VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 11/01/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợp‘Nền kinh tế thời chiến của Nga chạm điểm giới hạn nhưng hoà bình có thể còn tệ hơn’

‘Nền kinh tế thời chiến của Nga chạm điểm giới hạn nhưng hoà bình có thể còn tệ hơn’

01:59:00 PM GMT+7Thứ 3, 26/11/2024

Tiềm lực nền kinh tế Nga dường như không thể duy trì cuộc chiến với Ukraine sau năm tới, nhưng theo các chuyên gia, việc chấm dứt chiến sự cũng có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với kinh tế của nước này.

Đang chạm đến điểm giới hạn?

Vụ hai tên trọm đột nhập vào một cửa hàng thực phẩm nhỏ ở thành phố Yekaterinburg của Nga thường không được đưa tin trên toàn thế giới, nhưng lần này thì khác.

Đoạn phim CCTV từ cửa hàng Dairy Place vào đầu tháng 11 dường như cho thấy cánh cửa bị đập vỡ và một tên trộm vội vã chạy đến để lấy hết tiền trong máy tính tiền. Người kia chạy thẳng đến tủ lạnh, cướp sạch 20kg bơ từ máy làm lạnh, truyền thông Nga đưa tin.

Chủ cửa hàng cho biết trên Telegram rằng vụ trộm cho thấy bơ tại Nga hiện giống như “vàng”.

Dairy Place không phải là nạn nhân duy nhất của nạn trộm bơ, với một loạt các vụ việc tương tự gần đây khiến một số cửa hàng phải khóa sản phẩm trong các thùng chứa. Một thanh bơ tiêu chuẩn 200g hiện có giá khoảng 200 (gần 2 USD) với giá tăng 30% kể từ tháng 12/2023, theo dữ liệu từ dịch vụ thống kê nhà nước Rosstat.

Người mua sắm mang theo xe đẩy để chọn rau và trái cây tại siêu thị Okey ở St. Petersburg. (Ảnh: Sopa/Lightrocket/Getty Images)

Việc đánh cắp một sản phẩm cơ bản như vậy đã thu hút sự chú ý đến tình trạng giá cả tăng tràn lan ở Nga.

“Giá thực phẩm cơ bản đã tăng trong ba năm qua. Việc tăng giá đang trở nên tồi tệ hơn từng ngày và tăng tốc, đặc biệt là trong năm nay”, ông Stanislav, một cư dân Moscow, nói với CNBC.

“Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào loại thực phẩm. Một số loại hàng hóa có giá giảm, ví dụ như kiều mạch. Giá của nó cao hơn vào năm 2020 trong đại dịch Covid-19, nhưng hiện tại đã giảm ba lần. Nhưng đây là ví dụ duy nhất về việc giá giảm. Tất cả giá thực phẩm khác đều đang tăng. Tôi nghĩ là khoảng 10%–40% mỗi năm”, ông nói thêm.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga đạt 8,5% vào tháng 10, cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương. Điều này đã thúc đẩy Ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất lên 21% vào tháng trước, mức cao nhất trong hơn 20 năm, và dự kiến ​​sẽ tăng thêm vào tháng 12.

Lãi suất cao cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ làm giảm tốc độ tăng giá, đặc biệt là lạm phát thực phẩm được người mua sắm cảm nhận rõ rệt. Các sản phẩm từ sữa, dầu hướng dương và rau quả (đặc biệt là khoai tây, với giá tăng 74% kể từ tháng 12 năm ngoái) nằm trong số các mặt hàng đang chứng kiến ​​giá tăng liên tục khi cầu vượt cung, theo dữ liệu hàng tuần từ dịch vụ thống kê Rosstat.

Áp lực lạm phát ở Nga, và trên toàn châu Âu, đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc chiến đang diễn ra giữa Moscow và Ukraine, khi chi phí thực phẩm tăng cao do thiếu hụt nguồn cung và lao động, chi phí tiền lương cao hơn, lệnh trừng phạt và chi phí sản xuất tăng.

Nền kinh tế Nga đã hoạt động tốt hơn dự kiến ​​ kể từ khi bắt đầu đưa quân tới Ukraine. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến ​​nền kinh tế của nước này sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 3,9% vào năm 2024.

Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ khoảng 4,4% trước xung đột xuống còn 2,4% vào tháng 9 năm nay. Những con số này dường như cho thấy một bức tranh tích cực về nền kinh tế Nga.

Tuy nhiên, bình luận trên tạp chí Foreign Policy mới đây, ông Marc R. DeVore, giảng viên cao cấp tại Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học St. Andrews (Scotland) và Alexander Mertens, Giáo sư tài chính tại Học viện Đại học Quốc gia Kiev-Mohyla (Ukraine) cho rằng sự tăng trưởng kinh tế Nga chủ yếu là kết quả của chính sách chi tiêu quân sự lớn và không bền vững. Chi tiêu quốc phòng của Nga đã tăng vọt lên 7% GDP và dự kiến sẽ chiếm hơn 41% ngân sách nhà nước trong năm tới.

Một khách hàng mua sản phẩm từ sữa tại một siêu thị ở Saint Petersburg, Nga vào ngày 28/6. (Ảnh: Anton Vaganov/Reuters)

Theo các nhà phân tích, dù có những dấu hiệu khả quan về tăng trưởng kinh tế, nhưng nền kinh tế thời chiến của Nga đang tiến gần đến bế tắc.

Nga đang gặp khó khăn trong việc thay thế vũ khí bị mất hoặc hỏng hóc trên chiến trường. Nước này đã mất trung bình hơn 100 xe tăng và khoảng 220 khẩu pháo mỗi tháng. Tuy nhiên, sản xuất mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế.

Một trong những vấn đề lớn nhất mà Nga phải đối mặt hiện nay là việc thu hút lao động cho ngành công nghiệp quốc phòng. Các công ty quốc phòng đang cạnh tranh với lực lượng vũ trang để tuyển dụng nhân sự, khi quân đội cần tuyển dụng khoảng 30.000 quân mới mỗi tháng để thay thế thương vong. Điều này dẫn đến tình trạng lương tăng cao trong ngành quốc phòng, góp phần thúc đẩy tỷ lệ lạm phát.

Các chuyên gia trên nhấn mạnh rằng mặc dù Nga có thể duy trì một số hoạt động quân sự trong ngắn hạn, nhưng sự cạn kiệt dần nguồn lực và hệ thống vũ khí quan trọng sẽ khiến nước này không thể tiếp tục cuộc chiến lâu dài.

Hệ lụy cho nền kinh tế dân sự thời hậu xung đột

Theo ông DeVore và Mertens, việc Điện Kremlin huy động mọi nguồn lực của nền kinh tế để hỗ trợ chiến sự cũng khiến nước này dễ bị tổn thương khi chiến sự kết thúc. Đặc biệt, việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng lớn sẽ gây ra suy thoái kinh tế và khiến nhiều người mất việc làm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Kinh nghiệm của các nước khác, đặc biệt là các quốc gia châu Âu sau Thế chiến thứ nhất, cho thấy rằng hàng loạt binh lính xuất ngũ và công nhân quốc phòng thất nghiệp chính là nguyên nhân dẫn đến bất ổn chính trị”, họ cảnh báo.

Cuộc chiến cũng làm biến dạng cơ cấu nền kinh tế Nga, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty quốc phòng hơn là các công ty vừa và nhỏ phục vụ khu vực dân sự, những nơi không thể tiếp nhận binh lính và công nhân mất việc sau khi chiến sự kết thúc.

Theo các chuyên gia trên, một thỏa thuận hòa bình sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin có những lựa chọn khó chấp nhận. Lựa chọn đầu tiên là thu hẹp quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng, điều này khả năng cao sẽ gây ra suy thoái. Lựa chọn thứ hai là duy trì một lực lượng quân đội hùng mạnh, nhứng điều này được cho là sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Họ nói thêm rằng: "Sau khi trải qua sự suy tàn và sụp đổ của Liên Xô vì những lý do kinh tế tương tự, các nhà lãnh đạo Nga có thể sẽ tìm cách tránh số phận này".

"Các giải pháp thay thế như giải ngũ và chịu suy thoái hoặc tài trợ vô thời hạn cho ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự phình to gây ra các mối đe dọa hiện hữu đối với Nga", hai chuyên gia nhấn mạnh thêm.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, hòa bình, dưới một hình thức nào đó, có thể đến sớm hơn dự kiến ​​vì Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã phát tín hiệu rằng ông rất muốn ngăn chặn giao tranh và kết thúc xung đột Nga - Ukraine càng sớm càng tốt.

TheoQuang Đăng (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global