Thứ 5, 03/04/2025 | English | Vietnamese
11:41:00 AM GMT+7Thứ 4, 02/04/2025
Theo chuyên gia, nếu Việt Nam có một sàn chứng khoán riêng dành cho startup, điều này có thể giúp giữ chân các công ty khởi nghiệp trong nước, đồng thời mở ra cơ hội cho các kỳ lân công nghệ niêm yết nội địa.
Trong xu thế đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của hệ sinh thái khởi nghiệp với khoảng 4.000 startup ra đời, hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo (AI), y tế, giáo dục,...
Hầu hết các startup có tiềm năng lớn đều tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài hoặc lựa chọn đăng ký kinh doanh tại các thị trường có hạ tầng tài chính phát triển như Singapore hay Mỹ, thay vì ở lại trong nước. Điều này không chỉ gây ra tình trạng “chảy máu chất xám” mà còn khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội giữ chân các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện cũng thiếu vắng các doanh nghiệp từ lĩnh vực fintech – một xu hướng đang dẫn dắt nền kinh tế số ở nhiều quốc gia – khiến cơ cấu ngành trên sàn chưa thực sự cân đối.
Trong bối cảnh đó, một số ý kiến góp ý cho dự thảo nghị quyết phát triển trung tâm tài chính quốc tế đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch riêng cho startup. Theo bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS), đây là một bước đi đột phá, có thể mở rộng cánh cửa huy động vốn qua kênh đại chúng cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Hiện tại, nhiều startup Việt Nam lựa chọn đăng ký kinh doanh tại Singapore hoặc Mỹ do khả năng tiếp cận vốn dễ dàng hơn, thủ tục pháp lý thuận lợi và môi trường đầu tư minh bạch. Nếu Việt Nam có một sàn chứng khoán riêng dành cho startup, điều này có thể giúp giữ chân các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, đồng thời mở ra cơ hội cho các kỳ lân công nghệ niêm yết nội địa”, bà Thảo nhận định.
Nhiều trung tâm tài chính lớn như New York, London, Hong Kong, Singapore đã phát triển mô hình sàn riêng cho startup, đi kèm điều kiện niêm yết linh hoạt và cơ chế hỗ trợ tài chính đặc thù. Ngược lại, tại Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn chưa trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nhóm doanh nghiệp này. Trong vòng 10 năm qua, dù hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển nhanh chóng, vẫn chưa có startup nào IPO trong nước. Trái lại, một số doanh nghiệp lựa chọn ra nước ngoài để niêm yết, điển hình là Hybrid Technologies – thành lập tại Việt Nam năm 2016 và IPO trên sàn Tokyo năm 2021.
Theo đại diện của TVS, nếu Việt Nam xây dựng thành công một sàn giao dịch riêng cho startup, hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước sẽ có cơ hội mở rộng mạnh mẽ, khi dòng vốn được giữ lại trong nước và doanh nghiệp có thể tận dụng sự hỗ trợ từ Chính phủ. Đồng thời, các quỹ đầu tư trong nước cũng sẽ có thêm cơ hội tham gia vào các thương vụ IPO, thay vì để startup Việt Nam phải tìm đến các sàn giao dịch quốc tế.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng nhấn mạnh rằng, tính khả thi của đề xuất này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là khung pháp lý, khả năng thu hút vốn và tính thanh khoản của thị trường. Việc xây dựng một sàn giao dịch mới sẽ cần vài năm để hoàn thiện các quy định pháp lý, hệ thống giao dịch và cơ chế kiểm soát rủi ro.
Hiện tại, nhiều startup và kỳ lân công nghệ như MoMo, VNLife, Sky Mavis, Tiki, Coolmate… vẫn chưa IPO hay niêm yết tại Việt Nam, dù một số đã hé lộ kế hoạch. Tuy nhiên, thị trường toàn cầu đang trầm lắng sau giai đoạn bùng nổ, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như suy giảm kinh tế, khác biệt chính sách tài khóa – tiền tệ giữa các quốc gia, căng thẳng địa chính trị, làn sóng chuyển đổi số và tiêu chuẩn đầu tư ESG. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc thời điểm phù hợp để IPO.
Theo giới phân tích, để sàn giao dịch startup vận hành hiệu quả, Việt Nam không chỉ cần thu hút các startup trong nước mà còn phải hấp dẫn cả doanh nghiệp quốc tế đến “lập tổ”. Điều này giúp tăng quy mô và đa dạng hóa hàng hóa trên sàn – đặc biệt khi số lượng startup nội địa có kế hoạch niêm yết chưa nhiều.
Tuy nhiên, bài toán cạnh tranh sẽ rất khốc liệt, nhất là với các thị trường như Singapore – điểm đến ưa thích của nhiều startup nhờ quy trình niêm yết minh bạch và hệ sinh thái đầu tư phát triển.
So sánh hai thị trường, CEO TVS cho biết Việt Nam có lợi thế về quy mô dân số hơn 100 triệu người, tăng trưởng kinh tế duy trì 6–7%/năm và tốc độ phát triển tài chính số ấn tượng. Tuy nhiên, Singapore lại vượt trội về khung pháp lý, môi trường đầu tư và mạng lưới quỹ đầu tư.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2024, Singapore đứng thứ 2 toàn cầu về môi trường kinh doanh, còn Việt Nam vẫn nằm ngoài top 50. Thời gian IPO tại Singapore trung bình chỉ mất 6 tháng, trong khi tại Việt Nam có thể kéo dài đến 12–18 tháng.
“Để một sàn giao dịch dành cho startup tại Việt Nam có thể cạnh tranh hiệu quả và thu hút startup quốc tế, cơ chế niêm yết linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế được IPO tuy nhiên cần phải chứng minh được tiềm năng tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và có lộ trình dẫn đến lợi nhuận bền vững”, bà Thảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian xét duyệt IPO và triển khai cơ chế bảo lãnh từ các tổ chức tài chính uy tín sẽ giúp củng cố niềm tin thị trường và hỗ trợ startup trong giai đoạn đầu. Đồng thời, các chính sách như ưu đãi thuế, tài trợ vốn hoặc hoặc hỗ trợ chi phí IPO cũng góp phần giảm áp lực tài chính cho startup. Hệ thống giám sát thông tin minh bạch và cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cần được xây dựng chặt chẽ để phòng ngừa gian lận, thổi phồng giá trị doanh nghiệp – vốn là rủi ro lớn trong nhóm startup.
Nhìn chung, đề xuất thành lập một sàn giao dịch riêng dành cho startup tại Việt Nam là một hướng đi tiềm năng, có thể giúp giữ chân doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và tạo động lực cho sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng này, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng đầu tư nhằm tạo ra một thị trường chứng khoán khởi nghiệp bền vững, minh bạch và hấp dẫn.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global