VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 05/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpKiểm soát thương mại chiến lược: Đón ‘sóng’ dịch chuyển chuỗi cung ứng

Kiểm soát thương mại chiến lược: Đón ‘sóng’ dịch chuyển chuỗi cung ứng

10:26:00 AM GMT+7Thứ 6, 04/04/2025

Theo các chuyên gia, Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược sẽ giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả các cơ hội từ “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng.

"Lời cam kết" mạnh mẽ với các đối tác thương mại lớn

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược. Nghị định này áp dụng đối với thương nhân xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa lưỡng dụng; các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, để bảo đảm các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu.

xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao
Xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao. Ảnh: TTXVN

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Lê Văn Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Miza Nghi Sơn cho rằng, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế. Đồng thời, xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.

Theo ông Lê Văn Hiệp, Việt Nam đang là trung tâm thu hút các doanh nghiệp chuyển ra khỏi Trung Quốc, nhờ mức lương tương đối thấp và một nửa dân số dưới 35 tuổi, cùng với nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư. “Bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang biến động mạnh, đặc biệt với sự gia tăng đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam - từ điện tử, máy tính đến bán dẫn thì yêu cầu về một khung pháp lý kiểm soát thương mại chiến lược trở nên cấp bách. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các đối tác lớn yên tâm khi mở rộng hợp tác chuyển giao công nghệ, đầu tư quy mô lớn và thực hiện các thỏa thuận thương mại mang tính chất dài hạn - ông Hiệp nêu rõ.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Hiệp nhận xét, thời gian qua, việc chuyển giao công nghệ qua các dự án của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều công nghệ mới, hiện đại được du nhập vào nước ta. Qua đó, tạo ra nhiều sản phẩm mới với công nghệ hiện đại, góp phần tăng năng lực sản xuất và cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ông Lê Văn Hiệp cho rằng, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội đã không diễn ra như kỳ vọng. Thực trạng này không chỉ là “lỗi” của các nhà đầu tư FDI, hay “lỗi” của các doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề rộng hơn nằm ở thể chế, chính sách.

Do đó, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả sẽ thúc đẩy tăng cường nhập khẩu, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường, đối tác thương mại lớn, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại”- ông Hiệp nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội đánh giá, việc Bộ Công Thương công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi là hết sức kịp thời.

Ông Nghĩa cho rằng, nghị định này sẽ là một "lời cam kết" mạnh mẽ của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, EU, rằng Việt Nam sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm soát công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn nguy cơ rò rỉ công nghệ nguồn sang các nước thứ ba khi chưa được sự cho phép.

Đây là yếu tố tiên quyết để Việt Nam không chỉ duy trì đà xuất khẩu, mà còn nâng cao niềm tin của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, tạo đòn bẩy để thu hút nhiều dự án FDI chất lượng cao”- ông Nghĩa khẳng định.

Kiểm soát thương mại chiến lược: Đón ‘sóng’ dịch chuyển chuỗi cung ứng
Xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại, theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, việc Bộ Công Thương công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi là hết sức kịp thời.

“Nghị định kỳ vọng sẽ để bảo đảm các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu”- ông Nam cho hay.

Tuân thủ luật chơi toàn cầu, tiếp cận công nghệ tiên tiến

Cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mặt khác, ông Trần Đức Nghĩa chỉ rõ, thay vì chỉ là nơi gia công, lắp ráp, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành trung tâm sản xuất và đổi mới công nghệ cao trong khu vực. Đồng thời, mong mỏi nghị định này sẽ đặt nền móng cho một nền kinh tế độc lập, tự cường. Việt Nam không thể mãi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu công nghệ, mà phải chủ động phát triển hệ sinh thái công nghệ cao của riêng mình.

Bên cạnh việc kỳ vọng Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược không chỉ là một bộ khung pháp lý, mà là một cơ hội để Việt Nam bứt phá, ông Trần Đức Nghĩa cho rằng, việc kiểm soát thương mại chiến lược không nên chỉ dừng lại ở quản lý xuất nhập khẩu công nghệ, mà cần có những chính sách đi kèm để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước.

"Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam có thể tạo ra những doanh nghiệp công nghệ mang tầm vóc toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế"- ông Nghĩa nói.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Đức Nghĩa, nghị định cần được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tính linh hoạt, khả thi và minh bạch. Nếu quy định quá cứng nhắc, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ và mở rộng sản xuất. Ngược lại, nếu lỏng lẻo, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị đánh giá thấp về năng lực kiểm soát công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Tô Hoài Nam cũng nhấn mạnh, để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nghị định cần đưa ra được các quy định phù hợp với tiêu chuẩn và quy định quốc tế và các văn bản luật khác của Việt Nam. Theo đó, nghị định cần mang tính đột phá, vừa đảm bảo an ninh kinh tế, vừa không trở thành rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

“Chúng ta cần một cơ chế kiểm soát hiệu quả không phải là một hệ thống đóng, mà phải là một cánh cửa mở - nơi những doanh nghiệp sẵn sàng tuân thủ luật chơi toàn cầu có thể tiếp cận công nghệ tiên tiến một cách thuận lợi hơn”- ông Tô Hoài Nam nói.

Dự thảo Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược quy định, hàng hóa lưỡng dụng là các mặt hàng, phần mềm và công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự hoặc liên quan đến phát triển, sản xuất, xử lý, vận hành, bảo trì, lưu trữ, phát hiện, nhận dạng hoặc phát tán vũ khí hủy diệt hàng loạt hay phương tiện vận chuyển của chúng.

TheoQuỳnh Nga - Bảo Thoa (Báo Công thương)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global