Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, kết quả kinh doanh khả quan của ngành dệt may trong quý 3/2024 chủ yếu nhờ mùa cao điểm đơn hàng, khi nhu cầu từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu phục hồi mạnh mẽ.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái và 22% so với quý trước. Sự tăng trưởng này không chỉ phản ánh mùa cao điểm truyền thống vào nửa cuối năm mà còn cho thấy giá trị đơn hàng cao hơn đối với bộ sưu tập Thu - Đông.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 32 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2023 và 9,6% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19 (năm 2019). Điều này khẳng định sản lượng tiêu thụ hiện nay đã vượt mức trước dịch, mở ra triển vọng sáng sủa hơn cho ngành.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG công bố doanh thu thuần quý 3/2024 đạt 2,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái và 8,5% so với quý trước. Lợi nhuận ròng đạt 111 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ và 26% so với quý 2/2024. SSI nhận định kết quả này nhờ sự tăng trưởng đơn hàng từ Mỹ và châu Âu, chiếm 80% tổng doanh thu. Đặc biệt, TNG còn mở rộng thành công vào các thị trường xuất khẩu mới, duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Công ty Cổ phần May Sông Hồng (MSH) cũng gây ấn tượng khi ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,75 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ròng 130 tỷ đồng, đánh dấu mức cao kỷ lục sau 10 quý tăng trưởng chậm.
Công ty Cổ phần Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) báo cáo doanh thu thuần đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận ròng 81 tỷ đồng. Đáng chú ý, đơn hàng từ đối tác Hàn Quốc Eland và thị trường Trung Quốc tăng 20% so với cùng kỳ, giúp thúc đẩy doanh thu. Việc mua lại nhà máy SY Vina cũng tạo điều kiện phát triển sản phẩm giá trị gia tăng mới, mở rộng thị trường sang Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trái ngược với các doanh nghiệp may mặc, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) ghi nhận doanh thu thuần 307 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 81,8 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận ròng tăng 392% so với cùng kỳ năm ngoái, đây mới chỉ là sự phục hồi sau khoản lỗ 56 tỷ đồng trong quý 2/2024. Sản lượng tiêu thụ vẫn giảm 24% so với cùng kỳ, do nhu cầu yếu và giá bán sợi nguyên sinh giảm 5,3%. Việc STK phải ngừng hệ thống kiểm tra chất lượng tự động, chuyển sang kiểm tra thủ công, cũng ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Nhìn về dài hạn, các chuyên gia của SSI dự báo rằng ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch đơn hàng ra khỏi Trung Quốc. Các lợi thế bao gồm chi phí lao động thấp hơn, mức thuế xuất khẩu sang Mỹ ưu đãi hơn, và lực lượng lao động có tay nghề cao hơn so với Ấn Độ và Bangladesh.
Dự kiến, chính sách thuế suất mới của Mỹ sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026, tạo cơ hội cho các nhà bán lẻ đẩy mạnh đơn hàng trước khi thuế quan mới có hiệu lực.