Chủ nhật, 20/04/2025 | English | Vietnamese
10:34:00 AM GMT+7Thứ 7, 12/04/2025
Nhấn mạnh không thể lấy đầu tư công làm động lực tăng trưởng dài hạn, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng nguồn lực đầu tư trong dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân.
Chia sẻ tại một sự kiện vừa diễn ra mới đây, GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân, cho biết năm 2024 có thể coi là một năm sôi động với nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ. Khu vực kinh tế thực cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 7,09%, vượt mục tiêu 6 – 6,5% mà Chính phủ đã đề ra, cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.
Trong năm qua, Việt Nam cũng đã tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa ước đạt tới 786,29 tỷ USD, tương đương khoảng 165% GDP. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục lấn át khu vực trong nước với 71,7% tổng kim ngạch xuất khẩu và 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Giá trị gia tăng của khu vực FDI đóng góp vào nền kinh tế còn chưa tương xứng.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp nội địa trong nước còn gặp khó khăn, không tạo ra được sự liên kết với khu vực FDI, để từ đó tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Chính vì vậy, GS.TS Phạm Hồng Chương nhận định mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% năm 2025 và tiến tới cao hơn trong các năm tiếp theo trong bối cảnh hiện nay là mục tiêu đầy thử thách.
Theo ông Chương, để có thể duy trì được mức tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bên cạnh việc phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống thì việc xây dựng một hệ thống thể chế kinh tế và thể chế chính trị phù hợp là hết sức quan trọng.
Ông Chương cho rằng, hệ thống thể chế có tình bao trùm chính là nền tảng quan trọng cho một nền kinh tế thị trường đầy đủ và giúp khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế.
Ông Chương cũng dẫn chứng nghiên cứu từ ấn phẩm "Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024", các chuyên gia nhìn nhận những cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang diễn ra với mức độ khẩn trương chưa từng có. Đặc biệt, ấn phẩm cũng nhận định việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là một thách thức rất lớn, do chịu nhiều tác động từ cả trong nước và quốc tế.
Vì thế, ấn phẩm đã đưa ra nhiều khuyến nghị như phải mở cửa thị trường vốn nhưng vẫn đảm bảo an ninh tài chính, phải mở rộng cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân trong nước, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát. Đồng thời, cần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bàn về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 8%, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng cần phải tập trung vào thúc đẩy các động lực tăng trưởng trong nước, trong đó nguồn lực đầu tư trong dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân.
Vị chuyên gia này cho rằng, chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này. Bên cạnh đó, “cuộc chơi” thương mại tự do đang có sự thay đổi, chính sách thuế quan mới của các nước và sự khó đoán định trong các chính sách thương mại của các nước lớn. Điều này cho thấy Việt Nam đang đối mặt với nhiều rủi ro, do nền kinh tế Việt Nam hướng mạnh tới xuất khẩu.
PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cho biết xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng là ba động lực về phía tổng cầu để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ bị ảnh hưởng.
Vị chuyên gia này lý giải, đối với xuất khẩu khi có chính sách thuế quan mới (dù là trong 90 ngày nữa sau các cuộc đàm phán) thì thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn. Do vậy, động lực xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng kéo theo dòng vốn FDI bị tác động nhất định.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng trong nước trước mắt đến từ tiêu dùng cũng đang bị ảnh hưởng. Hiện nay, bất cập từ thuế TNCN, thu nhập tăng không nhanh, chi phí sinh hoạt tăng cao, giá cả thị trường nhà ở cao... đã hạn chế tiêu dùng. Vì vậy, cần gỡ bỏ nút thắt này để thúc đẩy tăng trưởng từ tiêu dùng trong nước.
Đối với đầu tư tư nhân, hiện nay môi trường đầu tư không dựa trên thời gian từ 1-2 năm, mà dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô, đi kèm chính sách ổn định, thông suốt trong thời gian dài mới thu hút được đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần phải tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, đi kèm là thể chế ổn định trong nhiều năm.
Còn đối với đầu tư công, vị chuyên gia này cho rằng nếu gỡ bỏ các rủi ro về pháp lý, khơi thông các dự án đầu tư công thì sẽ đem lại động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư công sẽ chỉ bù đắp được phần nào tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Theo ông, không thể lấy đầu tư công làm động lực tăng trưởng dài hạn. Nguồn lực đầu tư trong dài hạn phải đến từ khu vực tư nhân chứ không phải khu vực đầu tư công bởi so với nền kinh tế khu vực này rất nhỏ và ngân sách cũng không dồi dào để tài trợ ở mức cao cho các dự án này. Điều đó nghĩa là cần cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch hóa thủ tục pháp lý, tháo gỡ các rào cản hành chính thì mới có thể khơi thông dòng vốn tư nhân và chuyển hóa thành tăng trưởng thực sự.
"Việc đạt được tăng trưởng GDP hai con số hay trên 8% rất thách thức và rủi ro bởi nếu 'ép giải ngân' sẽ khó mang lại hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân”, PGS.TS Phạm Thế Anh cho hay.
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global