VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 24/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpNền kinh tế Trung Quốc cần 'bơm' thêm rất nhiều tiền

Nền kinh tế Trung Quốc cần 'bơm' thêm rất nhiều tiền

10:24:00 AM GMT+7Thứ 5, 12/12/2024

Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc tuyên bố sẽ có nhiều biện pháp chủ động hơn vào năm 2025 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giới phân tích cũng nhận thấy nền kinh tế nước này cần thêm rất nhiều tiền.

 
(Nguồn: CFOTO)
Giảm phát, nhu cầu tiêu dùng yếu và ngành bất động sản bấp bênh đã làm tổn hại đến quỹ đạo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. (Nguồn: CFOTO)

Ba quý đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt 4,8% tiến gần đến mục tiêu 5% mà Bắc Kinh đã đặt ra trong năm. Dù vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Giảm phát, nhu cầu tiêu dùng yếu và ngành bất động sản bấp bênh đã làm tổn hại đến quỹ đạo tăng trưởng của đất nước.

Trong khi đó, căng thẳng thương mại với Mỹ - có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn dưới nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump - đã và sẽ tiếp tục gây tổn hại đến xuất khẩu của Trung Quốc. Xuất khẩu được cho là lĩnh vực giúp Bắc Kinh vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Gói kích thích ấn tượng, nhưng chưa đủ

Vào tháng 9/2024, đất nước tỷ dân đã bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng trị giá 2,7 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 370 tỷ USD) để khuyến khích cho vay, cắt giảm lãi suất, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng mới và hỗ trợ cho các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ.

Tháng 11/2024, chính phủ Trung Quốc tiếp tục công bố khoản hỗ trợ trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ để giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng nợ giữa các chính quyền khu vực.

Đây là những nơi đã vay rất nhiều cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và kinh tế trong những năm gần đây.

Các biện pháp nói trên đã tạo nên một đợt tăng giá ngoạn mục đối với cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu lớn nhất được niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến đã tăng vọt 35%.

Bà Jiayu Li, cộng sự cấp cao tại Công ty tư vấn chính sách công Global Counsel có trụ sở tại Singapore cho hay: "Có suy đoán rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có chính sách hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng nhưng hiện tại chưa có chính sách nào như vậy".

Bà cho biết, mặc dù gói kích thích được công bố là "ấn tượng", nhưng chủ yếu tập trung vào việc tái cấu trúc các khoản nợ hiện có và "không thể được coi là một biện pháp kích thích mới".

"Bắc Kinh vẫn đang đánh giá thấp quy mô nợ của chính quyền địa phương ở mức 14,3 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra con số nợ của chính quyền địa phương Trung Quốc là 60 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 47,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)", bà Jiayu Li nhấn mạnh.

Theo giới chuyên gia, các biện pháp mới đây của Trung Quốc đưa ra lớn hơn nhiều so với số tiền được giải ngân sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Khi đó, nước này "tung" gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Nhưng ở thời điểm ấy, các biện pháp này tương đương với gần 13% GDP lớn hơn so với khoảng 10% trong năm nay.

Sự can thiệp của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính giúp đất nước duy trì mức tăng trưởng GDP trên 8%.

George Magnus, cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford tin rằng, loạt biện pháp mới nhất sẽ chỉ có "tác động không đáng kể" đến tăng trưởng, vì chúng sẽ làm giảm áp lực cắt giảm ngân sách đối với chính quyền địa phương và tỉnh.

Ông nhận thấy, Bắc Kinh cần phải thực hiện các bước "cấp tiến" để giải quyết nhiều vấn đề mang tính cấu trúc trong nền kinh tế.

Nhiều nhà quan sát khác cũng cho rằng, những động thái gần đây chưa đủ mạnh, đặc biệt là khi ông Trum đã lên tiếng đe dọa sẽ áp thuế mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025.

Tháng trước, Tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ áp thêm 10% thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ và có khả năng nâng mức thuế chung lên 35%.

Một cuộc thăm dò gần đây của các nhà kinh tế do hãng tin Reuters (Anh) thực hiện dự đoán, mức thuế mới của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây tổn hại đến tăng trưởng của Trung Quốc tới 1% mỗi năm.

TQ...................
Trung Quốc cần chính sách hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng. (Nguồn: Reuters)

Nhân dân tệ "chịu trận"

Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy.

Ông Magnus cho biết, mức thuế quan mới sẽ không có tác động lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đồng Nhân dân tệ mới là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong đợt áp thuế đầu tiên của ông Trump vào tháng 3/2018, Bắc Kinh để đồng Nhân dân tệ mất giá. Điều này giúp hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn.

Đến tháng 8/2019, đồng tiền này đã giảm khoảng 12% so với USD, đạt mức thấp nhất trong gần một thập kỷ. Ngay sau đó, Washington đã "tố" Bắc Kinh "thao túng tiền tệ" và áp thuế mạnh hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong nhiều tháng.

Cần thêm rất nhiều tiền

Ông Huang Yiping, Hiệu trưởng Trường phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh và là thành viên thuộc Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kêu gọi một chương trình kích thích lớn hơn nhiều để ổn định và thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Trong một cuộc phỏng vấn tháng này với tờ South China Morning Post, ông đã kêu gọi Bắc Kinh triển khai "Kế hoạch Marshall của Trung Quốc" - ám chỉ chương trình viện trợ kinh tế sau Thế chiến thứ II do Mỹ khởi xướng để tái thiết châu Âu.

Kế hoạch mà ông Huang đề xuất sẽ sử dụng năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc để giúp các nước thu nhập thấp ở Nam Bán cầu xây dựng cơ sở hạ tầng mới và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, đề xuất này có khả năng sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phương Tây, vốn đã lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh.

Ngày 9/12, Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao đã họp để vạch ra kế hoạch kinh tế cho năm 2025.

Hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin, các quan chức kêu gọi chính sách tiền tệ "thoải mái" hơn, mạnh mẽ thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao hiệu quả đầu tư và mở rộng toàn diện nhu cầu trong nước.

Nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, năm tới, Bắc Kinh cần phải bơm thêm nhiều tiền hơn nữa vào nền kinh tế, với dự báo dao động từ 5 đến 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Trong khi đó, ông Carlos Casanova, một nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Union Bancaire Privee nhận thấy, Trung Quốc cần thêm một gói kích thích lên tới 23 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Các nhà phân tích cũng khuyến nghị, bất kỳ biện pháp kích thích nào trong tương lai cũng nên tập trung vào chi tiêu phúc lợi xã hội cho các hộ gia đình và hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, thay vì các dự án đầu tư công nghiệp và cơ sở hạ tầng truyền thống.

TheoLinh Chi (Báo Thế giới và Việt Nam)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global