![]() |
Nguồn: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đồ họa: Phương Anh |
PV: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, sẽ đặt ra những thách thức gì cho kinh tế Việt Nam trong năm 2025, thưa ông?
![]() |
TS. Nguyễn Văn Hiến: Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt trên 7%, đây được xem là thành công rất lớn mà nước ta đã đạt được, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhiều khó khăn thách thức chưa kể những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%. Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2025 bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất định và diễn biến phức tạp khó lường, đặt ra rất nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam.
Trong đó, những khó khăn thách thức là sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền điều hành nước Mỹ, cuộc chiến Nga - Ukraine và xung đột Hamas - Israel dường như đã có hướng giải quyết, tuy nhiên với chiêu bài “nước Mỹ trên hết”, chính quyền của Tổng thống Donal Trump đang theo đuổi chính sách bảo hộ kinh tế Mỹ, dẫn đến những phản ứng dây truyền trả đũa thương mại diễn ra trên phạm vi toàn cầu, điều này đến lượt nó sẽ gây ra các đòn đáp trả lẫn nhau về thuế quan trên toàn cầu, dễ dẫn đến sự trì trệ, thậm chí, hỗn loạn trong giao thương quốc tế.
Đồng thời, kinh tế Trung Quốc, một trong những đầu tàu của nền kinh tế Thế giới vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2025 khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế cao với nhiều nhóm hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, điều đó chắc chắn sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho nền kinh tế Trung Quốc.
Khu vực kinh tế Liên minh châu Âu (EU) dự báo sẽ tiếp tục trì trệ do những biến động về địa chính trị và giá nhiên liệu tăng cao cộng với những biện pháp áp thuế cao của Mỹ đối với hàng hóa từ châu Âu sẽ làm cho khu vực này khó khăn lại càng khó khăn hơn. Những bất ổn chính trị ở Pháp và Đức là hai nền kinh tế hàng đầu EU, cũng có thể gây bất ổn cho nền kinh tế khu vực này và kinh tế toàn cầu. Việc các nền kinh tế lớn gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
PV: Quốc hội và Chính phủ tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2025 và 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu trong năm 2025. Ông đánh giá thế nào về những chính sách này trong hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế những tháng đầu năm?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Đứng trước những khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt và dự kiến còn nhiều khó khăn trong năm 2025, Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2025 và 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Theo tôi đây là chủ trương rất kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế ngân sách và những khó khăn của doanh nghiệp. Mặc dù theo số liệu tính toán của ngành Tài chính, việc tiếp tục áp dụng thực hiện chính sách nói trên sẽ tác động làm giảm thu NSNN khoảng 44.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với dư địa của chính sách tài khóa hiện nay, mức giảm thu ngân sách nói trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép đảm bảo cân đối ngân sách, nhưng có tác dụng rất lớn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn đảm bảo tăng trưởng như mục tiêu đề ra của nền kinh tế.
PV: Ông dự báo gì về triển vọng kinh tế Việt Nam năm nay?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ tối thiểu là 8%. Mục tiêu này là khá cao, tuy nhiên Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đã đạt trên 7%, nếu năm 2025 làm tốt hơn nữa, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa thì việc tăng trưởng thêm 1-2% so với năm 2024 là hoàn toàn khả thi.
Có thể nói, những triển vọng này đưa ra dựa trên một số cơ sở sau: Việt Nam đang có đà tăng trưởng khá của các năm 2023-2024 vừa qua, tạo tiền đề để đảm bảo tăng trưởng cao hơn trong năm 2025.
Đảng và Nhà nước đang rất quyết liệt thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy và khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù khó khăn, thách thức từ bên ngoài vẫn còn hiện hữu, nhưng Việt Nam đã quen ứng phó với những tác động xấu từ bên ngoài, đồng thời tận dụng những thuận lợi và cơ hội phát triển trong quan hệ đối ngoại nên có thể tự tin vào năng lực ứng phó với những rủi ro của nền kinh tế thế giới.
PV: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025, theo ông, cần chú trọng động lực tăng trưởng nào?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao như đã đề ra, năm 2025 và những năm tiếp theo, Việt Nam cần triệt để khai thác các động lực tăng trưởng mới.
Trong đó, một trong những động lực tăng trưởng mới nhưng vô cùng quan trọng đó là chủ trương sắp xếp tinh gọn bộ máy của Đảng và Nhà nước. Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ giúp ngân sách tiết kiệm đáng kể nguồn chi để tập trung cho đầu tư phát triển, đồng thời sẽ có một bộ phận không nhỏ những nhân sự không còn làm trong biên chế nhà nước, đây sẽ là nguồn nhân lực rất lớn bổ sung cho khu vực tư nhân phát triển.
Động lực tăng trưởng quan trọng kế tiếp là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ chính trị đã ban hành thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp cho nền kinh tế đi trước đón đầu, phát triển bứt phá, tăng năng suất, giảm chi phí để theo kịp và vượt các nước trong khu vực cũng như thế giới.
Bên cạnh đó, các động lực truyền thống vẫn còn phát huy tác dụng nhưng cần làm mới để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng như đầu tư công, các chương trình kích cầu tiêu dùng và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.
Tóm lại, năm 2025 nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, tạo ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Tuy nhiên, với đà tăng trưởng sẵn có của những năm vừa qua, cộng với việc phát huy những kinh nghiệm ứng phó với những tiêu cực bên ngoài, đồng thời biết khai thác triệt để các động lực tăng trưởng mới, rất kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ cán mốc mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 mà Quốc hội đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
Áp lực lạm phát năm 2025 trên thế giới vẫn còn rất lớnTheo TS. Nguyễn Văn Hiến, áp lực lạm phát năm 2025 trên thế giới vẫn còn rất lớn. Do các bất ổn địa chính trị chưa được giải quyết, việc cấm vận kinh tế vẫn chưa đến hồi kết gây ra các đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn giao thương dẫn đến làm gia tăng chi phí vận tải, tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược trên thế giới, gây ra các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực và từ đó tạo ra áp lực lạm phát toàn cầu. Những thách thức nói trên đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải nhận thức rõ và chủ động đề ra các kịch bản cũng như giải pháp ứng phó, hạn chế các tác động tiêu cực mới đảm bảo ổn định và tăng trưởng kinh tế trong nước. |