Công ty Google ngày 18/12 đã công bố một sáng kiến tài trợ mới trị giá lên tới 20 triệu USD tiền mặt và 2 triệu USD tín chỉ điện toán đám mây (tiền điện tử dùng cho dịch vụ điện toán đám mây), nhằm hỗ trợ giới khoa học trong công tác khám phá các đột phá khoa học lớn tiếp theo thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo thông báo của ông Demis Hassabis - người sáng lập, đồng thời là Giám đốc điều hành công ty Google DeepMind, sáng kiến tài trợ này được thực hiện thông qua phòng Google.org, nhắm giúp Google kết nối những bộ óc khoa học hàng đầu, thông qua việc cấp tiền trực tiếp và cung cấp cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các dự án nghiên cứu.
Bà Maggie Johnson - Phó Chủ tịch Google, đồng thời là trưởng phòng Google.org toàn cầu - cho biết những ứng cử viên chiến thắng trong chương trình tài trợ này “sẽ sử dụng AI để giải quyết những vấn đề ngày càng phức tạp có sự kết hợp của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau”.
Google đặc biệt chú trọng đến các lĩnh vực như nghiên cứu các căn bệnh hiếm gặp và ít được chú ý, sinh học thực nghiệm, khoa học vật liệu và tính bền vững - những lĩnh vực này đang có nhiều hứa hẹn trong việc áp dụng AI để tạo ra những bước đột phá khoa học. Theo bà Johnson, AI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề khoa học nan giải và thúc đẩy sự tiến bộ trong các ngành khoa học đa dạng.
Sáng kiến của Google diễn ra trong bối cảnh Amazon cũng đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu AI. Vào tuần trước, Amazon Web Services (AWS) đã công bố khoản tài trợ và tín dụng lên tới 110 triệu USD nhằm thu hút các nhà nghiên cứu AI vào hệ sinh thái của mình. Điều này cho thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các công ty công nghệ lớn trong việc lôi kéo các nhà nghiên cứu AI và tài trợ cho các dự án khoa học tiên tiến.
Ông Demis Hassabis nêu rõ: "Tôi tin rằng AI sẽ giúp các nhà khoa học và nhà nghiên cứu đạt được những đột phá vĩ đại nhất của thời đại chúng ta". Ông hy vọng rằng khoản tài trợ trị giá 20 triệu USD sẽ khuyến khích sự hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các khu vực công và tư, tạo ra sự hứng khởi mới về sức mạnh của AI trong khoa học, đồng thời truyền cảm hứng cho các tổ chức khác tham gia tài trợ cho công việc quan trọng này./.
Theo Giáo sư Sebastian Seung thuộc Đại học Princeton (Mỹ), nếu không có trí tuệ nhân tạo (AI), thế giới sẽ phải mất 50.000 năm để giải mã bộ não người.