Nguồn: Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 Phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh |
Không còn phải đánh đổi giữa kinh tế với môi trường
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Song Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi Việt Nam tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi mô hình, kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Mô hình phát triển cho kỷ nguyên mớiQuá trình phát triển của Việt Nam hiện tại và tương lai đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì đất nước sẽ bứt phá phát triển rất nhanh, bền vững. Mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới cần phải tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển được bất lợi thế hiện nay thành những lợi thế với một chiến lược phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đúng đắn để bứt phá, vươn lên, hóa giải bài toán giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Việt Nam. |
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở thành ưu tiên mang tính chiến lược của Việt Nam để giải quyết các thách thức nói trên. Tuy nhiên, phát triển KTTH không thực hiện đồng nhất cho cả nền kinh tế, mà cần có những lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm. Dù những lĩnh vực này có sự khác biệt giữa các quốc gia, một yêu cầu chung là phải phát triển các khuôn khổ quản trị mạnh mẽ để giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe và môi trường do quản lý kém đối với các hoạt động sản xuất và quản lý chất thải.
Đối với Việt Nam hiện nay, TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra việc phát triển KTTH đang còn nhiều hạn chế, nút thắt. Đầu tiên là nhận thức về khái niệm, nội hàm KTTH còn nhiều hạn chế, còn nhiều cách hiểu khác nhau trong giới lãnh đạo, hoạch định chính sách và thực thi chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, hộ gia đình, người tiêu dùng về KTTH.
Về chính sách, dù nội dung KTTH đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhưng lại chưa có một hướng dẫn cụ thể cho địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện. Việc hướng dẫn thực hiện mới chỉ dừng lại ở văn bản, cá biệt là quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu mang tính tuyên truyền thực hiện, chứ chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật để các chủ thể liên quan cần phải thực hiện.
Mặt khác, hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán về chức năng quản lý giữa các bộ, ngành. Trong khi đó, hiện còn quá nhiều chiến lược, đề án, kế hoạch có liên quan trực tiếp, gián tiếp đến kinh tế xanh, KTTH như: Chiến lược Bảo vệ môi trường, Chiến lược Tăng trưởng xanh, Chiến lược Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, Chương trình Nghị sự 21 về phát triển bền vững…
“Rõ ràng, khi xây dựng triển khai chiến lược nói trên ở địa phương sẽ có nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trùng nhau, chưa được rà soát, tích hợp, thống nhất trong thực thi, và cũng không có nguồn lực đi kèm để thực hiện. Điều này dẫn đến việc các địa phương “bội thực” chiến lược, kế hoạch, dẫn đến quá trình hiện thực hóa tại các địa phương khó đi phải thực tiễn cuộc sống” - TS. Hà Huy Ngọc nhận xét.
Kiến tạo chính sách tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam, thực tế cho thấy các chủ thể doanh nghiệp, hộ gia đình phải là những chủ thể trung tâm của chính sách KTTH, nhưng vai trò, nguồn lực, các công cụ chính sách dành cho các chủ thể này thường lu mờ, ít được quan tâm trong các chính sách về KTTH.
Cuối cùng, một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn lực. Đầu tư cho hoạt động R&D, khoa học công nghệ cho phát triển KTTH còn hạn chế. KTTH thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn. Mặt khác, cơ sở hạ tầng cho phát triển KTTH còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Vị trí của Việt Nam về mức độ sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0 so với các nước trong khu vực và trên thế giới còn khiêm tốn
TS. Hà Huy Ngọc phân tích, trong giai đoạn tới, muốn trở thành quốc gia tiên phong, mẫu hình trong chuyển đổi xanh, phát triển xanh, thì chủ thể thực hiện chính là doanh nghiệp và người dân. Nhà nước cần kiến tạo cơ chế, chính sách tốt nhất, nguồn lực tốt nhất để doanh nghiệp và người dân thực hiện các dự án, mô hình kinh tế xanh, KTTH trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Theo đó, lãnh đạo bộ, ngành và các địa phương phải xem chuyển đổi xanh, KTTH là việc yêu cầu thật sự cấp thiết, cấp bách, từ cam kết chính trị thì phải được cụ thể hoá triển khai thực hiện trong thực tế. Trước mắt thực hiện một cách thực chất, có hiệu quả việc lồng ghép các mục tiêu và định hướng quan trọng quy hoạch tỉnh và chiến lược ngành, liên ngành, kèm theo kế hoạch hành động ưu tiên trong 2025 - 2030.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng để các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư quy có mô lớn, công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái.
Để đưa các chính sách liên quan đến kinh tế xanh, KTTH vào dòng chảy chủ đạo của cuộc sống thì cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ. Vì vậy, cần nhanh chóng ban hành là cơ chế thử nghiệm cho ngành và lĩnh vực KTTH để thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến KTTH, đồng thời đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam.
THƯỢNG TƯỚNG, PGS.TS. NGUYỄN VĂN THÀNH - PHÓ CHỦ TỊCH CHUYÊN TRÁCH HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG: Nhân lực là vấn đề cấp bách Vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để chủ động thực hiện KTTH tại Việt Nam trong giai đoạn mới hết sức quan trọng và cấp bách. Thời đại CMCN 4.0, xu thế của kỷ nguyên đổi mới sáng tạo, kỷ nguyên công nghệ số, trí tuệ nhân tạo hết sức đề cao vai trò của các kỹ năng mềm. Thế giới đang hình thành một cuộc cách mạng về tư duy đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất, kỹ năng cần có cho người lao động trong thế kỷ 21. Do đó, để đảm bảo nguồn nhân lực cho mô hình mới thì cần có giải pháp thúc đẩy gắn kết giữa cơ sở đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp là cần thiết để chia sẻ các nguồn lực chung. Thay đổi từ chỗ “dạy những gì giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì thị trường cần, xã hội, doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì thị trường và xã hội sẽ cần”; Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế - Từ chối sử dụng công nghệ lạc hậu – tư duy mới trong xã hội số - Trách nhiệm xã hội; xem chất thải là nguồn tài nguyên tái tạo sử dụng thay thế tư duy chất thải vất bỏ. |
PGS.TS. NGYỄN ĐỨC MINH - PHÓ CHỦ TỊCH VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM: Quyết tâm mạnh mẽ đổi mới mô hình tăng trưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Trong thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2030. Qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hoá đã được ban hành cho thấyViệt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Việt Nam có nhiều cơ hội để thực hiện KTTH, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ cần giải quyết liên quan đến thiết kế, quy hoạch, phối hợp, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật cũng như các vấn đề về xã hội và môi trường. KTTH đòi hỏi phải có nhiều chủ thể tham gia, trong đó không thể không nói đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học, trung tâm giáo dục và đào tạo, trường đại học, người dân, cộng đồng xã hội... |