Dây chuyền chế biến dứa xuất khẩu tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: KT |
Quy mô top đầu cả nước
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, đến thời điểm hiện tại địa phương này hiện có hơn 2.000 cơ sở, doanh nghiệp tham gia vào khâu sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản đạt trên 74%, trong đó chế biến sâu đạt khoảng 23,5%.
Ngành chế biến rau, củ, quả, một trong những thế mạnh chủ lực của địa phương. Hiện có 153 doanh nghiệp với công suất chế biến khoảng 62.845 tấn thành phẩm/năm.
Riêng ngành chế biến cà phê nhân có 30 doanh nghiệp và trên 280 cơ sở sơ chế nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể, với tổng công suất chế biến khoảng 300.000 - 320.000 tấn cà phê nhân/năm; chế biến cà phê rang xay, cà phê bột có 181 doanh nghiệp, cơ sở chế biến, với sản lượng khoảng 10.398 tấn/năm.
Các loại trái cây có 102 cơ sở chế biến trái cây các loại với sản lượng trên 34.909 tấn thành phẩm/năm; cây mắc ca có 27 đơn vị chế biến với công suất đạt 3.732 tấn/năm. Tỷ lệ rau, quả qua sơ chế, chế biến đã đạt mức đáng kể, góp phần giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch.
Các ngành hàng chủ lực của Lâm Đồng như: cà phê, chè, trái cây, rau, hoa... đều có sự phát triển vượt bậc. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực chế biến, tạo ra các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Với cách làm và bước đi hiện nay, Lâm Đồng đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những địa phương có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ. |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như: cạnh tranh gay gắt từ các địa phương khác, biến đổi khí hậu, dịch bệnh…
Để khắc phục những khó khăn này, tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào các giải pháp như: hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn...
Bảo trợ tiêu thụ nông sản
Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây rất chú trọng đến việc xây dựng và phát triển các kênh phân phối, trong đó có thương mại điện tử. Việc kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn như Amazon, Alibaba đã giúp nông sản của tỉnh tiếp cận được với hàng triệu khách hàng trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với các đối tác trong và ngoài nước. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản của tỉnh liên tục tăng trưởng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Chuẩn bị nguyên liệu thô cho chế biến, xuất khẩu ở Lâm Đồng. Ảnh: Sơn Dũng |
Theo thông tin từ Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đến nay cơ quan này đã hỗ trợ 11 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh làm việc, kết nối với sàn thương mại điện tử Amazon và 1 doanh nghiệp làm việc, kết nối với sàn thương mại điện tử Alibaba; cập nhập doanh nghiệp trên trang thông tin, thương mại điện tử nongsandalatlamdong.vn thêm 64 doanh nghiệp với 443 sản phẩm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, có 564 doanh nghiệp với 1.673 sản phẩm. Trong đó, 100% đơn vị OCOP (chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm), sản phẩm OCOP được cập nhật kịp thời lên trang thông tin thương mại điện tử của tỉnh.
Thông tin từ Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, đang thực hiện dự án xây dựng kênh tiêu thụ nông sản với chủ thể chính trong kênh là các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, dự trữ đối với sản phẩm cà phê, chè, mắc ca, lúa gạo, trái cây.
Theo đó, Sở Công thương sẽ xây dựng 1 mô hình kênh tiêu thụ nông sản. Thông qua kênh tiêu thụ này, nông sản sẽ được sản xuất ở mức ổn định, theo kế hoạch; sản phẩm nông sản được bảo quản bảo đảm số lượng và chất lượng nguyên liệu, phục vụ chế biến với công suất giải quyết đầu ra cho vùng sản xuất, cung ứng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sẽ hỗ trợ kênh tiêu thụ nông sản các chi phí bao bì quảng bá, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, tem; hỗ trợ hình thành cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm; hỗ trợ công tác tuyên truyền và hội nghị công bố điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; hỗ trợ công tác marketing, xúc tiến với thương nhân nước ngoài. Tổng kinh phí hỗ trợ là 834 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương và có đối ứng của các đơn vị tham gia. |