Kinh tế hồi phục, hứa hẹn tăng trưởng năm 2024 vượt mong đợi
Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026. Ảnh tư liệu

Một số địa phương cán đích thu ngân sách

TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến nay đã đóng góp trên 51% tổng thu ngân sách cả nước. Trong đó, TP. Hà Nội đóng góp 25,93%, TP. Hồ Chí Minh đóng góp 25,45%. Theo thống kê, 9 tháng năm 2024, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn với tổng số 376.430 tỷ đồng, đạt 92,1% dự toán, tăng 22,2% so với cùng kỳ. Còn TP. Hồ Chí Minh, 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. TP. Hải Phòng, tổng thu ngân sách hiện đạt trên 82% dự toán HĐND thành phố giao. Khánh Hòa, thu nội địa toàn tỉnh đã đạt 92,2% dự toán pháp lệnh và tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một số địa phương đến thời điểm này thu NSNN đã “cán đích” sớm trước 3 tháng như: Đà Nẵng, đã thu đạt 100,7% dự toán cả năm 2024; Nghệ An thu NSNN đạt 109% dự toán, tăng 46% so với cùng kỳ. Cần Thơ mấp mé cán đích khi thu ngân sách đạt 98% dự toán.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, 9 tháng, tổng thu NSNN đã đạt trên 85%, sắp đạt dự toán được Quốc hội giao. Các khoản thu trực tiếp từ 3 khu vực sản xuất - kinh doanh (chiếm 50,9% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 80,6% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Tại một số địa phương lớn, thu từ khu vực kinh tế đều tăng, góp phần tăng thu nội địa. Như tại TP. Hồ Chí Minh thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá góp phần thu nội địa tăng 22,2%. Đặc biệt ghi nhận mức tăng 1,2% trong mức thu từ xuất nhập khẩu. Với sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thu ngân sách của Hà Nội tăng 24,7% so với cùng kỳ, ước thực hiện 337,2 nghìn tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán pháp lệnh năm. Tại TP. Hải Phòng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt gần 48.900 tỷ đồng, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Đạt được kết quả trên là nhờ năm 2024 Chính phủ tiếp tục áp dụng các chính sách giảm, giãn và gia hạn nộp thuế ở một số sắc thuế như: Thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất, thuế bảo vệ môi trường và lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước... đã hỗ trợ và đồng hành cùng người nộp thuế trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Việt Nam trở lại là "ngôi sao" tăng trưởng của ASEAN

Còn nhớ vào đầu tháng 7/2024, tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng", Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra 2 kinh bản dự báo kinh tế vĩ mô năm 2024, tương đương với tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% và 6,95%.

Trong khi đó, giữa tháng 7/2024, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 lên 6,3%, cao nhất trong khối ASEAN (cao hơn so với dự báo trước đó). Từ góc nhìn của World Bank trong báo cáo điểm lại công bố cuối tháng 8/2024 dự báo, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,1% trong năm 2024 và 6,5% trong 2 năm 2025 và 2026.

Mới đây nhất, theo Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC phát hành ngày 11/10, Việt Nam đã trở lại là "ngôi sao" tăng trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tăng trưởng quý III/2024 đạt mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo của HSBC. Đây là cơ sở để Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 7%, thay vì 6,5% như trước đây.

Theo chuyên gia kinh tế tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu, kết quả này cho thấy những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ đã có kết quả, bởi rõ ràng tham số bão Yagi đã được tính đến trên con đường chinh phục mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024. Trận bão vừa qua đã gây ra những thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Bắc, ảnh hưởng tới hạ tầng cầu đường, các cơ sở sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các diện tích lúa, hoa màu… Để giúp các tỉnh miền Bắc phục hồi, sẽ mất rất nhiều ngân sách, nguồn lực và những tác động của nó sẽ có độ trễ sang những tháng cuối năm.

Về động lực tăng trưởng trong những tháng sắp tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng như nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, đầu tư công vẫn là một trong những trọng điểm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài việc đầu tư lại các hạ tầng đã bị bão Yagi tàn phá, đầu tư công nên hướng đến các công trình, dự án quan trọng, có sức lan toả, làm nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế trong năm 2025 và các năm về sau.

Một nhiệm vụ cấp thiết nữa là hỗ trợ sự phục hồi hoàn toàn của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý… Đây cũng chính là những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo. "Triển vọng kinh tế năm 2025 có thể sáng sủa hơn so với năm 2024", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2024 lên 7%

Theo Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC, Việt Nam đã trở lại là "ngôi sao" tăng trưởng của ASEAN. Tăng trưởng quý III/2024 đạt mức 7,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn dự báo của HSBC. Đây là cơ sở để Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 lên 7%, thay vì 6,5% như trước đây.