VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 2, 21/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpMỹ hoãn thuế đối ứng 90 ngày: Doanh nghiệp FDI 'nín thở' chờ quyết định cuối

Mỹ hoãn thuế đối ứng 90 ngày: Doanh nghiệp FDI 'nín thở' chờ quyết định cuối

10:13:00 AM GMT+7Thứ 2, 21/04/2025

Việc Mỹ tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong 90 ngày giúp giảm nhiệt căng thẳng thương mại và mang lại “khoảng lặng” quý giá cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn thận trọng, tạm hoãn kế hoạch mở rộng đầu tư và chờ đợi kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và mức thuế đối ứng cao hơn với các quốc gia mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ. Trong đó, Việt Nam chịu mức 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar.

Trong một động thái gây bất ngờ, ngày 9/4, Tổng thống Trump thông báo có hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ để đàm phán các vấn đề thương mại. Do đó, ông quyết định tạm dừng áp thuế trong 90 ngày và áp mức thuế đối ứng thấp hơn, chỉ 10% trong thời gian này. Việt Nam thuộc nhóm các nước được hoãn áp thuế.

Thiệt hại kinh tế rõ rệt tại Hải Phòng, Bình Dương

Tại Hải Phòng, trong khuôn khổ Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp để trao đổi về chính sách thuế đối ứng của Mỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên, nhận định mức thuế 46% mà Mỹ tuyên bố áp dụng với hàng hóa Việt Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư và sức cạnh tranh kinh tế của thành phố.

Ngày 2/4/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, và mức thuế đối ứng cao hơn với các quốc gia mà Nhà Trắng coi là có sự mất cân bằng thương mại với Mỹ.

“Tác động từ mức thuế 46% đã làm ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh của quốc gia và thành phố Hải Phòng, gây lo ngại cho các doanh nghiệp trong thực hiện chiến lược kinh doanh. Các khách hàng dừng hoặc hoãn ký kết các đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Chi phí xuất khẩu tăng, lợi nhuận giảm, mất thị phần tại đây. Doanh nghiệp khó tìm ngay được thị trường thay thế, buộc cắt giảm sản lượng và nhân công, hủy kế hoạch đầu tư”, ông Kiên cho hay.

Báo cáo tổng hợp từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho thấy, trong tổng số 130 doanh nghiệp xuất khẩu đang hoạt động trong khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, có 64 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ chính sách thuế mới của Mỹ. Giá trị xuất khẩu của những doanh nghiệp này ước đạt 28,7 tỷ USD, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố, trong đó khoảng 6,11 tỷ USD là xuất khẩu gián tiếp sang Mỹ. Ước tính tổng thiệt hại do thuế suất 46% gây ra lên đến 2,81 tỷ USD (phương pháp tính: thiệt hại = giá trị xuất khẩu sang Mỹ × thuế suất 46%).

Không riêng Hải Phòng, nhiều địa phương khác cũng ghi nhận ảnh hưởng tức thì từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tại Bình Dương, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh, trong khoảng thời gian từ ngày 5 - 8/4, đã có 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị phía Mỹ thông báo tạm dừng hoặc hủy, và ít nhất 175 đơn hàng khác có nguy cơ tương tự. Những ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa.

Tại buổi làm việc ngày 10/4 do ông Bùi Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã khẩn trương đánh giá mức độ ảnh hưởng của chính sách thuế Mỹ đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn. Thống kê cho thấy, thị trường Mỹ chiếm hơn 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong nhiều năm qua.

Doanh nghiệp FDI đứng trước ngã rẽ đầu tư

Phản ứng trước diễn biến chính sách mới, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã tỏ rõ sự thận trọng trong chiến lược mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Ông Kim Hwanki, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng, chia sẻ: “Với quy mô phát triển như hiện tại, trong năm nay và sang năm, chúng tôi dự kiến mở rộng quy mô tại KCN Tràng Duệ. Tuy nhiên, trước vấn đề về thuế quan của Mỹ thì chúng tôi cần xem xét lại về việc đầu tư sang năm sau. Tôi cảm thấy rất may mắn vì Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên và những đàm phán đầu tiên với Chính phủ Mỹ và chính sách thuế quan này đã được lùi lại 90 ngày”.

Ông Kim cũng thông tin thêm: “Với LG Electronics, chúng tôi tiến hành xuất khẩu trực tiếp các mặt hàng điện tử sang thị trường Mỹ còn đối với LG Innotek và LG Display thì đang tiến hành nhập khẩu linh kiện từ Mỹ. Năm 2024, LG Electronics đã xuất khẩu hơn 12 tỷ USD. Tôi mong rằng, không chỉ chính quyền TP. Hải Phòng mà cả Chính phủ Việt Nam sẽ đặt nhiều quan tâm, có tác động tích cực đến vấn đề thuế quan, đàm phán này để LG Electronics nói riêng và Tập đoàn LG sẽ tiếp tục phát triển bền vững hơn”.

Tương tự, ông Yu Hsiung-Tieh, Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ Vật liệu Xây dựng Jinka, cũng bày tỏ lo ngại: “Quyết định thuế đối ứng đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến Jinka do hơn 95% sản phẩm của Jinka xuất khẩu sang Mỹ. Jinka đánh giá cao nhiều ưu điểm của Việt Nam, đồng thời mong muốn tiếp tục được mở rộng, phát triển bền vững tại TP. Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Trước thách thức từ biến động chính sách thương mại toàn cầu, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã chủ động đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định thị trường và hướng tới tăng trưởng bền vững. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP...

Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương thông qua việc đẩy nhanh quy hoạch Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng và Khu Thương mại tự do. Đồng thời, chú trọng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu, hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ.

Ông Lê Trung Kiên nhận định: “Các doanh nghiệp cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để xây dựng chuỗi cung ứng nội địa vững chắc. Song song đó, phải chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường quốc tế”.

Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế ở mức cao trong vòng 90 ngày đã mở ra một "khoảng lặng" quý giá cho các doanh nghiệp và nhà quản lý Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm then chốt để hoạch định chiến lược đối phó lâu dài, tái cơ cấu thị trường, nâng cao năng lực nội tại và đẩy mạnh đàm phán ngoại giao – nhằm bảo vệ ổn định sản xuất, giữ vững vị thế xuất khẩu và bảo đảm sinh kế cho hàng triệu lao động.

TheoNguyễn Kim (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global