Trong phiên chiều 3/9, giá vàng, giá dầu và chứng khoán tại thị trường châu Á đều đi xuống.
Giá vàng tại châu Á đi xuống
Trong phiên chiều 3/9, giá vàng tại thị trường châu Á đi xuống khi các nhà đầu tư chờ đợi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ, nhằm đánh giá quy mô của đợt cắt giảm lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo sẽ thực hiện trong tháng này.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.495,50 USD/ounce. Trước đó, phiên 20/8, giá vàng đã đạt mức cao kỷ lục 2.531,60 USD/ounce.
Theo các nhà giao dịch, việc đồng USD lên gần mức cao nhất trong hai tuần, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với những nhà đầu tư sử dụng loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích Kelvin Wong của sàn giao dịch OANDA nhận định giá vàng khó trở lại mức cao kỷ lục do thiếu các nhân tố tích cực mới. Nếu dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy sự yếu kém và Fed nghiêng về việc cắt giảm lãi suất mạnh, giá vàng sẽ tăng.
Theo nhà phân tích này, giá vàng có thể tăng lên tới 2.640 USD/ounce trong năm nay. Hiện thị trường đang chờ đợi báo cáo về số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng Tám vừa qua, dự kiến công bố vào ngày 6/9 tới.
Theo khảo sát của Reuters, các nhà kinh tế dự đoán kinh tế Mỹ sẽ có thêm 165.000 việc làm mới. Hiện tại, các nhà giao dịch dự đoán có 31% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 17-18/9 tới và 69% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản.
Giá dầu giảm nhẹ
Trong phiên chiều 3/9, giá dầu tại thị trường châu Á biến động trái chiều khi thị trường đứng giữa lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, suy yếu và gián đoạn nguồn cung tại Trung Đông.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 17 xu (0,2%) xuống 77,35 USD/thùng; trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 50 xu (0,7%) lên 74,05 USD/thùng.
Chuyên gia Warren Patterson, của Công ty dịch vụ tài chính ING cho rằng giá dầu vẫn chịu sức ép do lo ngại nhu cầu tại Trung Quốc giảm. Trong tháng Tám vừa qua, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong tháng Bảy đã giảm lần đầu tiên trong 8 tháng.
Trong khi đó, tại Libya, hoạt động xuất khẩu dầu tại các cảng lớn đã ngưng trệ ngày 2/9. Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya (NOC) đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại mỏ dầu El Feel từ ngày 2/9.
Theo NOC, sản lượng dầu đã giảm từ gần 959.000 thùng/ngày vào ngày 26/8 vừa qua xuống khoảng 591.000 thùng/ngày vào ngày 28/8. Tuy nhiên, nguồn cung dự kiến sẽ tăng, khi tám thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 10 năm nay.
Theo nhà phân tích Helima Croft tại tổ chức tài chính RBC Capital, các nhà hoạch định chính sách của OPEC có thể quyết định rằng các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của Mỹ và sự gián đoạn nguồn cung từ Libya tạo ra không gian để bổ sung thêm vào nguồn cung dầu.
Bà Croft dự báo nếu tình trạng gián đoạn nguồn cung tại Libya kéo dài, giá dầu Brent có thể tăng lên 85 USD/thùng, ngay cả khi nguồn cung gia tăng trong quý 4 tới.
Chứng khoán châu Á đỏ sàn
Chiều 3/9, chứng khoán châu Á đi xuống khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo về thị trường việc làm Mỹ cũng như tình hình kinh tế của Trung Quốc.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo giảm 14,56 điểm (0,04%) xuống 38.686,31 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,3% xuống 2.802,98 điểm; chỉ số Hang Seng giảm 0,2% xuống 17.651,49 điểm.
Thị trường dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp trong tháng này và sự chú ý đang đổ dồn vào số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, vốn được coi là yếu tố chính quyết định quy mô cắt giảm của ngân hàng trung ương Mỹ.
Một báo cáo việc làm khả quan hơn có thể làm giảm kỳ vọng về một loạt các đợt giảm lãi suất, nhưng một báo cáo yếu hơn nhiều so với dự kiến có thể làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái có thể xảy ra./.