VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 07/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpHàng giả tràn lan: Doanh nghiệp mất tiền, quốc gia mất uy tín

Hàng giả tràn lan: Doanh nghiệp mất tiền, quốc gia mất uy tín

08:57:00 AM GMT+7Thứ 2, 07/07/2025

Hàng giả len lỏi từ xa xỉ phẩm đến hàng thiết yếu, âm thầm gặm mòn doanh thu, bào mòn động lực đầu tư, làm mất hình ảnh và xói mòn niềm tin quốc tế đối với nền kinh tế quốc gia. Cuộc chiến chống hàng giả chưa có hồi kết, nhưng lại là điều kiện sống còn để giữ sức khỏe của nền kinh tế.

Hàng giả len lỏi từ xa xỉ phẩm đến hàng thiết yếu

Nhiều thương hiệu nội địa và quốc tế đã mất nhiều năm xây dựng, giờ lại đối mặt làn sóng hàng giả tràn lan, từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo, giày dép đến linh kiện điện tử. Sản phẩm giả ngày càng tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường.

Đáng lo ngại, không chỉ mặt hàng xa xỉ mà cả hàng thiết yếu như nước mắm, cà phê, thuốc chữa bệnh, phân bón cũng bị làm giả. Niềm tin người tiêu dùng suy giảm, doanh nghiệp mất dần thị phần ngay trên chính “sân nhà”.

Một ví dụ điển hình là ngành hàng xa xỉ nơi nhiều thương hiệu toàn cầu vẫn bị làm giả nghiêm trọng tại Việt Nam. Ông Nguyễn Thuận Đạt - Giám đốc điều hành Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (thuộc Tập đoàn IPPG), chia sẻ, hàng giả không chỉ tràn lan mà còn bày bán công khai, nhất là trên thương mại điện tử và mạng xã hội. IPPG hiện phân phối hơn 130 thương hiệu quốc tế như Rolex, Cartier, Franck Muller, Burberry, Versace, D&G, Nike... Thế nhưng người tiêu dùng vẫn dễ dàng mua hàng nhái với giá chỉ bằng 10–30% hàng thật.

Ông Đạt cho biết, doanh nghiệp chính hãng thiệt hại ít nhất 15 -20% doanh thu, chưa kể chi phí lớn để thuê luật sư, truyền thông, kiểm tra thị trường. Tình trạng này làm suy giảm niềm tin quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư dài hạn của nhiều thương hiệu lớn.

Không riêng gì hàng xa xỉ, nhiều sản phẩm cao cấp mang bản sắc Việt cũng thành “mồi” cho hàng giả. Như yến sào Khánh Hòa một thương hiệu lâu năm cũng bị làm nhái tràn lan. Theo ông Huỳnh Đức Trọng, Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, thị trường hiện có hơn 100 nhãn yến sào tự xưng “Khánh Hòa”. Khi kiểm tra, hàng giả chỉ cần tạm rút khỏi quầy, hôm sau lại bán tiếp.

Nguy hiểm hơn, sản phẩm giả còn len lỏi tới cả bệnh viện. Có bệnh nhân đang điều trị vẫn mua phải yến giả, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe.

Ngành sữa cũng không ngoại lệ. Đại diện Thế giới Sữa cho biết sữa là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe trẻ em, nhưng hàng giả vẫn tồn tại vì đánh vào tâm lý thích quà tặng, ham giá rẻ. Có những sản phẩm bán kèm quà tặng giá trị, khiến nhiều phụ huynh mờ mắt mà quên kiểm tra nguồn gốc.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải tự tìm cách bảo vệ khách hàng, hướng tới mục tiêu giúp người tiêu dùng trở thành “người tiêu dùng thông thái”, biết phát hiện, tố giác hàng giả.

Cuộc tháo chạy của hàng giả

Thời gian gần đây, một số đường dây sản xuất, gia công hàng giả khi bị triệt phá lại nhanh chóng “hồi sinh” dưới tên thương hiệu khác, hoặc tẩu tán hàng tồn bằng cách đổ bỏ lén lút.

Tại TP.HCM, nhiều lô thực phẩm chức năng bị vứt bỏ thành đống trên bãi đất trống ven đường Nguyễn Văn Linh. Nhiều sản phẩm như cao nhân sâm Homramin Ginseng (sản xuất 15/1/2025, hạn dùng 15/1/2028), Vitamin Pharvita Plus (sản xuất 10/6/2024, hạn dùng 10/6/2027), Ginlobin Citicolin Omega 3 (sản xuất 10/6/2024, hạn dùng 10/6/2027) nằm la liệt, cùng nhiều thực phẩm chức năng dành cho trẻ em cũng bị bỏ đi.

Thực phẩm chức năng được đổ đống tại bãi đất trống trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh - Ảnh: NGỌC KHẢI

Ngày 10/6, người dân phát hiện đống rác đổ trộm tại lô đất trống trên đường Xuân Thiều 21 (Đà Nẵng) chứa nhiều vỉ thuốc nên báo cơ quan chức năng kiểm tra. Khi lực lượng quy tắc đô thị đến, ngoài thuốc còn có hàng trăm vỏ chai màu nâu sẫm, móp méo, không nhãn mác, buộc trong bao nilon, nằm lẫn với xà bần và rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, nhiều bao nilon chứa vỉ thuốc còn nguyên, trên vỉ in tên "Cetecocenzitax 25mg", hạn dùng đến tháng 8/2026.

Theo UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), bước đầu xác minh số thuốc bị đổ trộm thuộc diện tiêu hủy của Công ty cổ phần Dược trung ương 3 (trụ sở tại quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Hàng nghìn thỏi son bị vứt la liệt ven đường Cienco 5 sáng 21-6 - Ảnh: Người dân chụp lại

Ngày 21/6, tại tuyến đường Cienco 5, xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội), người dân tiếp tục phát hiện hàng nghìn thỏi son chất đống ven đường. Các thỏi son vẫn còn nguyên tem, hộp giấy, chưa qua sử dụng, nằm rải rác trên bãi rác. Nhiều người dừng xe chụp ảnh, chia sẻ lên mạng xã hội, thậm chí thu gom mang về. Theo ghi nhận, số son này thuộc nhiều thương hiệu, trong đó nổi bật là Black Rouge, một hãng mỹ phẩm Hàn Quốc được giới trẻ Việt ưa chuộng. Việc những thỏi son còn nguyên, chưa bóc tem bị bỏ ven đường khiến dư luận hoài nghi về nguồn gốc và mục đích thực sự.

Năm 2024, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 47.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chỉ 4 tháng đầu 2025 đã phát hiện hơn 30.000 vụ, trong đó hơn 1.400 vụ bị khởi tố hình sự.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cảnh báo: Hàng giả, hàng nhái không chỉ đe dọa tính mạng người dân mà còn gây thất thu ngân sách, làm xói mòn niềm tin vào hàng hóa Việt. Hàng trăm nghìn sản phẩm giả – nhất là thực phẩm, thuốc chữa bệnh – vẫn được bày bán công khai nhiều năm nay.

Gần đây, Bộ Công an cũng triệt phá nhiều đường dây làm giả thực phẩm chức năng, có vụ còn liên quan cán bộ cấp bộ. Đáng lo hơn, mạng xã hội ngày càng tiếp tay cho hàng giả qua livestream, quảng cáo trá hình, có cả người nổi tiếng tham gia, khiến việc phân biệt thật giả với người tiêu dùng ngày càng khó.

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo, những cái gì là thực phẩm, những cái gì là thuốc chữa bệnh tuyệt đối không được để giả. Bởi vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.

Giải pháp không chỉ nằm ở luật

Cuộc chiến chống hàng giả cần sự vào cuộc đồng bộ. Luật cần mạnh tay hơn, mức phạt nặng, có thể tịch thu, đóng cửa vĩnh viễn với cơ sở vi phạm, mở rộng khởi tố hình sự với hành vi làm giả thực phẩm, dược phẩm.

Với sự bùng nổ thương mại điện tử, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Luật Thương mại điện tử mới, siết chặt quản lý người bán livestream, sàn thương mại điện tử và các hành vi gian lận trực tuyến. Dự thảo sẽ sớm trình Quốc hội.

Ngoài ra, cần tăng quyền kiểm tra, giám sát cho địa phương, tăng cường thanh tra liên ngành, rà soát hành vi kinh doanh hàng giả qua không gian mạng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ truy xuất, tem chống giả, mã hóa sản phẩm, kiểm soát chuỗi phân phối chặt chẽ, liên kết cùng nhau để lập mặt trận chung chống hàng giả thay vì tự bảo vệ đơn lẻ.

Người tiêu dùng cũng là mắt xích quan trọng. Tẩy chay hàng giả, cảnh giác, báo cáo vi phạm là tuyến phòng thủ đầu tiên. Một cộng đồng người tiêu dùng thông minh chính là “tường rào” chặn hàng giả ngay từ gốc.

Lòng tin không thể ban hành bằng luật, cũng không dựng được bằng truyền thông ngắn hạn. Chống hàng giả, về bản chất, là cuộc chiến lâu dài để giành lại niềm tin – với thị trường, nhà đầu tư và chính người dân.

TheoTiểu Vy (Vietnam+)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global