VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 12/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpHiểu đúng về tài chính công để thông tin hiệu quả, chính xác

Hiểu đúng về tài chính công để thông tin hiệu quả, chính xác

02:15:00 PM GMT+7Thứ 7, 23/11/2024

Thông qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

"Khi đưa tin về hoạt động kiểm toán, phóng viên, biên tập viên cần nắm vững để chủ động tiếp cận thông tin và có cách thức khai thác phù hợp, hiệu quả," tiến sỹ Lê Đình Thăng trao đổi. (Ảnh: Vietnam+)
"Khi đưa tin về hoạt động kiểm toán, phóng viên, biên tập viên cần nắm vững để chủ động tiếp cận thông tin và có cách thức khai thác phù hợp, hiệu quả," tiến sỹ Lê Đình Thăng trao đổi. (Ảnh: Vietnam+)

Bảo vệ tài sản công là nhiệm vụ trọng yếu, liên quan trực tiếp đến sự phát triển bền vững của quốc gia. Việc quản lý, sử dụng tài sản công một cách hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ và độc lập.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tập huấn thông tin về tài chính công, kiểm toán tài chính công cho phóng viên chuyên trách đưa tin hoạt động của Kiểm toán Nhà nước diễn ra ngày 21/11.

Nhiều đơn vị chưa hiểu rõ về tài chính công

Với vai trò diễn giả tập huấn chương trình-Tiến sỹ Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành II, đã chỉ ra vai trò then chốt của Kiểm toán Nhà nước trong việc bảo vệ tài sản công đồng thời làm rõ nhiều vấn đề còn nhầm lẫn về hoạt động kiểm toán tài chính công, đặc biệt liên quan đến việc giám sát tài sản công.

Quan tâm đến việc chống lãng phí trong bộ máy công quyền, đại biểu nhấn mạnh, bài viết của Tổng Bí thư về chống lãng phí đã đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra nhiều giải pháp.

“Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Với chức năng được luật định, Kiểm toán Nhà nước luôn nỗ lực khẳng định tính độc lập, liêm chính trong hoạt động kiểm toán, chỉ tuân theo pháp luật để đưa ra các ý kiến đánh giá khách quan, dựa trên bằng chứng thu thập được,” ông Lê Đình Thăng trao đổi.

Theo ông Thăng, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước thực hiện đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của đơn vị được kiểm toán.

 

Tuy nhiên, ông Thăng chỉ ra trên thực tế, nhiều chủ thể, trong đó có cả cơ quan quản lý Nhà nước, vẫn chưa hiểu rõ nội dung này.

Vì vậy, Tiến sỹ Lê Đình Thăng giải thích rõ hơn về khái niệm tài chính công trong hoạt động kiểm toán. Cụ thể, khái niệm này được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và tương đối thống nhất về cách hiểu.

Trong đó, tại khoản 10 Điều 3, Luật Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: “Tài chính công bao gồm: Ngân sách Nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ Nhà nước; phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.”

Như vậy, tài chính công là một thuật ngữ để chỉ khoản tài chính thuộc sự quản lý của Nhà nước.

Ông Thăng nhấn mạnh: “Theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước, đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán đối với các chủ thể được giao quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan, như: sử dụng ngân sách, sử dụng đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp Nhà nước…”

vnp_kt4.jpg
Thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán đối với các chủ thể được giao quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, ông Lê Đình Thăng cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc nắm vững các khái niệm này đối với phóng viên: “Khi đưa tin về hoạt động kiểm toán, phóng viên, biên tập viên cần nắm vững để chủ động tiếp cận thông tin và có cách thức khai thác phù hợp, hiệu quả, cũng như qua đó có thể phát hiện thêm nhiều đề tài hấp dẫn, được dư luận, bạn đọc quan tâm.”

Kịp thời ngăn chặn hành vi tiêu cực

Để nâng cao khả năng phát hiện, cũng như đảm bảo hiệu quả kiểm toán, ông Thăng cho biết thêm Kiểm toán Nhà nước ngày càng chú trọng đến việc thực hiện kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu. Đây cũng là xu thế tất yếu của các cơ quan kiểm toán quốc tế. Theo ông, việc làm này giúp tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực có rủi ro cao, từ đó nâng cao hiệu quả kiểm toán và tiết kiệm thời gian, chi phí. Ngoài ra, ông có lưu ý rằng dù quy định về hoạt động Kiểm toán Nhà nước tại mỗi quốc gia có sự khác biệt, nhưng các cơ quan kiểm toán đều hướng đến mục tiêu chung là đảm bảo lành mạnh nền tài chính công, và đều khẳng định tính độc lập, liêm chính trong hoạt động kiểm toán.

Tại đây, ông Thăng cũng chia sẻ về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong phát triển kinh tế. Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo và thông tin tài chính, đưa ra các kết luận và đánh giá về hoạt động của đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán cũng đánh giá tính tuân thủ trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các khía cạnh về tính hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả trong các khoản chi...

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản... và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Cơ quan Kiểm toán sẽ công khai kết quả kiểm toán báo cáo tài chính và việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các tổ chức, các cấp ngân sách. Đây là căn cứ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Kiểm toán cũng góp phần phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, từ đó kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ văn bản và các giải pháp nhằm hoàn thiện, “bịt lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, pháp luật. Điều đó góp phần ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền lực, lách luật, dẫn đến tham nhũng, lãng phí./.

Hội nghị tập huấn của Báo Kiểm toán đã cung cấp cho các phóng viên những kiến thức cần thiết để hiểu rõ hơn về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Việc nắm vững chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước, cũng như khái niệm tài chính công là cơ sở quan trọng để các nhà báo đưa tin chính xác, khách quan và hiệu quả về hoạt động kiểm toán. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước trong việc bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công của đất nước.

TheoHạnh Nguyễn (Vietnam+)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global