VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 05/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpNgân hàng có thực quyền, chuyển tài sản 'đóng băng' thành vốn quay vòng

Ngân hàng có thực quyền, chuyển tài sản 'đóng băng' thành vốn quay vòng

11:23:00 AM GMT+7Thứ 5, 03/07/2025

Với quyền thu giữ tài sản bảo đảm được luật hóa, các ngân hàng sẽ có thêm công cụ pháp lý vững chắc để xử lý nhanh tài sản gắn với các khoản vay quá hạn, đặc biệt là những tài sản vốn phức tạp về pháp lý.

Bước ngoặt lớn cho ngành ngân hàng

Sau nhiều kỳ vọng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã chính thức được Quốc hội thông qua. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là việc luật hóa quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Đây được xem là bước ngoặt của ngành ngân hàng, được kỳ vọng sẽ gỡ nút thắt lớn trong xử lý nợ xấu và khơi thông tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025 với việc quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng khi xử lý nợ xấu đã được quy định rõ ràng hơn.

Cụ thể, Điều 198a cho phép các tổ chức tín dụng và công ty xử lý nợ (bao gồm công ty mua bán nợ thuộc hệ thống) thu giữ tài sản bảo đảm nếu khoản vay rơi vào nợ xấu, với điều kiện đã có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng, tài sản được đăng ký hợp lệ, không bị tranh chấp, kê biên hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp từ tòa án.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025.

Đặc biệt, nếu tài sản là bất động sản, ngân hàng bắt buộc phải công khai thông tin ít nhất 15 ngày trước khi tiến hành thu giữ. UBND và Công an cấp xã nơi có tài sản sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, đồng thời chứng kiến và lập biên bản nếu người vay không hợp tác. Việc này nhằm ngăn ngừa hành vi cưỡng chế trái phép, đảm bảo tính minh bạch và khách quan.

Liên quan đến trường hợp tài sản bảo đảm cho khoản vay ngân hàng bị kê biên để thi hành án, Điều 198b quy định: nếu người vay đang phải thi hành án dân sự mà tài sản đã thế chấp cho ngân hàng, thì việc xử lý tài sản này sẽ tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự nếu thuộc một trong ba trường hợp đặc biệt, bao gồm: (1) hợp đồng bảo đảm được ký sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tức ngân hàng nhận thế chấp sau khi người vay đã bị Tòa tuyên án, (2) thi hành án liên quan đến cấp dưỡng hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe sẽ được ưu tiên xử lý trước, (3) có sự đồng ý bằng văn bản của ngân hàng hoặc tổ chức xử lý nợ - nếu ngân hàng đồng ý, cơ quan thi hành án mới có thể kê biên và xử lý tài sản đó.

Trường hợp tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ án hình sự nhưng không còn cần giữ lại làm chứng cứ, Điều 198c nêu rõ ngân hàng có thể đề nghị được nhận lại tài sản để tiếp tục xử lý nợ. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là phải có thỏa thuận rõ trong hợp đồng rằng ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm; cơ quan tố tụng xác định việc trả lại không ảnh hưởng đến quá trình điều tra hoặc xét xử.

Gỡ “cục máu đông” nợ xấu, mở đường tín dụng

Khi nền kinh tế đang kỳ vọng vào một chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ hậu suy giảm, hệ thống ngân hàng lại đối mặt với một điểm nghẽn lớn: nợ xấu phình to và dai dẳng.

Chỉ tính riêng quý I/2025, tổng nợ xấu nội bảng từ các khoản cho vay khách hàng của 27 ngân hàng niêm yết đã vượt mốc 265.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 2,16%, tăng mạnh so với mức 1,92% của quý IV/2024. Một số ngân hàng thậm chí đã ghi nhận tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3%.

Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 được đặt ở mức 8%, với định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 16%. Theo số liệu mới nhất của NHNN, đến ngày 18/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống mới tăng 7,14%, cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ “vừa chạm” một nửa so với mục tiêu đề ra. Muốn đạt mục tiêu tín dụng trong 6 tháng còn lại, việc khơi thông nguồn vốn đang bị “kẹt” bởi nợ xấu là yêu cầu cấp thiết.

Với quyền thu giữ tài sản bảo đảm được luật hóa, các ngân hàng sẽ có thêm công cụ pháp lý vững chắc để xử lý nhanh tài sản gắn với các khoản vay quá hạn, đặc biệt là những tài sản vốn phức tạp về pháp lý như bất động sản chưa hoàn công, ô tô đã chuyển nhượng, hoặc máy móc thiết bị di động.

Trước đây, việc xử lý các loại tài sản này phụ thuộc vào sự hợp tác của người vay hoặc phải khởi kiện ra tòa, vừa tốn thời gian, vừa tiềm ẩn rủi ro pháp lý. Nay, với quy định rõ ràng về trình tự thu giữ và sự chứng kiến của chính quyền địa phương, ngân hàng có thể rút ngắn chu kỳ xử lý nợ, biến tài sản “đóng băng” thành vốn quay vòng, thu hồi nợ nhanh hơn, xóa sổ nợ xấu sớm hơn, từ đó giải phóng nguồn vốn đang bị “kẹt” để tái cấp cho các khoản vay mới.

Về dài hạn, điều này góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện hệ số an toàn vốn và thúc đẩy chu kỳ tín dụng lành mạnh.

Ngân hàng bán lẻ tăng xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro.

Mặc dù luật hóa quyền thu giữ sẽ mang lại lợi ích chung cho toàn hệ thống, nhưng nhóm ngân hàng bán lẻ được đánh giá là những đơn vị hưởng lợi rõ rệt nhất.

Trong báo cáo mới nhất, các chuyên gia của VIS Rating nhận định, các ngân hàng như VIB, ACB, TPBank và VPBank đều có tỷ trọng cho vay cá nhân rất cao, từ 50% đến hơn 80% tổng dư nợ.

Danh mục cho vay này thường gắn với các tài sản bảo đảm như ô tô, bất động sản nhỏ, máy móc thiết bị - vốn dễ rơi vào tình trạng khó thu giữ nếu khách hàng không hợp tác.

Trong khi đó, tỷ lệ nợ có vấn đề tại các ngân hàng này cũng đang ở mức cao. VIB và VPBank ghi nhận trên 5%, TPBank và ACB quanh mức 3 - 3,5%. Vì vậy, việc có được công cụ pháp lý để chủ động xử lý tài sản là bước ngoặt then chốt.

Không dừng lại ở đó, những ngân hàng trên cũng đã chủ động “dọn sạch” bảng cân đối từ trước bằng cách tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Giai đoạn 2022 - 2024, VPBank, TPBank và VIB là những cái tên dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu được xử lý bằng nguồn dự phòng, thậm chí vượt xa mức trung bình ngành. Đơn cử như VPBank, tỷ lệ này tăng vọt từ khoảng 35% (năm 2023) lên gần 60% (năm 2024).

Với hành lang pháp lý mới, các ngân hàng này sẽ có thể phát huy tối đa nguồn dự phòng đã tích lũy, rút ngắn chu kỳ xử lý nợ, tăng tốc tái cấp vốn, đồng thời giảm áp lực trích lập trong tương lai.

TheoKhánh Tú (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global