Quản lý ngân quỹ nhà nước và huy động vốn hiệu quả
Thông tin tại cuộc họp báo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) được tổ chức vào chiều 13/1/2025, ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, KBNN cho biết, trong năm 2024 vừa qua, KBNN đã chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều hành ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất, chặt chẽ trong toàn hệ thống, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của NSNN và các đơn vị giao dịch với KBNN, đặc biệt là các khoản chi an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và các khoản chi cấp bách khác.
KBNN huy động vốn qua phát hành TPCP hiệu quả. Ảnh minh họa. |
Ngân quỹ nhà nước được tiếp tục tập trung gửi toàn bộ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) để vừa tạo thuận lợi cho việc quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước, vừa hỗ trợ NHNN trong việc thực thi chính sách tiền tệ.
Trong năm 2024, KBNN đã sử dụng ngân quỹ nhà nước cho NSTW vay 208.513 tỷ đồng, nâng mức dư nợ ngân quỹ nhà nước cho NSTW vay cuối năm 2024 lên 400.350 tỷ đồng; qua đó, giảm chi phí vay khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm so với đi vay từ thị trường. |
Nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được tiếp tục sử dụng cho ngân sách trung ương (NSTW) vay nhằm giảm áp lực huy động vốn từ thị trường, góp phần ổn định thị trường trái phiếu Chính phủ, đặc biệt trong những thời điểm thị trường tài chính - tiền tệ biến động mạnh.
Trong năm 2024, KBNN đã sử dụng ngân quỹ nhà nước cho NSTW vay 208.513 tỷ đồng, nâng mức dư nợ ngân quỹ nhà nước cho NSTW vay cuối năm 2024 lên 400.350 tỷ đồng; qua đó, giảm chi phí vay khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm so với đi vay từ thị trường.
Nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi còn lại mà NSTW chưa có nhu cầu sử dụng được gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại (NHTM) và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo phương thức đấu thầu điện tử, cạnh tranh lãi suất, đảm bảo công khai, minh bạch.
Thông qua hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước, KBNN đã nộp vào NSTW 2.850 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ. Tính từ năm 2019 đến nay, tổng số nộp NSTW từ nguồn thu hoạt động nghiệp vụ của KBNN đạt 26.244 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Lưu Hoàng cho biết, năm 2024, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong nước còn chậm, tồn ngân quỹ nhà nước ở mức cao, KBNN đã tổ chức phát hành TPCP với khối lượng phù hợp với nhu cầu vốn của NSNN, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Công tác phát hành TPCP được duy trì thường xuyên để vừa huy động vốn cho NSNN, vừa duy trì ổn định thị trường TPCP. Toàn bộ TPCP được phát hành theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, đảm bảo công khai, minh bạch và cạnh tranh.
Kỳ hạn phát hành linh hoạt, tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên để tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Lãi suất phát hành TPCP được điều hành theo nguyên tắc thị trường và định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.
Tính đến hết ngày 31/12/2024, KBNN đã huy động được 330.375,5 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; kỳ hạn phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 11,12 năm; thời gian đáo hạn bình quân danh mục TPCP là 9,02 năm; lãi suất phát hành TPCP bình quân năm 2024 là 2,52%/năm, thấp hơn 69 điểm phần trăm so với năm 2023 (3,21%), giúp giảm chi phí vay nợ cho NSNN.
Sẽ thông báo kế hoạch chi tiết đến từng tháng để huy động vốn
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước thông tin tại buổi họp báo Ảnh: H.T |
Năm 2025 yêu cầu cho nhiệm vụ tăng trưởng rất cao, đặc biệt là đầu tư công nên phải huy động một lượng vốn rất lớn để đáp ứng nhu cầu cho chi đầu tư công, đồng thời để thực hiện chi trả nợ gốc lên tới 360.000 tỷ đồng của ngân sách trung ương… Theo đó, trong năm 2025, KBNN được giao huy động vốn qua phát hành TPCP là 500.000 tỷ đồng.
“Đây là mức rất cao, gấp 1,25 lần so với kế hoạch năm 2024 và gấp 1,7 lần so với việc thực hiện của năm 2024” - ông Lưu Hoàng cho biết.
Với việc gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, KBNN đã thực hiện gửi tại các ngân hàng an toàn, hoạt động ổn định theo đúng quy định. Hiện nay, KBNN đang gửi tập trung tại 4 NHTM nhà nước, qua đó, KBNN đã phối hợp cùng NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. |
Tuy nhiên, theo ông Lưu Hoàng, KBNN sẽ tiếp tục bám sát thị trường, cũng như điều hành chính sách tiền tệ của NHNN để tham mưu, báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thị trường cũng như phù hợp với nguồn vốn của ngân sách trung ương. Đồng thời, KBNN sẽ có thông báo kế hoạch phát huy động vốn chi tiết tới từng tháng đến các nhà đầu tư.
“Ngay từ những ngày đầu năm này, chúng tôi sẽ thông báo kế hoạch ra thị trường và những thông tin sẽ minh bạch, công khai hơn so với hàng năm. Ví dụ hàng năm chúng tôi thông báo theo quý, nhưng năm nay chúng tôi sẽ thông báo kế hoạch chi tiết đến hàng tháng và thực hiện phát hành TPCP ngay từ đầu năm tương tự như đã thực hiện trong năm 2024. Đồng thời, chúng tôi tranh thủ những thời điểm thị trường thuận lợi, lãi suất hợp lý, nhu cầu nhà đầu tư cao để hút tiền vào NSNN” - ông Hoàng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, việc thông báo kế hoạch chi tiết từng tháng sẽ giúp nhà đầu tư chủ động nguồn vốn hơn để họ có kế hoạch đầu tư phù hợp cũng như sẽ giúp các nhà đầu tư cân đối lại nguồn vốn chi tiết theo tháng của họ để tích cực tham gia vào các phiên đấu thầu TPCP tốt hơn.
Cho biết về công tác quản lý ngân quỹ trong năm 2025, ông Hoàng chia sẻ, trên cơ sở tập trung ngân quỹ về NHNN, phần ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi KBNN tiếp tục ưu tiên sử dụng cho NSTW vay, phần còn lại mà NSTW chưa có nhu cầu sử dụng, KBNN tiếp tục sử dụng để thực hiện 2 nhiệm vụ đó là gửi có kỳ hạn tại NHTM và mua lại có kỳ hạn đối với TPCP.
Với việc gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, KBNN đã thực hiện gửi tại các ngân hàng an toàn, hoạt động ổn định theo đúng quy định. Hiện nay, KBNN đang gửi tập trung tại 4 NHTM nhà nước, qua đó, KBNN đã phối hợp cùng NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN./.