VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 27/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpLào - Tìm cơ hội từ kinh tế số

Lào - Tìm cơ hội từ kinh tế số

09:38:00 AM GMT+7Thứ 2, 16/09/2024

“Một nền kinh tế độc lập và tự chủ không đồng nghĩa với việc Lào phải tự sản xuất, chế tạo mọi thứ, mà đúng hơn là nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc thông qua việc sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên thiên nhiên và các lĩnh vực tiềm năng khác của đất nước”.

 
Trụ sở Unitel - nhà mạng di động liên doanh giữa Viettel và Lao Asia Telecom tại thủ đô Vientiane.  (Nguồn: ttdn.vn)
Trụ sở Unitel - nhà mạng di động liên doanh giữa Viettel và Lao Asia Telecom tại thủ đô Vientiane. (Nguồn: ttdn.vn)

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đưa ra phát biểu trên tại Hội nghị toàn quốc của ngành tài chính, tháng 1/2024, trong bối cảnh nền kinh tế đang bị phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, như nhập khẩu để phục vụ tiêu dùng trong nước và yếu tố khiến nền kinh tế trở nên mong manh và dễ bị tổn thương, khi phải đối mặt với những cú sốc và sự gián đoạn từ bên ngoài.

Hướng tới nền kinh tế độc lập và tự chủ

Báo cáo Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia tại Kỳ họp lần thứ bảy, Quốc hội Lào khóa IX (10/6), Thủ tướng Lào Sonexay Sipandone cho biết, mặc dù tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp, kinh tế Lào tiếp tục gặp những khó khăn, nhưng đã xuất hiện nhiều cơ hội và đạt được những thành tựu nổi bật.

Kết quả, trong sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế Lào có xu hướng tăng trưởng GDP tốt hơn, đạt 4,7% (khoảng 148.043 tỷ Kip, tương đương 6,8 tỷ USD), chỉ giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 50,4% kế hoạch năm đề ra. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi hoạt động gia tăng trong du lịch và các dịch vụ liên quan, vận tải, bán buôn và bán lẻ. Việc mở rộng sản xuất nông nghiệp, cùng với đóng góp từ các ngành xây dựng và chế biến, cũng đã tác động tích cực đến nền kinh tế.

Kể từ đầu năm 2024, chính phủ Lào đã quyết liệt thực hiện các mục tiêu trong chương trình nghị sự quốc gia để giải quyết những khó khăn về kinh tế - tài chính, như giải pháp kiềm chế lạm phát, tỷ giá, giá cả hàng hóa và nợ nước ngoài…

Lào kỳ vọng năm 2024, tăng trưởng GDP sẽ đạt kế hoạch 4,5%. Trong đó, tại Hội nghị toàn quốc của ngành tài chính mới đây, ông Thongloun Sisoulith nêu rõ, chính phủ sẽ nhanh chóng đưa ra các chính sách mới để tạo đà chuyển đổi trong hệ thống kinh tế, từ tình trạng quá phụ thuộc hiện nay hướng tới độc lập và tự chủ, để trở nên tự cường hơn. Và quan trọng là làm sao để có nhiều người Lào tham gia quá trình này.

Nêu khái niệm về một nền kinh tế độc lập và tự chủ của Lào, nhà lãnh đạo Lào đã đề nghị các nhà kinh tế, nhà nghiên cứu, học giả và các tổ chức xem xét, phân tích và định hình mô hình kinh tế này sao cho phù hợp hơn với hoàn cảnh của đất nước.

Khẳng định kinh tế Lào cần nỗ lực hội nhập hơn với kinh tế toàn cầu, người đứng đầu nước Lào cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thương mại hóa và vốn hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước một cách bền vững và xuất khẩu sản phẩm ra thị trường toàn cầu rộng lớn hơn.

Cho rằng việc chỉ vay hoặc bán trái phiếu để trả nợ là không phù hợp vì điều này sẽ chỉ làm gia tăng nợ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith chỉ đạo ngành tài chính phải nỗ lực hết mình để đảm bảo thu, chi hiệu quả nhằm củng cố ngân sách, giảm bớt rủi ro về ngoại tệ...

Sẵn sàng cho kinh tế số

Phân tích về tình hình kinh tế Lào, Trưởng khoa Kinh tế và quản lý doanh nghiệp, thuộc Đại học Quốc gia Lào, GS. TS. Phouphet Kyophilavong cho biết, các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến Lào bao gồm, vấn đề tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá dầu và lương thực tăng cao, xung đột địa chính trị… Do đó, để đạt được các mục tiêu kinh tế, chính phủ Lào cần xây dựng nhiều chính sách khác nhau, đặc biệt là tìm được giải pháp phù hợp giải quyết các vấn đề kinh tế và tài chính. Xu hướng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo và các đặc khu kinh tế sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp Lào. Trong khi, để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, trong ngắn và trung hạn, chính phủ nên tập trung vào các vấn đề ngoại hối, tăng lãi suất, phát hành thêm trái phiếu, kiểm soát nguồn cung tiền...

Trong khi đó, về dài hạn, giới phân tích quốc tế bình luận, thách thức đối với kinh tế Lào hiện nay là một con đường phát triển bền vững, vì vậy mục tiêu “tận dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển” mà Thủ tướng Sonexay Siphandone đưa ra tại Khóa họp lần thứ 80 của Ủy ban Kinh tế và xã hội Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Bangkok (7/2024) là một sự lựa chọn rất đáng quan tâm.

Theo đó, Thủ tướng Sonexay Siphandone kêu gọi hành động mạnh mẽ để sử dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đồng thời yêu cầu các nước tiên tiến giúp thế giới đang phát triển tối đa hóa lợi ích của số hóa. Ông cho rằng, việc tận dụng đổi mới sáng tạo kỹ thuật số để phát triển bền vững có thể giúp giải quyết các thách thức ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Theo báo Vientiane Times, tại sự kiện quốc tế này, Nhà lãnh đạo Lào cho biết, để tận dụng công nghệ số trong bối cảnh của đất nước, chính phủ Lào đã thông qua Tầm nhìn phát triển kinh tế số quốc gia 20 năm (2021-2040), Chiến lược kinh tế số quốc gia 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế số quốc gia 5 năm (2021-2025).

“Chiến dịch số hóa” này, theo đó, được gắn chặt với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia Lào, nhằm thúc đẩy chuyển đổi tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và tăng trưởng xanh cân bằng. Kế hoạch chiến lược này cũng nhấn mạnh nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, bảo vệ môi trường và an ninh mạng mạnh mẽ.

Để thúc đẩy hiện thực hóa các kế hoạch chiến lược nói trên, Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, Lào đang xây dựng các điều kiện và cơ sở thuận lợi trong nước bằng cách tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế, song song với việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ hiện đại, cũng như ứng dụng thành quả khoa học và công nghệ mới nổi, thành tựu và đổi mới sáng tạo, với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trên thực tế, để phát triển kinh tế số và hòa nhập xu hướng chung của thế giới, Bộ trưởng Công nghệ và truyền thông Lào Boviengkham Vongdara cho biết, hạ tầng viễn thông của Lào, bao gồm các dịch vụ và mạng Internet tốc độ cao đã phủ sóng khắp các thành phố lớn và khu kinh tế trong cả nước, sẵn sàng phục vụ phát triển nền kinh tế số. Trong bảy nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet tại Lào, hai nhà cung cấp hàng đầu là Lao Telecom và Unitel (công ty liên doanh với Viettel của Việt Nam) đã thí điểm thành công hệ thống 5G.

Như Bộ trưởng Boviengkham Vongdara cho biết, chính phủ Lào quyết tâm với mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế số từ mức dưới 5% GDP như hiện nay, lên 10% GDP vào năm 2040. Ngoài việc xây dựng và ban hành các luật và quy định liên quan, Lào coi trọng việc đào tạo lực lượng lao động trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu lao động và hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về nền kinh tế số.

TheoMinh Anh (Báo Thế giới và Việt Nam)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global