Thứ 2, 27/01/2025 | English | Vietnamese
03:37:00 PM GMT+7Thứ 5, 05/09/2024
Chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được “tiếp sức” để tăng đóng góp vào nền kinh tế.
Việt Nam có gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động
Phát biểu tại một sự kiện diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 98% trong tổng số gần 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế (Ảnh: NH) |
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện thu nhập cho người lao động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chính là nơi khởi nguồn đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và là cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào thực tiễn cuộc sống.
Theo một kết quả điều tra được Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư), các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang giải quyết việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn, tạo ra doanh thu thuần chiếm khoảng 26% tổng doanh thu thuần của khối doanh nghiệp. Từ những con số trên có thể thấy, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng.
Đặc biệt hơn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chiếm tỷ trọng chính trong một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, hải sản, may mặc, giày dép... Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia kinh doanh xuất, nhập khẩu chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu trên cả nước.
Mặc dù chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa với số lượng lao động và nguồn vốn hạn chế, chính vì vậy các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng dễ bị tổn thương hơn bởi những yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhóm ngành dệt may và da giày là nhóm ngành bị ảnh hưởng rõ nét nhất.
Không chỉ dễ tổn thương, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, đại diện một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, vì hạn chế nguồn lực, nên doanh nghiệp cũng gặp phải những hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận cơ hội và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, bà Trịnh Thị Hà – đại diện Công ty TNHH Thép Ngọc Diệp có trụ sở tại tỉnh Thái Nguyên cho biết: Doanh nghiệp hiện đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngành thép, có phát thải khí nhà kính. Nhận thức rõ trách nhiệm với cộng đồng, và hướng đến mục tiêu đạt Tín chỉ carbon để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nên doanh nghiệp đang có định hướng trồng, duy trì và phát triển 500 héc-ta rừng. Đặc biệt, trong quá trình phát triển, doanh nghiệp cũng có kế hoạch sử dụng lao động địa phương, nhất là lao động nữ để giúp họ ổn định kinh tế, nâng cao năng lực cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng về tiêu chuẩn xanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đối mặt với những khó khăn về nguồn vốn.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm thị trường (Ảnh: NH) |
Tăng đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhận thấy vai trò quan trọng, đồng thời để tăng đóng góp của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào nền kinh tế, Quốc hội đã ban hành Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa vào năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2018. Luật đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể: Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng; quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo…
Để hỗ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động, tăng đóng góp vào nền kinh tế, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang thực hiện một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm là 3 chương trình: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Đặc biệt, để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia tăng sự đóng góp của khu vực doanh nghiệp này vào nền kinh tế, tháng 7/2024, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, bà Oh Youngju đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, mới đây Bộ trưởng hai nước đã tổ chức Cuộc họp lần thứ Nhất Ủy ban Hợp tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp tại Hà Nội.
Được biết, Hàn Quốc là quốc gia có kinh nghiệm bề dày trong phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn có thương hiệu quốc tế của Hàn Quốc đều có quá trình trưởng thành từ một doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Song song đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cũng đã và đang từng bước phát triển, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, từng bước tham gia vào các công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc. Theo đó, Biên bản hợp tác được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội mới về hợp tác đầu tư, thương mại, kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam – Hàn Quốc trong thời gian tới.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global