![]() |
Những cử chỉ tinh tế, những đúc kết triết lý... của nhà ngoại giao kỳ tài Hồ Chí Minh qua hồi ức và chiêm nghiệm của các nhà ngoại giao kỳ cựu cho thấy tầm vóc và bản sắc của nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.
Theo cuốn Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh (2008) của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh bắt nguồn từ nền tảng tư tưởng chính trị của Người, là một bộ phận hữu cơ trong toàn bộ tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh. Đây là hệ thống các nguyên lý, quan điểm và nhận thức về thời đại, quan hệ quốc tế, cùng đường lối, chiến lược, sách lược và chính sách đối ngoại của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Một nhân cách vĩ đại
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp đã thấy thân thiết”. Học ở Người trước hết là nhân cách “giản dị - lão thực - hiền minh”, sự giản dị tự nhiên của một bậc hiền triết.
Ông cũng nhận định, “sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong ngoại giao đã trở thành huyền thoại”. Câu chuyện Bác Hồ ở Ấn Độ trong ký ức của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên là một ví dụ điển hình.
Nhớ về kỷ niệm làm phiên dịch tiếng Hindi cho Bác năm 1958 khi Người sang thăm Ấn Độ, nhà ngoại giao kỳ cựu chia sẻ niềm tự hào lần đầu tiên được đọc bài diễn văn của Bác đã dịch sẵn sang tiếng Hindi: “Trong cuộc mít tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, các bạn Ấn Độ làm sẵn một cái ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như ngai vàng, rất lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ ngày ấy là Jawaharlal Nehru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Thủ tướng Jawaharlal Nehru mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Bác dứt khoát từ chối.
Thấy vậy, Thủ tướng Jawaharlal Nehru nói: Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi. Chứng kiến điều này, hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Thủ tướng Jawaharlal Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng chiếc khác giản dị hơn. Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường rất cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Trong chuyến thăm có bữa tiệc do Thủ tướng Jawaharlal Nehru chiêu đãi Bác Hồ với món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ thường không dùng thìa, dĩa ăn cơm mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Jawaharlal Nehru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch.
Nhiều tài liệu, hồi ký và lời kể của các chính trị gia, sử gia trong nước và quốc tế đều nói về Bác Hồ là một người tự nhiên, giản dị nhưng tinh tế, lịch thiệp; gần gũi, hòa nhã mà vẫn đầy nguyên tắc và bản lĩnh.
Thật may mắn khi tầm văn hóa trong giao tiếp đối ngoại của Bác tiếp tục được các học trò gần gũi với Người lĩnh hội và phát huy. Nhiều tên tuổi như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Cơ Thạch… đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ngoại giao với bạn bè quốc tế.
Chẳng hạn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được biết đến với phong thái đĩnh đạc, từ tốn và tinh tế trong các cuộc đàm phán quốc tế, đặc biệt là tại Hội nghị Geneva năm 1954. Ông Lê Đức Thọ là nhà thương thuyết tài ba trong đàm phán Hiệp định Paris 1973, với bản lĩnh vững vàng và lập trường kiên định. Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch không chỉ nổi bật với tư duy chiến lược sắc sảo, mà còn nổi tiếng bởi sự mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý quan hệ đối ngoại trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Những người học trò ấy đã góp phần làm rạng danh ngoại giao Việt Nam, mang đậm dấu ấn văn hóa đối ngoại Hồ Chí Minh.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn nghị sĩ Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam ngày 4/5/1957. (Ảnh tư liệu) |
Nguyên tắc nằm lòng
Những “tuyệt kỹ” nằm lòng như “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; “ngũ tri” (biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến), “thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng, chiêng có to tiếng mới lớn”, hay nghệ thuật tạo thời cơ, giành và chớp thời cơ… là những di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho nền ngoại giao Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh, chính những “kim chỉ nam” ấy là “la bàn” giúp người làm ngoại giao vượt qua thử thách, vững vàng tỏa sáng ngày nay.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cho rằng thành công của Hội nghị Paris là minh chứng rõ nét cho việc vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. “Bất biến” là lập trường kiên quyết về những nguyên tắc: tôn trọng quyền dân tộc cơ bản, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, và yêu cầu Mỹ cùng đồng minh rút quân. “Vạn biến” là sự linh hoạt, chủ động, khôn khéo trong lựa chọn phương pháp, hình thức đàm phán, sẵn sàng nhân nhượng những vấn đề thứ yếu để đạt thắng lợi từng bước.
Với bài học “ngũ tri”, theo nhà ngoại giao kỳ cựu, “biết dừng” là khó nhất. Trong đàm phán, việc chọn đúng thời điểm để dừng là yếu tố quyết định: Dừng quá sớm thì thiệt, nhưng nếu đẩy quá căng thì có thể đổ vỡ. Ông dẫn chứng: Tư tưởng của Bác trong kháng chiến chống Mỹ là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Vì vậy, trong Hiệp định Paris, mục tiêu lớn nhất của ta là buộc Mỹ rút quân và chấm dứt can thiệp vào nội bộ Việt Nam. “Điểm rơi đó cực kỳ chính xác, là nhân tố quyết định dẫn đến thắng lợi lịch sử ngày 30/4/1975”, ông khẳng định.
Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng tâm đắc nhận định: Trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay, ngoại giao Việt Nam luôn kiên trì làm theo lời Bác: “Nguyên tắc của ta thì vững chắc, sách lược của ta thì linh hoạt”. Theo tinh thần ấy, Việt Nam không chọn bên, mà chọn lẽ phải – chọn hòa bình, hợp tác, và kiên định giải quyết khác biệt, mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa bình.
Hình ảnh so sánh sinh động của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa “chiêng” và “tiếng chiêng” - giữa thực lực quốc gia và hiệu quả ngoại giao - đã trở thành “trục tọa độ” cho nhiều thế hệ làm công tác đối ngoại soi chiếu. Từ việc linh hoạt vượt qua thế bao vây, cấm vận trước đây đến nỗ lực nâng cao vai trò, vị thế quốc tế ngày nay, tư tưởng ấy vẫn nguyên giá trị. Thành tựu kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện chính là “cái chiêng” lớn, tạo nền tảng để “tiếng chiêng” ngoại giao vang xa. Ngược lại, ngoại giao chủ động, hiệu quả cũng góp phần làm cho “chiêng” thêm vững mạnh.
Thấm đẫm nhân văn
Năm 1923, nhà báo và nhà thơ Liên Xô O. Mandelstam gặp Bác Hồ khi là thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra thứ văn hóa, không phải là văn hóa Á châu mà có lẽ là văn hóa của tương lai... Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Người, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng, tình hữu ái bao la như đại dương”.
Ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc, làm sáng rõ chính sách ngoại giao tâm công. Người từng nói: Đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện những cử chỉ ngoại giao tinh tế, đầy nhân văn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bè bạn quốc tế. Một trong những hình ảnh đáng nhớ là khi Người cởi khăn của mình quàng vào cổ một bạn người Đức bị ho trong chuyến thăm Việt Nam, hay cởi áo khoác cho một tù binh Pháp đang run vì lạnh trong mùa đông Việt Nam. Khi thăm Ấn Độ năm 1958, Bác đã gửi vòng hoa và một cây đào để tưởng nhớ người thân sinh ra Thủ tướng Jawaharlal Nehru, người mà Bác gặp tại Hội nghị quốc tế chống chủ nghĩa thực dân ở Bỉ năm 1927. Cử chỉ ấy khiến Thủ tướng Jawaharlal Nehru xúc động, “Dù chỉ là một việc bình thường, nhưng thể hiện rõ phẩm chất vĩ đại của Hồ Chủ tịch”.
Nhiều nhà báo quốc tế khi đến Việt Nam đều mong muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tài thuyết phục vừa lý trí vừa đầy tình cảm, Bác đã truyền tải thông điệp hòa bình và chính nghĩa của nhân dân Việt Nam qua các phương tiện báo chí. Nhờ đó, thiện chí của Việt Nam đã đến được với những nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới, giúp họ hiểu rõ và tham gia ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Ngoại giao tâm công thấm dần vào văn hóa ngoại giao Việt Nam. Cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng kể rằng, trong chuyến thăm Việt Nam năm 1995, cựu Tổng thống Mỹ George HW Bush rất ngạc nhiên khi suốt chuyến thăm không một người dân nào tỏ thái độ thù địch mà vô cùng thân mật, kể cả những cựu chiến binh. Ông George HW Bush đã hỏi ông Vũ Khoan vì sao như vậy và nhận được câu trả lời rằng: Người Việt Nam kiên định bảo vệ Tổ quốc nhưng khi chiến tranh kết thúc, sẵn sàng “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.
“Thế giới còn đổi thay, nhưng chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”, theo cuốn “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên. Tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh vẫn mãi là sức mạnh, ngọn đuốc soi đường cho ngoại giao Việt Nam qua từng chặng đường. Đó chính là “cẩm nang gối đầu giường” của các thế hệ cán bộ ngoại giao để cùng nhau chạm tới những đỉnh vinh quang mới, đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong đợi của Người.