VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Chủ nhật, 22/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpHSBC chỉ ra những rủi ro chờ đợi kinh tế Việt Nam năm 2025

HSBC chỉ ra những rủi ro chờ đợi kinh tế Việt Nam năm 2025

03:07:00 PM GMT+7Thứ 7, 21/12/2024

Giá cả hàng hóa toàn cầu, nhu cầu đối với sản phẩm của Việt Nam và chính sách của chính quyền Donald Trump là những ẩn số đối với Việt Nam.

Nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam vừa điểm lại những diễn biến chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và đưa ra dự báo cho năm tới, trong đó nhắc đến những rủi ro.

Những nốt thăng trầm trong năm 2024

Theo các chuyên gia HSBC, với nền kinh tế mở và hội nhập đa phương diện, không khó để hình dung Việt Nam cũng trải qua một năm kinh tế với nhiều nốt thăng trầm. Sau khởi đầu khó khăn trong quý I, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.

Cụ thể, tăng trưởng được cải thiện và bất ngờ tăng lên lần lượt 6,9% trong quý 2 và 7,4% trong quý 3 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến những cải thiện gia tăng.

Đã có những lo ngại rằng tác động của bão Yagi, cơn bão mạnh nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong 70 năm qua, sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tuy nhiên, tác động chủ yếu tập trung vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi, thể hiện ở chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá tăng 15,4% trong 11 tháng năm 2024.

Về lĩnh vực vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý III, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.

Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu tiếp tục đưa ra các cam kết về đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam.

Nhìn về phía trước, dòng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất cũng có khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng, với chuyến thăm gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Mỹ đã mở ra ý định đầu tư từ nhiều công ty, điển hình như Meta. Shunsin, một công ty con của Foxconn, được cho là đã xin giấy phép đầu tư 80 triệu USD để sản xuất mạch tích hợp tại tỉnh Bắc Giang, cho thấy năng lực sản xuất tại Việt Nam đang được cải thiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA Jay Puri ký và trao biên bản thỏa thuận hợp tác, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Nvidia Jensen Huang. Ảnh: Đức Trung

Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025 và Nvidia mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam.

“Những nỗ lực liên tục nhằm tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao về cả chiều rộng và chiều sâu với các đối tác quốc tế cũng sẽ đóng vai trò là động lực thúc đẩy dòng vốn đầu tư tiếp theo, với việc Việt Nam gần đây đã nâng cấp quan hệ với Pháp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và đồng thời thỏa thuận đối tác kinh tế toàn diện với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE),” các chuyên gia nhận định.

Ở phía ngược lại, kinh tế Việt Nam vẫn còn những nốt trầm đáng chú ý. Theo thống kê, Việt Nam là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các nước ASEAN từ nhu cầu tiêu dùng của Mỹ. Với việc các chỉ số liên quan tiêu dùng của Mỹ cao hơn các dự báo phần nào giải thích nguyên nhân xuất khẩu sản xuất của Việt Nam vẫn là ngành có khả năng phục hồi tích cực nhất trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, mặt trái của điều này là Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương nhất trước sự chậm lại trong chi tiêu của hộ gia đình Mỹ, cũng như sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển đến Mỹ từ các "nền kinh tế trung gian". Việt Nam có mức độ xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ, dẫn đầu là hàng dệt may, giày dép, đồ nội thất bằng gỗ và máy móc. Với việc Tổng thống mới đắc cử Donald Trump lên nắm quyền, các chính sách liên quan đến thương mại và hàng rào thuế quan có thể là những thách thức cho những dự báo về tăng trưởng thương mại trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, một trong những trụ cột còn lại là tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.

Điểm đáng khích lệ là Chính phủ đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhiều lĩnh vực trong nước. Việc cắt giảm thuế môi trường đối với nhiên liệu và cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ sẽ kéo dài đến cuối năm 2024, trong khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ tháng 8 được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố triển vọng cho thị trường bất động sản.

Chính sách tài khóa và tiền tệ có khả năng sẽ vẫn mang tính thích ứng để giúp tăng tốc quá trình phục hồi kinh tế, nhằm đưa Việt Nam đạt được những mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đề ra cho năm nay, tạo tiền đề vững chắc cho năm sắp tới.

Vẫn còn những rủi ro khó lường

Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý III, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7,0% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%. Đây cũng là mức cao nhất trong nhóm ASEAN-6 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Việt Nam).

Về lạm phát, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm nay. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Niño sang La Niña mang lại điều kiện thu hoạch thuận lợi hơn. Cân nhắc tất cả những điều này, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của Chính phủ. Đối với năm 2025, nhóm nghiên cứu duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,0%.

Tuy nhiên, không thể không nhắc tới những rủi ro được dự báo cho năm sau. Ngoài giá năng lượng toàn cầu, Việt Nam cũng dễ bị tổn thương trước các cú sốc lương thực. Ví dụ, giá thịt lợn đã tăng cao do nguồn cung thịt lợn bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.

Cảng Tân Cảng - Cát Lái. Ảnh: Tổng Công ty Cảng Sài Gòn

Bên cạnh đó, liệu nhu cầu đối với hàng hóa có cải thiện hơn nữa hay không sẽ là chìa khóa để xác định sức mạnh phục hồi của Việt Nam, vì các thị trường phương Tây chiếm gần một nửa lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, cần phải theo dõi chặt chẽ quỹ đạo và tốc độ chi tiêu của người tiêu dùng ở phương Tây.

Việc Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền cùng việc Đảng Cộng hoà chiếm đa số ở lưỡng viện sẽ là những nhân tố ảnh hưởng tới bức tranh thương mại và kinh tế toàn cầu trong thời gian sắp tới.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá cụ thể những chính sách của chính quyền Trump, tuy nhiên bất kể chính sách nào cũng sẽ có ảnh hưởng tới ASEAN, bao gồm Việt Nam, qua các hình thức khác nhau. Cụ thể là các đề xuất của Đảng Cộng hòa trong quá trình tranh cử bao gồm áp dụng mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 10-20% đối với các nền kinh tế khác.

Nhìn lại dữ liệu quá khứ, kể từ 2018 khi Mỹ bắt đầu áp đặt hàng rào thuế quan lên Trung Quốc, Việt Nam đã giành được thị phần đáng kể trên thị trường Mỹ. Xuất khẩu giày dép đã tăng từ 20% lên hơn 30% nhu cầu nhập khẩu của Mỹ. Quan trọng hơn, thị trường Mỹ chiếm tỷ lần lượt hơn 40% và 33% trong cơ cấu xuất khẩu hàng may mặc và da giày của Việt Nam.

Mặc dù châu Âu là khu vực nhập khẩu lớn thứ hai các sản phẩm này, nhưng thị trường của họ sẽ không thể hấp thụ hoàn toàn thị phần của Mỹ trong ngắn hạn. Do đó, các nhà xuất khẩu trong nước có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường thay thế nếu thuế quan trở thành vấn đề.

Dù khó chuyển sang các thị trường thay thế trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam có thể phòng ngừa rủi ro thuế quan tiềm ẩn từ Mỹ trong trung hạn đến dài hạn thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện tại, Việt Nam đã ký FTA với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.

Ngoài thuế quan, mối quan ngại về tỷ giá có thể tái diễn như một vấn đề đối với cơ quan điều hành. Việt Nam đã từng bị Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn là "quốc gia thao túng tiền tệ" tháng 12/2020, trước khi bị xóa khỏi danh sách vào tháng 4/2021. Mặc dù không còn nằm trong danh sách này, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ.

Các chuyên gia HSBC nhận định, dù việc có tên trong danh sách có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn, nhưng có khả năng là các nhà chức trách Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại của Việt Nam. Bên cạnh các tác động từ chính sách điều hành của Fed, diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, đây cũng là một những yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới.

TheoTuấn Minh (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global