Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung |
10 tháng kinh tế tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024. Trải qua tháng đầu tiên của quý IV, có rất nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận, như: Thu hút đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu; sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 31/10 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng chú ý nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng qua có 124 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 429,9 triệu USD, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước; có 21 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 43,2 triệu USD, giảm 75,1%. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 473,1 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
GDP năm 2024 tăng trưởng 7 - 7,5% là hoàn toàn khả thi Với 2 kịch bản về tăng trưởng được Chính phủ đưa ra (3 tháng cuối năm tăng trưởng GDP dưới 7% và trên 7%) cho thấy tinh thần quyết tâm của Quốc hội và Chính phủ. Những nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ đưa ra trong 3 tháng cuối năm với tinh thần đột phá, quyết tâm, tin rằng tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) trong năm 2024 hoàn toàn khả thi. Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Nam (Đoàn Ninh Thuận) |
Gam màu sáng trong “bức tranh” kinh tế 10 tháng qua chính là số doanh nghiệp thành lập mới và "hồi sinh" tăng 9,1%. Tính riêng trong tháng 10, cả nước có gần 14.200 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 26,5% so với tháng trước. Trong tháng 10, gần 8.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 33,5% so với tháng trước và tăng 53,7% so với năm trước; 5.424 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,8% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, cả nước có hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 1 tháng có hơn 20.200 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng tăng hơn 8,5%.
Nhìn vào kết quả trên cho thấy, cả 3 động lực tăng trưởng được Chính phủ xác định trong năm 2024 là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều có tín hiệu tăng trưởng tích cực. Theo ông Jonathan Pincus - chuyên gia Kinh tế trưởng, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, triển vọng nhất lúc này là động lực xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài cải thiện cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia. Đây là yếu tố rất quan trọng chi phối đối sản xuất công nghiệp, đầu tư thời gian tới.
Động lực tăng trưởng tương đối mạnh mẽ
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong quý III và đảo ngược các dự đoán trước đó về tác động của bão Yagi làm đình trệ hoạt động kinh doanh.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định và ổn định trong thời gian dài là điều được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Lạm phát được kiểm soát tốt trong gần 10 năm trở lại đây. Kiểm soát bội chi, nợ công trong giới hạn an toàn giúp Việt Nam có dư địa tốt để huy động nguồn lực cho phát triển. Ngân hàng Standard Chartered nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên mức 6,8% là nhờ kết quả GDP của quý III khả quan hơn dự kiến.
Standard Chartered cũng dự kiến mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý IV/2024 sẽ ở mức 6,9%. Dự báo GDP năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến 7,5% trong nửa đầu năm và 6,1% nửa cuối năm so với cùng kỳ năm trước.
Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối mạnh mẽ, với sự cải thiện trong nhiều lĩnh vực bao gồm xuất nhập khẩu, bán lẻ, bất động sản, du lịch, xây dựng và sản xuất. Sự phục hồi thương mại và hoạt động kinh doanh gia tăng cùng đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2025 và xa hơn nữa.
Trước đó, sau kết quả GDP quý III tăng cao tới 7,4% bất chấp tác động của bão Yagi, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% (trước là 6,5%) và kỳ vọng sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn và mở rộng thêm ra các lĩnh vực trong những quý tới. Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025, HSBC vẫn giữ nguyên ở mức 6,5%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng GDP Việt Nam tăng 6,1% năm nay, cao hơn mức dự báo của tổ chức này hồi tháng 6. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6%. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu GDP năm nay là 6,5 - 7%.
Trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, nếu nhìn vào động lực tăng trưởng, những năm qua, Việt Nam đã tập trung vốn cho đầu tư công, tạo được nền tảng về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Khi các hạ tầng đồng bộ, sẽ giảm được chi phí logistics, như vậy, đây sẽ là động lực tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Chính sách tài khóa, tiền tệ song hành tạo lực đẩy cho tăng trưởng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, một trong những chỉ tiêu quan trọng Chính phủ đặt ra là tăng trưởng GDP đạt từ 6,5 - 7%, phấn đấu đạt ở mức cao hơn (7 - 7,5%), đồng thời đưa ra 11 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu. Báo cáo tại Quốc hội mới đây. Thủ tướng Chính phủ cho biết, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút đầu tư nước ngoài là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua. Mọi chính sách được xây dựng hay tập trung tháo gỡ thời gian gần đây đều có mục tiêu cao nhất là tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng. Trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá; điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp để ổn định hệ thống tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật, kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Một số đại biểu Quốc hội đồng tình với đề xuất nêu trên và cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế. Thời gian tới, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, với mục tiêu cao nhất là tạo ra tác động song hành tạo lực đẩy cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. |