Chương trình Digital Wallonia 4 Circular, được Cơ quan Số hóa vùng Wallonia (AdN) của Bỉ khởi xướng, đang mở ra hướng đi mới nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua công nghệ số.
Chính thức khởi động từ năm 2022, chương trình này nằm trong chiến lược tổng thể của "Digital Wallonia" và "Circular Wallonia," với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn nhờ ứng dụng công nghệ số.
Chương trình hướng tới việc giúp các doanh nghiệp tiếp cận và tích hợp công nghệ nhằm tối ưu hóa các sáng kiến tuần hoàn, nâng cao nhận thức trong hệ sinh thái Wallonia, đồng thời quảng bá các sáng kiến này ra quốc tế.
Thách thức và tiềm năng
Việc ứng dụng số hóa trong kinh tế tuần hoàn hiện vẫn ở giai đoạn sơ khởi tại Wallonia. Louise Marée, chuyên gia về số hóa và kinh tế tuần hoàn thuộc Cơ quan Số hóa, nhận định:" hiện tại, đây vẫn là lĩnh vực mới nổi, song đã có những dự án đáng chú ý và nhu cầu hỗ trợ từ doanh nghiệp là rất cần thiết.”
Bà cho biết thêm có hai hệ sinh thái tồn tại song song là số hóa và kinh tế tuần hoàn, nhưng chúng vẫn chưa thực sự kết nối với nhau và vẫn phát triển theo các hướng đi riêng biệt.
Để tìm hiểu sâu hơn, Cơ quan Số hóa đã tiến hành một nghiên cứu và công bố Sách trắng về mối liên hệ giữa các thực hành tuần hoàn và công nghệ số. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, dù số lượng doanh nghiệp áp dụng đồng thời cả công nghệ số và các phương pháp tuần hoàn đang tăng lên, tỷ lệ này vẫn còn khá khiêm tốn; không có hoạt động nào trong số đó vượt quá 23% số người tham gia khảo sát.
Vùng Wallonia đã xác định một số lĩnh vực ưu tiên bao gồm xây dựng, nước, năng lượng, thực phẩm, dệt may, công nghệ sinh học và luyện kim, với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực này hiện đã có các chương trình kêu gọi dự án, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong lĩnh vực tuần hoàn có thể hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ số.
Mặc dù nghiên cứu về tiềm năng ứng dụng công nghệ số cho nền kinh tế tuần hoàn còn mới, một số doanh nghiệp tại Wallonia đã tận dụng công nghệ để đẩy mạnh hoạt động tái sử dụng và tiết kiệm tài nguyên. Nhiều công ty sử dụng công nghệ số chủ yếu để tối ưu hóa việc tiêu thụ tài nguyên, giảm chi phí và gia tăng khả năng tái sử dụng.
Các nền tảng hợp tác trực tuyến, phổ biến trong các ngành tái chế và nâng cấp sản phẩm, sử dụng các công nghệ hiện đại như robot, IoT, AI và Blockchain nhằm thúc đẩy việc chia sẻ, sửa chữa, tái chế và trao đổi tài nguyên trong cộng đồng doanh nghiệp.
Thị trường trực tuyến cho vật liệu xây dựng tái sử dụng
Trong các dự án cải tạo hoặc sửa chữa công trình, việc tận dụng lại vật liệu xây dựng thường không được ưu tiên, khiến nhiều tài nguyên bị bỏ phí. Nhằm giải quyết vấn đề này, công ty Société Internationale d'Architecture (SIA) và Eunoia Studio đã khởi xướng dự án Implement IT 4 Circularity trong khuôn khổ chương trình "Circular Wallonia."
Dự án nhằm tạo ra một nền tảng số giúp các doanh nghiệp xây dựng dễ dàng tìm kiếm và chia sẻ vật liệu có thể tái sử dụng.
Eunoia Studio, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Liège và Louvain, chuyên phát triển phần mềm vì lợi ích xã hội. Theo Giám đốc điều hành (CEO) của công ty, Cyril Lorquet, nhiệm vụ của doanh nghiệp là xây dựng một ứng dụng di động giúp doanh nghiệp liệt kê và tìm kiếm vật liệu tái sử dụng trong các dự án cải tạo. Hiện nay, trong nhiều trường hợp, tài nguyên bị lãng phí do thiếu kiểm kê và định giá để tái sử dụng.
Ứng dụng này sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng dễ dàng tìm kiếm hoặc cung cấp các vật liệu còn giá trị như nội thất, gạch lát hay vật liệu cách nhiệt, đồng thời giúp sắp xếp logistics phù hợp. Eunoia Studio hy vọng nền tảng sẽ ra mắt trong năm tới hoặc năm sau với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy công nghệ thông tin vì một xã hội bền vững hơn.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng hướng tới bền vững, Wallonia đã xác định và đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến tuần hoàn và kết nối với hệ sinh thái công nghệ.
Với những bước đi chiến lược và sự cam kết từ các doanh nghiệp, Wallonia có thể trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế tuần hoàn dựa trên công nghệ số, đóng góp tích cực vào xu hướng bền vững của khu vực và quốc tế./.
Tổng thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn đánh giá cao sự ủng hộ của Ủy ban Điều phối ASEAN về Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (ACCMSME) đối với dự án “Đổi mới nền Kinh tế Xanh ASEAN.”