VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 08/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpMất dần lợi thế cạnh tranh, ví điện tử tìm cách chuyển hướng

Mất dần lợi thế cạnh tranh, ví điện tử tìm cách chuyển hướng

11:11:00 AM GMT+7Thứ 2, 06/01/2025

Các Fintech đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán này lại đang phải đối mặt với thách thức lớn khi mà hệ sinh thái ngân hàng số của Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Ví điện tử chuyển hướng

Trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), ví điện tử vẫn đang chiếm ưu thế với các ông lớn như MoMo, ZaloPay,… Tuy nhiên, các Fintech đang hoạt động trong lĩnh vực thanh toán này lại đang phải đối mặt với thách thức lớn khi mà hệ sinh thái ngân hàng số của Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Theo báo cáo của VinVentures, để cạnh tranh với mã QR của ngân hàng, các công ty Fintech đã tiêu tốn hàng trăm triệu USD cho các chương trình khuyến mãi và hợp tác, mặc dù hiệu quả có thể không bền vững trong dài hạn.

Ngoài ra, ngành này cũng đối mặt với những thách thức như quyền thương lượng hạn chế với ngân hàng và việc điều hướng khung pháp lý chưa rõ ràng. Khi các quy định ngày càng được hoàn thiện, các startup fintech phải đạt đến quy mô nhất định để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe.

(Ảnh minh hoạ)

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà cung cấp như MoMo, ZaloPay đã chuyển trọng tâm sang các giải pháp tài chính cá nhân, bao gồm lập ngân sách, đầu tư cổ phiếu và tiết kiệm, tận dụng AI để cải thiện trải nghiệm người dùng và tạo sự khác biệt. Hoạt động cho vay cũng được nhắm đến, mở ra phân khúc chiến lược đến các phân khúc kinh doanh chưa được khai thác.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, vào tháng 10 vừa qua, ví điện tử MoMo đã công bố thay đổi định vị thương hiệu, chuyển mình từ ví điện tử thành “Trợ thủ tài chính với AI”. Từ các dịch vụ thiết yếu ban đầu như chuyển tiền, nạp tiền thoại, thanh toán hoá đơn, MoMo đã tích hợp thêm nhiều dịch vụ, hướng tới việc quản lý tài chính cho khách hàng cá nhân và cung cấp giải pháp thanh toán số, tài chính toàn diện cho khách hàng merchant. Đây là một trong những ví dụ điển hình về sự chuyển hướng của các ví điện tử.

Ở mảng cho vay, nhiều ví điện tử như MoMo, ZaloPay, Shopee Pay đang đẩy mạnh dịch vụ Buy now Pay later (Mua trước trả sau) - một hình thức thanh toán mới tiếp cận được những người dùng chưa đủ điều kiện mở thẻ tín dụng nhưng vẫn có nhu cầu tiêu dùng trước, thanh toán sau.

Dịch vụ này thường được các ví điện tử hợp tác cùng ngân hàng hoặc công ty tài chính để cung cấp tới người dùng. Tuy nhiên, với bản chất là hoạt động cho vay tiêu dùng, việc dịch vụ Buy now Pay later nhắm đến đối tượng khách hàng ở phân khúc thấp, bao gồm cả những người có thu nhập không ổn định, kiến thức tài chính hạn chế và hồ sơ tín dụng chưa rõ ràng có thể làm gia tăng rủi ro tín dụng và nợ xấu.

Cơ hội cho Fintech chấm điểm tín dụng

Cũng trong lĩnh vực Fintech, nếu như ví điện tử đang mạnh mẽ chuyển hướng thì các startup trong mảng chấm điểm tín dụng đang có nhiều cơ hội phát triển.

Chuyên gia của VinVentures cho rằng các phương pháp đánh giá tín dụng truyền thống dựa vào điểm tín dụng từ Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thường không đủ khả năng nắm bắt toàn diện khả năng tín nhiệm của người vay. Nhận ra hạn chế này, nhiều tổ chức tài chính đã áp dụng các giải pháp chấm điểm tín dụng kết hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác ngoài CIC.

Phương pháp này cho phép các nhà cho vay tiếp cận cơ sở khách hàng rộng hơn và sâu hơn mà trước đây khó tiếp cận bằng các phương tiện truyền thống.

(Ảnh minh hoạ)

“Tuy nhiên, với việc ban hành Luật Dữ liệu của Việt Nam vào ngày 30/11/2024 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2025), việc mua bán dữ liệu cá nhân dưới mọi hình thức đã bị cấm. Sự thay đổi này đã tạo cơ hội cho các công ty có lượng dữ liệu người dùng lớn, chẳng hạn như các nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng nhắn tin, phần mềm kế toán và hệ thống POS, tận dụng nguồn dữ liệu thay thế của riêng họ, kết hợp với công nghệ AI, để chấm điểm tín dụng”, báo cáo của VinVentures nêu rõ.

Theo đó, chấm điểm tín dụng cũng là một trong 3 giải pháp dự kiến được cho phép thử nghiệm sau khi Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng được thông qua.

Việc áp dụng các mô hình chấm điểm tín dụng làm căn cứ để cấp tín dụng cho mỗi cá nhân sẽ giúp các ngân hàng, công ty tài chính tiếp cận được thêm tệp khách hàng chưa đủ thông tin tín dụng nhưng vẫn đủ điều kiện vay tiền, được đánh giá dựa trên các dữ liệu tín dụng phi truyền thống.

Giới phân tích cho rằng điều này giúp các tổ chức tài chính mở rộng được tệp khách hàng một cách lành mạnh hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Đặc biệt, dịch vụ chấm điểm tín dụng được cho là trợ thủ đắc lực cho các Fintech đang cung cấp dịch vụ P2P Lending (cho vay ngang hàng) - một trong các giải pháp dự kiến được cho phép thử nghiệm có kiểm soát.

Các thương vụ gọi vốn đang phản ánh tình hình thách thức của lĩnh vực Fintech, khi trong năm 2024 chỉ có 6 thương vụ được công bố (năm 2023 là 10 thương vụ), giá trị giảm 70% xuống còn 39,8 triệu USD. Mặc dù không thể phủ nhận sự tăng trưởng của Fintech tại Việt Nam, tuy nhiên để gặt hái được lợi nhuận vẫn là điều khó đạt được.

TheoHải Đường (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global