Thứ 3, 22/07/2025 | English | Vietnamese
11:38:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/07/2025
Tại Mỹ, nơi bằng cấp thường được coi là chìa khóa thành công, Matt Ebert đã chọn một lối đi khác. Bắt đầu từ việc tự tay sửa chiếc xe đầu tiên bị tai nạn khi mới 16 tuổi, ông từng bước xây dựng Crash Champions thành đế chế sửa chữa ô tô với doanh thu gần 3 tỷ USD. Hành trình của Ebert là minh chứng rõ nét cho việc khởi nghiệp thành công không nhất thiết phải bắt đầu từ tấm bằng đại học, mà từ kỹ năng thực tiễn, ý chí vững vàng và tư duy tài chính sắc sảo.
Giữa lúc nhiều doanh nghiệp lao đao vì hậu quả của đại dịch và áp lực lạm phát, Crash Champions, chuỗi xưởng sửa chữa ô tô tại Mỹ, lại trở thành điểm sáng với màn tăng tốc ấn tượng. Từ mức doanh thu 21 triệu USD năm 2019, công ty đã vươn lên đạt khoảng 2,75 tỷ USD vào năm 2024, tức tăng trưởng gấp 130 lần chỉ sau 5 năm, một kỳ tích hiếm thấy trong ngành dịch vụ hậu mãi ô tô.
Chưa dừng lại, Crash Champions dự kiến sẽ đạt doanh thu 3 tỷ USD trong năm 2025 và tiếp tục mở rộng quy mô ra toàn quốc. Với hơn 650 cơ sở và hơn 11.000 nhân viên, công ty hiện là chuỗi sửa xe lớn thứ 3 tại Mỹ, chỉ sau Caliber Collision và Gerber Collision & Glass.
Đứng sau sự bứt phá đó là Matt Ebert, người sáng lập kiêm CEO Crash Champions. Ông nổi tiếng là một người không có bằng đại học và bắt đầu sự nghiệp từ việc tự tay sửa chiếc xe bị tai nạn của mình năm 16 tuổi.
Sự thành công của Crash Champions được cho là đến từ chiến lược tài chính khôn ngoan: vay vốn từ Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ (SBA) trong giai đoạn đầu và sau đó chuyển hướng sang các quỹ đầu tư tư nhân để mở rộng quy mô. Bước ngoặt lớn nhất là thương vụ sáp nhập với Service King Collision vào năm 2022, giúp Crash Champions sở hữu thêm 330 cơ sở và đẩy doanh thu từ 327 triệu USD lên 2,1 tỷ USD chỉ trong một năm.
“Chúng tôi không muốn dừng lại cho đến khi trở thành số một. Hiện tại, chúng tôi đã đạt quy mô lớn, nhưng mục tiêu tiếp theo là phát triển sâu hơn, hiệu quả hơn, và bền vững hơn”, ông Ebert tuyên bố.
Một phần quan trọng trong mô hình phát triển của Crash Champions là chiến lược nhân sự không dựa trên bằng cấp. Theo CEO Ebert, 83% nhân viên tại đây không có bằng đại học, bao gồm cả bản thân ông.
Đáng chú ý, chính sách này không khiến công ty tụt hậu về mặt năng suất hay chất lượng. Nhiều kỹ thuật viên tại Crash Champions hiện có mức thu nhập vượt mốc 100.000 USD/năm, cao hơn khoảng 1,6 lần so với mức trung bình toàn quốc, theo dữ liệu quý I/2025 từ Cục Thống kê Dân số Mỹ.
Ông Ebert chia sẻ: “Chúng tôi xem bằng đại học là điểm cộng, song nó không phải điều kiện bắt buộc”. Đồng thời cho biết tất nhiên một số vị trí như kế toán trưởng hay cố vấn pháp lý bắt buộc cần bằng cấp chuyên môn.
Dù không phủ nhận giá trị của trường học và bằng cấp, trường học có giá trị riêng, nhưng CEO Ebert bộc bạch không phải là cơ hội khả thi với tất cả mọi người. Với ông và Crash Champions, điều quan trọng là kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và tinh thần cầu tiến của nhân viên.
Dù không yêu cầu và đặt nặng bằng cấp, song để đảm bảo chất lượng nhân sự, công ty đầu tư mạnh vào đào tạo nội bộ và phát triển năng lực lãnh đạo. Họ triển khai nhiều chương trình như: đào tạo kỹ thuật viên từ con số 0, huấn luyện chuyên sâu về văn hóa tổ chức, kỹ năng giao tiếp, quản lý tài chính, vận hành và tư duy chiến lược.
“Chúng tôi có thể tuyển những người tốt nhất, nhưng nếu họ làm việc dưới một quản lý tồi, họ sẽ rời đi”, ông Ebert nhấn mạnh. Do đó, Crash Champions còn có chương trình huấn luyện riêng cho cấp quản lý, nơi họ học cách lãnh đạo, phân công, giữ chân và phát triển nhân viên.
Sinh ra tại một thị trấn nhỏ ở Illinois, Ebert không vào đại học. Thay vào đó, ông chuyển đến Chicago, làm việc tại xưởng sửa xe và ấp ủ giấc mơ kinh doanh.
Hành trình tài chính của Matt Ebert cũng phản ánh tinh thần khởi nghiệp “máu lửa” của nhiều doanh nhân Mỹ. Khi làm việc tại xưởng sửa xe, Ebert đã “dũng cảm” vay hơn 100.000 USD từ thẻ tín dụng để mở hai cửa hàng Subway nhượng quyền.
Dù cả hai cửa hàng Subway đều thất bại, song không bỏ cuộc, ông trở lại lĩnh vực sửa chữa xe hơi và cùng một người bạn lớn tuổi mở một tiệm sửa xe năm 1999.
Đến năm 2014, khi đối tác nghỉ hưu, ông mua lại toàn bộ cổ phần và chính thức đổi tên thành Crash Champions. Cái tên này được lấy cảm hứng từ việc những cửa hàng của ông đóng vai trò “người hùng” giúp khách hàng sau những tai nạn xe hơi.
Sau đó, Ebert đẩy mạnh việc mua lại các tiệm sửa xe gặp khó khăn, tận dụng vốn từ cả SBA và các đối tác tài chính để mở rộng nhanh chóng. Dù tốc độ tăng trưởng hiện tại rất nhanh, nhưng CEO này cũng luôn cẩn trọng: “Chúng tôi đang chậm lại một trong 1-2 năm gần đây để nâng cao năng lực vận hành và sẵn sàng cho bước nhảy vọt tiếp theo”.
Crash Champions không chỉ thành công nhờ các thương vụ M&A, mà còn nhờ vào triết lý kinh doanh dựa trên con người. Trong thời đại giới trẻ Mỹ chọn học nghề thay vì đại học, mô hình của Crash Champions mang tính thời sự và truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Sự thành công của Crash Champions là minh chứng: bằng cấp không quyết định tương lai. Thứ tạo nên một doanh nhân vĩ đại là tầm nhìn, sự kiên định, khả năng học hỏi không ngừng và một chiến lược tài chính đúng đắn.
Từ một thiếu niên vụng về với chiếc xe đầu đời bị đâm hỏng, Matt Ebert đã trở thành biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp nước Mỹ: không cần bằng cấp mà cần dám bắt đầu và không ngừng vươn lên.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global