Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng bền vững
Nhiều nhà bán lẻ tham gia chương trình kích cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025.

Nhiều nhà bán lẻ "chạy đua" kích cầu tiêu dùng cuối năm

Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương thành phố đã công bố Chương trình bình ổn thị trường cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025. Chương trình dự kiến có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023.

Hiện nay, các hệ thống siêu thị như: Satra, Lotte, Bách Hóa Xanh, Emart... cũng hưởng ứng, thực hiện kích cầu mùa mua sắm cuối năm và Tết 2025, với đa dạng chương trình khuyến mãi, giảm giá cho người tiêu dùng.

Kích cầu nhưng phải đảm bảo kiểm soát lạm phát

Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng bền vững

Thúc đẩy tăng trưởng nhưng cũng cần tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm kiểm soát lạm phát và duy trì mức giá ổn định để đảm bảo sức mua của người dân không bị suy giảm. Đảm bảo nguồn cung ngoại tệ ổn định để tránh biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa. Bà Đinh Thị Thúy Phương - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê)

Cụ thể, hệ thống siêu thị của Tập đoàn Masan đã và đang triển khai Chương trình ưu đãi lớn nhất năm, giảm giá lên tới 50% tại WinMart/WinMart+/WiN tập trung vào các khuyến mại kích cầu, mang đến ưu đãi đa dạng cho hàng nghìn mặt hàng thực phẩm thiết yếu, gia dụng, thời trang, hóa mỹ phẩm... cùng các hình thức mua 1 tặng 1, mua 2 tặng 1, ưu đãi “chỉ 10.000 đồng” cho một số sản phẩm chọn lọc. Đặc biệt, để tri ân khách hàng hội viên, chương trình hội viên WiN tiếp tục ưu đãi 20% cho các sản phẩm rau sạch WinEco và thịt mát MEATDeli từ nay cho tới cuối năm.

Tập đoàn Central Retail Việt Nam cũng áp dụng chương trình khuyến mại từng mặt hàng, hệ thống siêu thị đang tham gia các chương trình xúc tiến thương mại cả trong Nam và ngoài Bắc nhằm tìm kiếm, mở rộng thêm các nhà cung cấp hàng hóa đặc sản vùng miền, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng tết kỹ và chặt chẽ hơn những năm trước. Hệ thống đã làm việc với các nhà cung cấp nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, ổn định giá cả thị trường. Đây là cơ hội "vàng" để các doanh nghiệp gia tăng doanh thu. Nếu có chiến lược nhập hàng phù hợp và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp không chỉ tận dụng được sức mua lớn mà còn có thể tối đa hóa lợi nhuận.

Ông Regis Delesque - Giám đốc vận hành MM Mega Market Việt Nam cũng thông tin, hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam vẫn theo đuổi việc ổn định giá cho các mặt hàng xuyên suốt mùa Tết 2025. Đặc biệt, trong thời điểm về hàng tết, siêu thị sẽ có những chương trình giảm giá kích cầu với phương châm “Nói nhỏ - Khuyến mãi to”.

MM Mega Market Việt Nam đang đẩy mạnh cam kết chiến lược giá với mức ưu đãi hấp dẫn nhất trong năm lên đến 12% cho những đơn hàng tết sớm và đơn đặt mua với số lượng lớn. Qua đó, sự kiện giới thiệu trọn bộ giải pháp mua sỉ số lượng lớn thực phẩm thiết yếu, tươi sống, thực phẩm khô đến phi thực phẩm (như hóa mỹ phẩm, gia dụng) từ hơn 30 nhà cung cấp với giá bình ổn nhất.

Để tiêu dùng nội địa tăng trưởng bền vững?

Theo các chuyên gia kinh tế đánh giá, nhìn chung, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang phục hồi, nhưng chưa cao. Kết quả khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành thương mại và dịch vụ trong các quý vừa qua cũng phản ánh điều này.

Bà Đinh Thị Thúy Phương - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) chia sẻ, thời gian qua, trong số các giải pháp kích cầu, việc giảm thuế giá trị gia tăng đã có tác động lớn nhất, vì không chỉ có độ phủ tới tất cả người tiêu dùng, mà còn góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, góp phần giảm giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; giúp doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo việc làm, qua đó tăng thu nhập cho người lao động, tạo điều kiện cho người dân tăng chi tiêu.

Theo bà Đinh Thị Thúy Phương, thời gian tới cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tăng tốc giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông để tạo động lực cho các ngành liên quan như xây dựng, sản xuất vật liệu, logistics cũng như thúc đẩy thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Về lâu dài, theo bà Phương, để đẩy mạnh tiêu dùng cuối cùng trong nước cần thực hiện có hiệu quả các chương trình kích cầu như giảm giá, khuyến mãi, nhất là với mặt hàng sản xuất trong nước...; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu và hội nhập quốc tế bằng cách tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc tế, tìm kiếm đối tác mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện nay, Việt Nam muốn tránh bẫy thu nhập trung bình cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Hiện nay, tỷ lệ người dân sống ở khu vực nông thôn tương đối cao so với các quốc gia khác, mặc dù cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm dưới 20% trong cơ cấu GDP.

"Bây giờ, chúng ta cần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn sang thành thị và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như đô thị hoá nhanh hơn, để từ đó tận dụng nguồn lực trong dân chúng" - ông Huân nói.

Cũng theo ông Huân, việc chuyển dịch từ lao động phổ thông sang lao động có tay nghề cao cũng là yếu tố bắt buộc trong thời gian tới. Vì hiện nay, yếu tố cạnh tranh của Việt Nam về chi phí giá rẻ dần mất đi khi thu nhập của người dân tăng lên và chuyển sang những nước kém phát triển hơn như Campuchia, Bangladesh… Do vậy, để Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh thì những ngành như dệt may giày da, gỗ hoặc xuất khẩu nông – lâm - thuỷ sản,… sẽ chuyển dịch sang những ngành công nghiệp công nghệ cao.

TS. CẤN VĂN LỰC - CHUYÊN GIA TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG: Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác
Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng bền vững

Nền kinh tế nước ta có phục hồi nhưng sức cầu tiêu dùng và cầu sản xuất vẫn yếu. Do vậy, chính sách tài khoá tiếp tục được thực hiện lúc này sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song cũng góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, để dài hơi hơn, chúng ta phải quyết liệt hơn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá đối tác,…

Tùy vào nguồn lực kinh tế xã hội cả thế giới và Việt Nam, tùy vào nguồn lực ngân sách nhà nước mà năm tới vẫn có thể xem xét duy trì chính sách này nhưng liều lượng phải ít hơn và phù hợp hơn.

TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU CHÍNH SÁCH KINH TẾ (VEPR) - TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ, ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI: Cần cân bằng kinh tế đối ngoại và nội địa

Kích cầu tiêu dùng nội địa để tăng trưởng bền vững

Sự hồi phục của thị trường trong nước cũng là một yếu tố đóng góp cho động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng này chưa thực sự bền vững, và không được tăng trưởng mạnh mẽ như kỳ vọng.

Vì thế, việc cải cách các chính sách thuế, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân trong thời gian tới cũng là điểm nhấn, phấn đấu tăng tầng lớp trung lưu và qua đó, đóng góp động lực tăng trưởng cho dịch vụ và tiêu dùng trong nước tốt hơn, đảm bảo cho sự tăng trưởng.

Trong các động lực tăng trưởng, "hai chân" trên kinh tế đối ngoại và kinh tế nội địa chúng ta phải làm sao cân bằng hơn trong thời gian tới.