Năm 2025: Dự toán thu ngân sách tăng 15,6% so với kế hoạch năm 2024
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, sáng 13/11. Ảnh tư liệu

Dự toán bội chi ngân sách 471.500 tỷ đồng

Tại Nghị quyết, Quốc hội quyết nghị số thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2025 dự toán là 1.966.839 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép sử dụng 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương (NSTW) và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương (NSĐP) đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Dự toán 248.786 tỷ đồng bổ sung cho ngân sách địa phương

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ NSTW năm 2025. Theo Nghị quyết, tổng số thu NSTW là 1.020.164 tỷ đồng. Tổng số thu NSĐP là 946.675 tỷ đồng.

Tổng số chi NSTW là 1.523.264 tỷ đồng. Trong đó dự toán 248.786 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, dự toán bổ sung có mục tiêu cho NSĐP (đã bao gồm số bổ sung 14.434,4 tỷ đồng để đảm bảo mặt bằng dự toán chi cân đối NSĐP năm 2025 không thấp hơn dự toán chi cân đối NSĐP năm 2023).

Trong quá trình thảo luận về dự toán, nhiều ý kiến nhất trí với dự toán thu NSNN năm 2025 như phương án Chính phủ trình. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, tính toán dự toán thu cân đối xuất nhập khẩu, thu từ dầu thô ở mức cao hơn.

Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu là khoản thu 100% NSTW, trong khi nguồn thu này chịu tác động rất lớn từ biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới khi nền kinh tế đất nước đã tham gia sâu, rộng trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu. Do đó, việc dự ước các khoản thu này ở mức cao có khả năng ảnh hưởng đến thu NSTW trong trường hợp không đạt dự toán, ảnh hưởng đến khả năng cân đối và triển khai thực hiện nhiệm vụ chi theo kế hoạch.

Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ như phương án Chính phủ trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trong quá trình điều hành theo dõi sát sao tình hình biến động kinh tế thế giới để có giải pháp điều hành thu phù hợp, bảo đảm tăng thu NSNN ở mức cao nhất.

Về chi, tổng số chi NSNN dự toán là 2.548.958 tỷ đồng. Mức bội chi NSNN là 471.500 tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Tổng mức vay của NSNN là 835.965 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm soát chặt chẽ bội chi, mức vay nợ của NSĐP, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các hiệp định vay mới, vay nước ngoài, vay có bảo lãnh của Chính phủ; đánh giá, dự báo rủi ro về khả năng vay, khả năng trả nợ để có phương án quản lý, điều hành hiệu quả NSNN…

Về điều hành NSNN năm 2024, Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu NSTW năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng và bổ sung tương ứng dự toán chi thường xuyên năm 2024 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại là 21.284 triệu đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Quốc hội cũng cho phép chuyển nguồn 56.136,146 tỷ đồng nguồn tăng thu NSTW năm 2022 và 18.220 tỷ đồng nguồn tăng thu NSTW năm 2023 còn lại chưa phân bổ để bố trí dự toán, kế hoạch đầu tư công vốn NSTW năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án được Quốc hội cho phép sử dụng dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Kéo dài thời hạn giải ngân với một số dự án theo Chương trình phục hồi

Đối với các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), Quốc hội cho phép phân bổ dự toán, kế hoạch vốn NSTW năm 2024 là 2.920,7 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi NSTW năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân tối đa 9.204,133 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa giải ngân hết đến hết ngày 31/12/2025 của 33 dự án, 2 nhiệm vụ.

Quốc hội cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của NSTW, NSĐP để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ địa phương khác thực hiện nhiệm vụ này trong trường hợp địa phương không sử dụng hết nguồn; thực hiện chuyển nguồn số kinh phí chưa sử dụng hết sang năm 2025. Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện.

Liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội quyết nghị chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định.

Quốc hội cho phép từ ngày 1/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của NSTW để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của NSĐP để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.

Các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị NSTW hỗ trợ./.