Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt mốc 7,09%, vượt mức kỳ vọng Quốc hội đặt ra vào đầu năm. Ảnh tư liệu |
PV: Ông đánh giá thế nào về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 vừa qua?
TS. Lê Duy Bình: Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt mốc 7,09%, vượt mức kỳ vọng mà Quốc hội đặt ra vào đầu năm. Đó là một tốc độ tăng trưởng rất tích cực, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới mục tiêu cao hơn vào năm 2025, để có thể hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn 5 năm (2021 - 2025). Tốc độ tăng trưởng này thể hiện nỗ lực rất mạnh mẽ, thậm chí là phi thường của các chủ thể khác nhau của nền kinh tế, bao gồm: Chính phủ, Quốc hội, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, của người dân với tư cách là người tiêu dùng.
Tốc độ tăng trưởng GDP 2024 có một điểm rất đặc biệt, nó thể hiện được sự tăng trưởng trong cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sự hồi phục rất mạnh mẽ của xuất nhập khẩu. Sự tăng trưởng này được thực hiện trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, những cân đối lớn của nền kinh tế luôn được đảm bảo, trong bối cảnh niềm tin của thị trường đã được củng cố hơn nhiều so với giai đoạn trước đây.
Mục tiêu tăng trưởng 2025 là khả thiVới những gì đã đạt được trong năm 2024, đặc biệt là nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vượt qua chính mình, nếu chúng ta tiếp tục có những nỗ lực phi thường, nỗ lực thực hiện những biện pháp hiệu quả hơn thì mục tiêu tăng trưởng 7,5% và 8% là có khả thi, mặc dù là có rất nhiều thách thức. |
Tất cả những điều này khẳng định nền tảng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 là vững chắc so với những giai đoạn trước đây. Đây là yếu tố quan trọng tạo đà cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
PV: Với những kết quả đạt được trong năm qua, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của chính sách tài khóa, thưa ông?
TS. Lê Duy Bình: Tăng trưởng của 2024 có một điểm khá đặc thù là Chính phủ vẫn sử dụng chính sách tài khóa mở rộng một cách thận trọng, đồng thời với đó là chính sách tiền tệ cũng mở rộng một cách thận trọng. Điều này thể hiện qua việc nền kinh tế dựa trên đầu tư công và vai trò của chính sách tài khóa để đảm bảo được mức độ đầu tư công này là cũng tương đối lớn.
Chính sách tài khóa đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân thông qua rất nhiều những chính sách được kéo dài như: giãn, hoãn hộp thuế và tiền sử dụng đất, mặt nước, giảm thuế giá trị gia tăng 2%, hỗ trợ khắc phục siêu bão Yagi. Những chính sách đó đòi hỏi việc giảm thu, chậm thu ngân sách, thậm chí là phải tăng chi ngân sách để hỗ trợ cho mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Tất cả những điều đó cho thấy rằng, chính sách tài khóa đã hỗ trợ cho nền kinh tế ở nhiều phương diện, vừa đảm bảo được chính sách tài khóa mở rộng, vừa đảm bảo được việc phục hồi sau bão và có sự phối hợp một cách khá chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Vì hai chính sách này đều mở rộng, nếu không phối hợp một cách chặt chẽ sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát.
Trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao, lên tới 15%, điểm sáng rất quan trọng là chính sách tài khóa đã phối hợp một cách chủ động, linh hoạt với chính sách tiền tệ, duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế như: lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát, bội chi ngân sách nằm trong mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, thu ngân sách vượt dự toán hơn 19%... Đây là một điểm sáng rất đáng chú ý của chính sách tài khóa năm 2024 trong hỗ trợ tăng trưởng.
PV: Quốc hội quyết định GDP năm 2025 là 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5%. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu phấn đấu tăng trưởng ít nhất 8% hoặc 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn. Theo ông cần phải lưu ý những gì để đạt được các con số tham vọng nêu trên?
TS. Lê Duy Bình: Mục tiêu tăng trưởng 2025 đòi hỏi phải có những nỗ lực rất lớn, thậm chí là phi thường từ các chủ thể khác nhau của nền kinh tế, để làm mới những động lực tăng trưởng cũ, bao gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.
Ví dụ như xuất nhập khẩu sẽ phải có những điểm mới hơn, làm thế nào để gia tăng giá trị gia tăng của xuất khẩu, để nguyên - nhiên - vật liệu đầu vào cho quá trình xuất khẩu đến nhiều hơn từ các doanh nghiệp ở trong nước thay vì nhập khẩu.
Những động lực khác như chi tiêu đầu tư công sẽ phải hiệu quả hơn. Nguồn vốn cần được đưa vào nền kinh tế sớm hơn ngay từ những tháng đầu năm chứ không phải vào những tháng cuối năm. Nếu vốn đầu tư công được giải ngân tích cực ngay vào quý đầu năm thì nguồn tiền đó sẽ hỗ trợ trực tiếp, tạo đà ngay cho nền kinh tế những tháng đầu năm.
Thêm nữa, chi tiêu, đầu tư của khu vực tư nhân được coi là ngôi sao hy vọng để có thể đẩy mạnh được hơn nữa tốc độ tăng trưởng vào năm 2025. Đầu tư tư nhân có xu thế tăng trưởng chậm lại. Nếu khôi phục lại được tốc độ tăng trưởng chắc chắn tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi sẽ phải có những cải cách rất mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, cải cách về hệ thống pháp luật, chất lượng quản trị công, quản trị kinh tế, về cách hành xử của cơ quan công quyền đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Đồng thời, gia tăng tiêu dùng trong nước. Theo đó, cần phải có những biện pháp để gia tăng thu nhập khả dụng của các doanh nghiệp, người dân. Trong đó, việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ gắn trực tiếp với việc gia tăng thu nhập khả dụng của người dân. Tiếp đó là những biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập, thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng...
PV: Xin cảm ơn ông!