Thứ 4, 14/05/2025 | English | Vietnamese
02:05:00 PM GMT+7Thứ 3, 13/05/2025
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói, với Nghị quyết số 68 về kinh tế tư nhân thì "lệnh mở đường" đã có nhưng điều khó nhất ở thời điểm hiện tại nằm ở khâu thực thi, tức thể chế hoá Nghị quyết để đi vào cuộc sống.
Cộng đồng doanh nghiệp được truyền cảm hứng
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 là một văn kiện đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa lịch sử đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, Nghị quyết số 68-NQ/TW là bước ngoặt lớn trong quá trình thể chế hóa vai trò của kinh tế tư nhân – một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
“Doanh nghiệp luôn có khát vọng phát triển nhưng đâu đó trong thời gian qua chúng ta nhìn thấy sự chững lại của dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng như người dân. Chính vì điều này nên chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy tiền gửi tiết kiệm cao như vậy, người dân mua vàng và đô la nhiều như vậy”, ông Công khẳng định.
Với Nghị quyết 68, Chủ tịch VCCI thừa nhận, điểm quan trọng nhất của Nghị quyết chính là việc chính thức coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
“Đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt”, ông Công nói.
Theo Chủ tịch VCCI, để huy động được sức dân cho sự phát triển các doanh nghiệp tư nhân thì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch và công bằng là điều kiện tiên quyết.
Vấn đề này cũng đã được đề cập rất rõ trong Nghị quyết 68 với chủ trương "không hình sự hóa các hoạt động kinh tế".
"Hiện tại khuôn khổ pháp lý là rất khắt khe, có thể vi phạm chỉ 10 triệu, 50 triệu về mặt kinh tế cũng đã bị vi phạm luật hình sự rồi thì đương nhiên là bị hình sự hóa", ông Phạm Tấn Công cho hay.
Do đó, việc quy định rất sâu, rất chi tiết về xử lý các vụ án trong Nghị quyết 68 là một bước đột phá lớn.
Cụ thể, Nghị quyết đã nêu rõ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
"Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo".
Hay như: "Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án."
Không chỉ là nêu nguyên tắc, Nghị quyết 68 đưa ra giải pháp về việc sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các vụ việc, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Theo Chủ tịch VCCI, những định hướng, giải pháp này làm cho doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ hào hứng còn cảm thấy an tâm và an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho doanh nghiệp cho cộng sự của mình khi họ đầu tư.
Với Nghị quyết 68, Chủ tịch VCCI khẳng định, lệnh mở đường đã có, khâu khó nhất là tổ chức thực hiện.
“Câu chuyện phát triển kinh tế tư nhân sẽ không chỉ dừng lại với việc ban hành chủ trương mà còn là vấn đề trong tổ chức thực hiện. Trong vấn đề tổ chức thực hiện, đó vai trò của hệ thống chính trị và nhận thức của cán bộ là rất quan trọng, từ việc thể chế hoá chủ trương tới việc thực thi đều rất quan trọng”, Chủ tịch VCCI nói.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và tài Chính của Quốc hội khẳng định Nghị quyết 68 khác với các các chính sách khác về kinh tế tư nhân ở ba khía cạnh đầu tiên là giảm phiền hà, thứ 2 là tăng sự bảo vệ, an toàn của doanh nhân và thứ 3 là khơi thông nguồn lực.
"Tinh thần Nghị quyết có điểm mới là vai trò, vị thế của kinh tế của kinh tế ngày càng được coi trọng và khẳng định. Điều này làm thay đổi tư duy toàn xã hội, thay đổi mọi định kiến về kinh tế tư nhân, bỏ tất cả những gì là tồn dư đối với những người làm kinh tế, kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo ông Hiếu, tinh thần Nghị quyết 68 là giảm sự phiền hà cho doanh nghiệp nói chung, tư nhân nói riêng khi chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, người dân được phép lầm tất cả những điều mà luật pháp không cấm hay chủ trương không hình sự hoá quan hệ kinh tế.
“Quyền tự do kinh doanh không chỉ nằm ở trong xây dựng chính sách mà còn trong thực thi pháp luật của cán bộ, công chức. Việc thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp cũng phải dựa trên nguyên tắc tự do kinh doanh, đầu tiên là doanh nghiệp được quyền kinh doanh bất cứ thứ gì mà luật pháp không cấm thay vì bó hẹp chỉ được kinh doanh những gì pháp luật cho phép”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, Nghị quyết 68 cũng nêu bật, làm rõ, tách bạch hai khái niệm: tài sản, quyền nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân với pháp nhân trong xử lý vi phạm.
“Cái này quan trọng lắm, đôi khi vi phạm của một cá nhân, dù là người đứng đầu nhưng không phải là đại diện, hoặc vi phạm của một doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều cá nhân lạm dụng doanh nghiệp để vi phạm, thì chúng ta phải xử lý nghiêm cá nhân. Nhưng xử lý cá nhân hiện nay vô hình chung ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và hoạt động của doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
01:59:00 PM GMT+7Thứ 3, 13/05/2025
10:14:00 AM GMT+7Thứ 2, 12/05/2025
11:14:00 AM GMT+7Thứ 7, 10/05/2025
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global