Sau thời gian tăng mạnh do ảnh hưởng của bão số 3, hiện giá rau củ đã hạ nhiệt. Ảnh tư liệu |
Giá rau củ hạ nhiệt những ở mức cao so với trước bão lũ
Ghi nhận của phóng viên TBTCVN tại một số siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội gồm khu vực quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, trung tâm TP. Hà Nội và khu vực quận Hà Đông cho thấy, hàng hóa rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống thiết yếu phục vụ người dân khá dồi dào. Chợ đầu mối, chợ dân sinh rau củ hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao so với trước bão lũ.
Tại siêu thị WinMart trên phố Võ Thị Sáu, quận Hai Bà Trưng hàng hoá đầy ắp trên các quầy. Nhân viên tại đây cho biết, giá cả các mặt hàng được siêu thị giữ nguyên, thực phẩm rau xanh, các loại thịt được cung ứng đầy đủ.
Có mặt ở Chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), phóng viên nhận thấy, hoạt động buôn bán hàng hoá đã bình ổn như thời điểm trước bão số 3. Lý do lưu thông hàng hóa tại các tỉnh lân cận, cung ứng hàng hóa, rau củ quả cho thị trường Hà Nội đang dần ổn định. Tuy nhiên, nguồn cung từ các vùng chuyên canh cung cấp rau củ chính cho chợ đầu mối tại huyện Thường Tín, Hà Nội còn hạn chế, vì đang trong quá trình xuống giống do nhiều nơi ngập lụt.
Bà con buôn bán tại chợ đầu mối cho biết, hiện nay các mặt hàng rau củ mặc dù sức mua không tăng nhưng giá cả sẽ biến động theo ngày do nguồn cung hạn chế.
Tại các chợ dân sinh khu vực quận Hoàn Kiếm, giá cả bình ổn, rau củ hạ nhiệt. Loại rau thông dụng với người dân là rau muống có giá từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/mớ nhỏ, giảm 1/2 so thời điểm sau bão lũ. “Giá rau giảm do nguyên nhân nguồn cung khu vực trung tâm Thủ đô khá dồi dào, có sự góp mặt của rau củ Đà Lạt, Mộc Châu và nhập khẩu từ Trung Quốc” - bà Trần Hồng Hà chia sẻ.
Tại chợ 8/3, chợ Quỳnh Mai, chợ Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, các tiểu thương chia sẻ, giá rau củ đã bình ổn về gần với mức trước bão lũ, giá bán sẽ lên xuống chút ít theo ngày tùy vào giá chợ đầu mối.
Tham khảo tình hình mua bán khu vực Hà Đông, Hà Nội, phóng viên ghi nhận, tại các chợ truyền thống, rau củ quả những ngày này phong phú hơn nhưng giá vẫn neo ở mức cao, đặc biệt là rau xanh ăn lá, rau gia vị. Một tiểu thương bán rau ở Hà Đông cho biết, củ quả lấy ở chợ đầu mối giá vẫn ở mức cao. Một số loại như hành tây, bắp cải, nấm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng hơn ngày trước bão và duy trì giá ở mức cao. Thời điểm này, rau ăn lá khan hiếm, không có hàng nhập, có nhập thì giá cũng quá cao khó bán tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng rau củ quả đã giảm từ 5 - 10% so với thời điểm cách đây nửa tháng. Cụ thể, rau muống ngọn nhỏ hiện có giá 15.000 đồng - 20.000 đồng mớ, rau ngọn to 10.000 đồng/mớ. Rau cải ngọt 25.000/kg; bí xanh 20.000 đồng - 23.000 đồng/kg, đã giảm đáng kể so với thời điểm bão.
Theo Sở Công thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng rau củ các loại của Hà Nội khoảng 110,5 nghìn tấn/tháng, tương đương 1,32 triệu tấn/năm. Sau bão, để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng rau củ, các doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thêm từ các tỉnh phía Nam như Đà Lạt (tăng cả số chuyến hàng vận chuyển về Hà Nội và số lượng hàng hóa) để bổ sung lượng hàng phục vụ nhân dân.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao
Trong tuần qua một thông tin thu hút được sự quan tâm của người dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, đó là việc Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati đang tạo ra nhiều biến động cho thị trường gạo toàn cầu, tạo ra áp lực giảm giá đối với gạo Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Văn Nam nhận định, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo phổ thông như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam khó có thể giảm về dưới 500 USD/tấn nhờ nhu cầu cao từ các thị trường lớn và những loại gạo chất lượng cao như ST24, ST25.
Đáng chú ý, động thái của Ấn Độ cũng được VFA khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát sao, bởi việc Ấn Độ tham gia thị trường xuất khẩu gạo trở lại khiến nguồn cung dồi dào, gây áp lực lớn với hầu hết quốc gia xuất khẩu trong việc giảm giá gạo, đặc biệt là phân khúc gạo trắng thông dụng.
Theo đó, doanh nghiệp và người nông dân sản xuất lúa gạo cần có sự phối hợp, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, đảm bảo nguồn cung để giữ thế chủ động trong bối cảnh thị trường gạo thế giới có thể có biến động do nguồn cung tăng.
Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam Nguyễn Đức Dũng đánh giá, thời gian qua, giá gạo thế giới đã điều chỉnh giảm do nguồn cung tại châu Á gia tăng. Mới đây, Ấn Độ lại dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và đưa ra giá sàn 490 USD/tấn. Mức giá này đang khá sát với giá gạo thế giới. Nhiều khả năng, động thái này của Ấn Độ sẽ khiến giá gạo còn điều chỉnh giảm thêm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều này không đáng lo vì Việt Nam vẫn đang giữ vị thế tốt ở nhiều phân khúc. Nhưng về dài hạn, các doanh nghiệp vẫn phải kiên trì thực hiện chiến lược nâng cao giá trị, tạo sự khác biệt cho gạo Việt Nam thông qua Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo dự báo của giới chuyên gia, những tháng cuối năm 2024, giá gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng nhiều và khó giảm dưới mức 500 USD/tấn.
Giá gạo ở mức cao, thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu "Hiện nay, giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Yếu tố quan trọng ở đây là làm sao đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Tiếp đến, phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo". Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) |