tác động tới ngành thép Việt Nam như thế nào trong thời gian qua? Để ứng phó với CBAM thì doanh nghiệp và Hiệp hội Thép đã triển khai các hoạt động như thế nào?

Ông Đinh Quốc Thái: Năm 2023, chúng ta sản xuất được khoảng 20 triệu tấn thép thô. Với sản lượng này thì Hiệp hội Thép thế giới đã xếp hạng công nghiệp thép Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về sản xuất thép thô và đứng hàng đầu châu Á và Đông Nam Á về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2023, chúng ta đã xuất khẩu được khoảng 11,8 triệu tấn thép và với cái kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 8,9 tỉ USD và trong đó có khoảng 27% xuất sang thị trường EU. Với sản lượng 27% này thì thị trường EU đứng tốp 3 trong 30 thị trường của ngành thép Việt Nam.

Đây là một thị trường rất lớn và với ý nghĩa đặc biệt của thị trường này cho nên với những cơ chế tác động đến sản lượng sản xuất, kinh doanh xuất khẩu của ngành phép thì chúng tôi cũng tham khảo và nghiên cứu rất kỹ một số cơ chế, ví dụ như cơ chế CBAM hay là những thông tin liên quan đến thay đổi áp hạn ngạch xuất khẩu của EU vào các doanh nghiệp thép trên thế giới cũng như Việt Nam.

Khi bắt đầu manh nha có cơ chế CBAM thì chúng tôi đã bắt đầu tiến hành tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế này. Chúng tôi đã tăng cường phổ biến thông tin nhằm giúp cho doanh nghiệp biết được rằng hiện nay EU đã bắt đầu manh nha cơ chế CBAM này và tương lai nó sẽ ảnh hưởng đến sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam sang thị trường EU.

Chúng tôi cũng đã phối hợp và có những khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho các cán bộ quản lý chủ chốt liên quan đến việc xuất khẩu để mà biết được rằng cơ chế CBAM sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xuất khẩu cho tương lai.

Ví dụ như doanh nghiệp Tôn Phương Nam hay là Tập đoàn thép Hòa Phát cũng như một số doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu sang EU thì các doanh nghiệp này cũng đã tổ chức đào tạo khá chi tiết bài bản để cho các cán bộ chủ chốt cũng như cán bộ, nhân viên hiểu và nắm chắc cơ chế CBAM sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mình như thế nào.

Chúng tôi cùng các doanh nghiệp đã tích cực tối ưu hóa, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất, cố gắng áp dụng những biện pháp, giải pháp trong các hoạt động hàng ngày cũng như trong vận hành sản xuất để làm sao giảm được phát thải carbon, tiến tới chuyển đổi xanh cũng như trong tương lai sẽ áp dụng được các giải pháp sản xuất thép xanh hơn.

Đồng thời, đến nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện dự thảo lộ trình trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở đó làm tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành có chiến lược cũng như kế hoạch cần thiết để chuyển đổi xanh và ứng phó kịp thời với CBAM.

- Với sự chuẩn bị của doanh nghiệp ngành thép thời gian qua, theo ông, việc có một kênh chính thống làm đầu mối là Bộ Công thương có ý nghĩa như thế nào trong việc ứng phó với CBAM?

Ông Đinh Quốc Thái: Với tư cách là cơ quan đại diện cho trên 90% sản lượng thép của toàn ngành thép Việt Nam với trên 120 doanh nghiệp trong ngành thép thì chúng tôi thấy rằng các nguồn thông tin của chúng ta về CBAM rất phong phú.

Do chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơ chế CBAM trong một thời gian ngắn sắp tới thì các doanh nghiệp ngành thép nói chung cũng như cơ quan thường trực Hiệp hội Thép Việt Nam nói riêng cũng tiến hành tìm hiểu ở trên rất nhiều các nguồn thông tin khác nhau. Đặc biệt là sự giúp đỡ của Bộ Công Thương, đặc biệt là Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, rồi Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và thông qua các buổi hội thảo của hội nghị có liên quan đến vấn đề CBAM, các chuyên gia tư vấn… các doanh nghiệp thép Việt Nam đã tìm hiểu cơ bản được các kiến thức cần thiết, hiểu rõ việc mà các doanh nghiệp cần phải làm từ ngày 1/10/2023 rồi từ 1/1/2026 cho đến năm 2034 thì chúng ta cần phải làm gì.

Chúng tôi cũng rất tâm đắc với quyết định mới nhất gần đây của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối chủ trì việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp ngành thép nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung về các thông tin liên quan đến CBAM và hướng dẫn các doanh nghiệp ứng phó có hiệu quả với cơ chế carbon biên giới của EU (CBAM).

Với việc doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện một quy định về mặt luật pháp của EU là một tổ chức, một định chế cách xa chúng ta với một ngôn ngữ khác, chúng tôi cho rằng việc có một cơ quan chính thống để hướng dẫn doanh nghiệp thì là một điều rất tuyệt vời và chúng tôi hi vọng Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thép Việt Nam hiểu rõ và sâu sắc hơn các việc cần phải làm từ yêu cầu của EU và ứng phó có hiệu quả hơn với cơ chế CBAM.

- Vậy doanh nghiệp ngành Thép mong muốn được hỗ trợ như thế nào từ các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, các ngành liên quan… để thích ứng hiệu quả với cơ chế CBAM, thưa ông?

Ông Đinh Quốc Thái: Thép là một ngành công nghiệp then chốt, sử dụng các công nghệ với chi phí đầu tư rất lớn. Cho nên ngành thép Việt Nam muốn chuyển đổi để mà thích ứng với một cơ chế như cơ chế CBAM hay là chuyển đổi xanh thì ngành thép Việt Nam phải có những bước đi thích hợp với một tầm nhìn tương ứng.

Điểm đầu tiên chúng tôi mong muốn rằng cơ quan quản lý nhà nước và nhất là Bộ Công Thương nhanh chóng trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững và có những cơ chế đặc thù cho ngành thép Việt Nam để chuyển đổi xanh cũng như sản xuất bền vững, đấy là việc thứ nhất về mặt về mặt tầm nhìn chiến lược cũng như triển khai chiến lược của của ngành.

Điểm thứ hai cũng mong muốn rằng để mà chuyển đổi được thì doanh nghiệp cũng cần có những sự hỗ trợ ban đầu về mặt tư vấn, về mặt công nghệ kỹ thuật cũng như vốn hỗ trợ từ các quỹ tín dụng xanh thì việc này thì chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước cũng có hướng dẫn để cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng này, làm sao để chúng tôi vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lại vừa tiếp cận được các công nghệ thích ứng với điều kiện của Việt Nam và điều kiện của doanh nghiệp.

Điểm cuối cùng chúng tôi cũng mong muốn với công tác phối hợp giữa các ngành thì cũng có tăng cường phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là làm sao tạo được một chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh thép để mà chúng tôi có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu xanh cũng như năng lượng xanh, rồi có được các khách hàng sử dụng sản phẩm thép xanh, vì chúng ta đã biết là thép xanh muốn sản xuất được thì chắc chắn chi phí nó sẽ tăng lên, nhưng mà chúng ta cũng phải xác định một điều rằng cho dù chi phí tăng thì chúng ta cũng phải làm để thích ứng được các cơ chế kiểu như cơ chế CBAM.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 24/8, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về triển khai các nhiệm vụ liên quan tới cơ chế CBAM. Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các biện pháp hiệu quả ứng phó với Cơ chế CBAM, bao gồm việc xây dựng và triển khai Đề án ứng phó với Cơ chế СВАМ và các hoạt động chủ động, tích cực nhằm thích ứng với CBAM…

TheoHồng Hạnh (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global