VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpKhơi thông nguồn lực trong kinh tế tư nhân

Khơi thông nguồn lực trong kinh tế tư nhân

03:20:00 PM GMT+7Thứ 2, 14/10/2024

Kinh tế tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, nâng cao mức sống dân cư.

Với tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, ngày 3/6/2017, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW). Ngày 31/3/2023, Chính phủ ra Nghị quyết số 45/NQ-CP ban hành chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.

Một số nét đặc trưng của kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân bao gồm ba khu vực: hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản; doanh nghiệp ngoài nhà nước; và hộ sản xuất kinh doanh phi nông lâm nghiệp, thuỷ sản (Hộ SXKD).

Hiện nay, kinh tế tư nhân tạo ra khoảng 50,5% GDP của nền kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế ổn định, không chịu tác động bởi các cú sốc từ bên ngoài, tốc độ tăng trưởng kinh tế của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng của toàn nền kinh tế. Chẳng hạn, tốc độ tăng GDP của kinh tế tư nhân năm 2019 đạt 9,26%, cao hơn 1,9 điểm phần trăm so với mức tăng 7,36% của toàn nền kinh tế; số liệu tương ứng của năm 2022 lần lượt là 8,89%, 0,72 điểm phần trăm và 8,12%.

Trong những năm qua, thực hiện chủ chương chuyển đổi cơ cấu ba khu vực kinh tế, mặc dù khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ chiếm khoảng 12% GDP của toàn nền kinh tế, nhưng đã thực hiện xuất sắc vai trò là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế; đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của đất nước với 100 triệu dân; đóng góp quan trọng vào chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, với các mặt hàng xuất khẩu như: gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu, chè, rau quả, tôm, cá tra và các sản phẩm nông sản, thuỷ sản khác ngày càng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản, thủy sản Việt Nam, lợi thế cạnh tranh của đất nước, tạo điểm sáng nổi bật trong bức tranh thương mại hàng hoá quốc tế; đồng thời góp phần giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm căn cứ để Chính phủ điều chỉnh giá mặt hàng chiến lược hướng tới kinh tế thị trường.

Một số nét đặc trưng của kinh tế tư nhân.

Tuy đạt được những kết quả rất đáng tự hào, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn còn nhiều tồn tại. Phát triển sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa phổ biến; quá trình phát triển còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng thiếu ổn định; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chưa mạnh, chưa tạo được đột phá về giá trị gia tăng cho sản phẩm và nâng cao năng xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Tại thời điểm 31/12/2022, doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút gần 9,1 triệu lao động, chiếm 59,2% trong tổng số 15,34 triệu lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp; vốn sản xuất kinh doanh bình quân hàng năm chiếm 59,38%; giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn chiếm 61,32%; doanh thu thuần sản xuất kinh doanh chiếm 57,5%.

Trong những năm qua, doanh nghiệp ngoài nhà nước phát triển nhanh về số lượng. Cộng đồng doanh nhân có tinh thần, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc, đã xây dựng được một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tuy vậy, doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đất nước vẫn thiếu vắng doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới. Doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với 62,5% trong tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước có quy mô dưới 5 lao động; 18,6% doanh nghiệp có quy mô từ 5-9 lao động; 15,3% doanh nghiệp có quy mô từ 10- 49 lao động, chỉ có 0,63% doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên.

Xét trên góc độ hiệu quả vốn sản xuất kinh doanh, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cần 1,61 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu thuần; số liệu này của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 2,66 đồng và doanh nghiệp FDI là 1,03 đồng.

Cơ cấu doanh nghiệp theo các ngành kinh tế không hợp lý. Số doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ chiếm tới 66,8% trong tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế. Trong khu vực dịch vụ, riêng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và có động cơ khác chiếm trên 50%. Sự bất hợp lý về cơ cấu doanh nghiệp là rào cản rất lớn đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ta phụ thuộc khá lớn, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài với chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 40,11% trong tổng chi phí nguyên vật liệu dùng trong sản xuất; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - Ngành đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước chiếm tới 50,98%.

Hộ sản xuất kinh doanh là một lực lượng quan trọng của nền kinh tế nước ta. Trong những năm qua, khu vực này đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô, tốc độ. Nhiều hộ sản xuất kinh doanh đã đứng vững trong nền kinh tế thị trường, có tác động tích cực đến công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Theo niên giám thống kê, năm 2022 khu vực hộ sản xuất kinh doanh có 5,17 triệu hộ, với 82,97% số hộ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; chỉ có 17,03% số hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Hộ sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho gần 9 triệu lao động, tương đương với số lao động trong khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Bình quân mỗi hộ sản xuất kinh doanh có 1,74 lao động.

Hộ sản xuất kinh doanh có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Hộ sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ, phần lớn người lao động cũng là chủ hộ kinh doanh nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn kinh doanh khá cao. Nếu như doanh nghiệp ngoài Nhà nước cần 1,61 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu, thì hộ sản xuất kinh doanh chỉ cần 0,35 đồng.

Tuy vậy, với quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động manh mún, hộ sản xuất kinh doanh hạn chế về năng lực kinh doanh, trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ, dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng xuất lao động còn thấp; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn mờ nhạt.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn hạn chế, khó tiếp cận các nguồn vốn bên ngoài, vì vậy hộ sản xuất kinh doanh hầu như không có cơ hội tham gia vào các ngành sản xuất đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Đây là nguyên nhân có tới 4,29 triệu hộ trong tổng số 5,17 triệu hộ của toàn nền kinh tế hoạt động trong ngành thương mại dịch vụ.

Xu hướng phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam.

Xu hướng phát triển của kinh tế thế giới và Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều bất định, biến động, khó lường. Lợi ích và an ninh quốc gia đang định hình toàn diện mọi chính sách kinh tế trên phạm vi toàn cầu, tái định hình lại chuỗi cung ứng với xu hướng đẩy mạnh mạng lưới sản xuất khu vực.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu bị thu hẹp trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt dòng vốn FDI đổ vào các nước đang phát triển suy giảm mạnh. Xu hướng đầu tư bền vững của dòng vốn FDI vào năng lượng tái tạo gia tăng, hướng tới giảm thiểu phát thải khí nhà kính, vì một tương lai xanh.

Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là hai xu thế chính, chi phối sâu sắc tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, sự phát triển mang tính đột phá của công nghệ diễn ra nhanh, mạnh trong nhiều lĩnh vực, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, cơ sở dữ liệu lớn, robot, lưu trữ năng lượng… đem đến sự thay đổi vượt bậc cho chất lượng cuộc sống, việc làm và sản xuất, kinh doanh. Xu thế đổi mới công nghệ sẽ đưa đến nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, nhưng cũng là cơ hội cho các nước đi sau nếu biết nắm bắt và tận dụng thành quả phát triển của nhân loại.

Trong quá trình thực hiện CMCN 4.0, các mô hình kinh tế, như: kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh…, sẽ nổi lên là những mô hình kinh tế đầy tiềm năng, có vai trò quan trọng, định hình các nền kinh tế, đòi hỏi các quốc gia phải cơ cấu lại nền kinh tế để thích ứng và phát triển.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, chịu nhiều tác động mạnh từ những gì đang diễn ra của kinh tế thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam muốn phát triển thì không thể đứng ra ngoài xu hướng chung của kinh tế thế giới. Vì vậy, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, Đảng và Nhà nước đã khẳng định quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thực hiện quan điểm phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế như: công nghệ cao, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kinh tế tuần hoàn; năng lượng tái tạo.

Một số bất cập, thách thức cản trở sự phát triển của kinh tế tư nhân

Trong xu thế toàn cầu hoá, định hình lại chuỗi cung ứng và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, kinh tế Việt Nam nói chung, đặc biệt kinh tế tư nhân đã bộc lộ những bất cập và phải đối mặt với nhiều thách thức để vươn lên, hoà vào xu hướng phát triển của kinh tế thế giới.

Tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại mặc dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng. Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI, xuất siêu của nền kinh tế do khu vực FDI quyết định, khu vực trong nước luôn nhập siêu.

Doanh nghiệp ngoài nhà nước đông về số lượng nhưng đa số là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, nội lực tồn tại và năng lực cạnh tranh thấp. Công nghiệp phụ trợ non kém, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu.

Công nghệ và phương thức sản xuất lạc hậu. Hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về cơ bản dừng lại ở trình độ lắp ráp - Trình độ thấp nhất trong 4 cấp độ công nghiệp hoá. Năng lực của doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ là trở ngại lớn để thu hút chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam, đồng thời cũng hạn chế khả năng Việt Nam tham gia vào các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Vì vậy, sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn mờ nhạt.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Thiếu đội ngũ lao động có trình độ và kỹ năng; khả năng làm việc nhóm và hội nhập kém. Thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao.

Trong những năm qua, một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Năng suất lao động thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế, mặc dù trong thời gian qua, năng suất lao động của nước ta đã được cải thiện, nhưng vẫn tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực và thế giới.

Xu hướng tăng trưởng xanh là thách thức không nhỏ đối với kinh tế tư nhân. Chẳng hạn, các chính sách xanh của Liên minh châu Âu đặt ra những thách thức mới cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Để tiếp cận thị trường này, khu vực kinh tế tư nhân phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và chứng minh được sản phẩm thân thiện với môi trường, được sản xuất theo các quy trình bền vững. Điều này đòi hỏi kinh tế tư nhân phải đầu tư vào công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và minh bạch hóa thông tin về sản phẩm, phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường và xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với thách thức về suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đang gia tăng.

Đặc biệt, kinh tế tư nhân đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách. Mặc dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh với nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định, khả năng tiên liệu thấp dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp.

Cần làm gì để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân, Đảng đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để hiện thực hoá chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân của Đảng, thiết nghĩ Đảng và Nhà nước cần phân định vai trò của Nhà nước, pháp luật hóa chủ trương chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo nền tảng khơi dạy và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững.

Chính phủ cần khẩn trương, đi trước một bước trong cải cách thể chế, rà soát sửa đổi, minh bạch môi trường pháp lý. Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tạo niềm tin, động lực và sự năng động của kinh tế tư nhân. Lúc này, nếu không đột phá về cơ chế, chính sách, kinh tế tư nhân khó có thể vượt qua khó khăn để phát triển. Để đột phá về thể chế phải bắt đầu từ đột phá trong tư duy điều hành kinh tế, chấp nhận sự thay đổi, khác biệt, táo bạo. Cần xây dựng một xã hội cởi mở, chào đón sự thay đổi, đồng thời chuẩn bị kỹ cho những gì sắp tới.

Để đáp ứng và theo kịp tiến trình phát triển rất nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tụt hậu quá xa so với khu vực và thế giới, Chính phủ cần nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho phát triển. Đặc biệt, Chính phủ phải nâng cao năng lực lãnh đạo quốc gia, có tư duy dài hạn và tầm nhìn lớn, đào tạo và trọng dụng các nhà kỹ trị có năng lực, tâm huyết, sẵn sàng hành động. Cần nuôi dưỡng, động viên tư duy đổi mới, xoá bỏ bệnh quan liêu, kiên quyết nói không với tham nhũng. Có như thế, Việt Nam mới tận dụng thành công các cơ hội.

Trong bối cảnh đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, thực hiện vai trò nhà nước kiến tạo, Chính phủ cần tìm kiếm, hướng dẫn, hỗ trợ kinh tế tư nhân mở rộng không gian phát triển; tham gia vào những ngành, lĩnh vực mới của kinh tế thế giới để kinh tế Việt Nam nhanh chóng hoà vào dòng chảy mới của kinh tế toàn cầu, không bị chậm và bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó, Chính phủ cần thực thi các chính sách tài khoá và tiền tệ ưu đãi, để hỗ trợ vốn, công nghệ và lao động có kỹ năng, tay nghề phù hợp cho kinh tế tư nhân tiến hành sản xuất kinh doanh trong những ngành và lĩnh vực mới.

Xây dựng và khẩn trương thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp dân tộc hoà nhịp xu hướng tái định hình và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược quốc gia cần có tính đột phá, linh hoạt về thể chế, chính sách, nguồn vốn để tạo dựng, nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp dân tộc, nhằm xây dựng nền kinh tế kết hợp hài hoà giữa sức mạnh nội lực, tự lực, tự cường với sức mạnh ngoại lực trong xu thế hội nhập, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và CMCN 4.0. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Chính phủ cần có các giải pháp tạo động lực và điều kiện cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp cận, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo; phát động, khuyến khích và hỗ trợ một phần tài chính, chuyên gia trong việc thực hiện chuyển đổi số và các dự án xanh hóa như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, thực hiện phát triển xanh và bền vững.

Khu vực kinh tế tư nhân cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị các điều kiện để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng tham gia và năng lực cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Đẩy mạnh liên kết kinh tế vừa là giải pháp ứng phó, vừa là phương thức cạnh tranh chiến lược, nâng cao khả năng thích ứng trước các biến động, bất ổn khó lường của kinh tế thế giới.

Chủ động thực hiện đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, áp dụng mô hình và phương thức sản xuất tiên tiến, chú trọng tới yếu tố môi trường, phát triển xanh, bền vững trong hoạt động sản xuất.

Tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để chủ động ứng phó với khủng hoảng năng lượng, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao, cải thiện hình ảnh thương hiệu, tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.

Với tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thách thức của khu vực kinh tế tư nhân; với phương châm bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, kinh tế tư nhân sẽ phát triển nhanh, khẳng định vai trò và động lực quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: toasoan@vietnamfinance.vn.

TheoTS Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê / Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global