VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 12/02/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpNhiều biến số với điều hành chính sách tiền tệ năm 2025

Nhiều biến số với điều hành chính sách tiền tệ năm 2025

09:56:00 AM GMT+7Thứ 4, 12/02/2025

Việc Fed phát đi tín hiệu sẽ giảm tốc độ hạ lãi suất và quan điểm chính sách khó lường từ Chính phủ mới của Mỹ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ trong nước thêm nhiều biến số.

Nhiều biến số với điều hành chính sách tiền tệ năm 2025. Ảnh: Trọng Hiếu

Ngày 18/12/2024, Fed đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống phạm vi 4,25 - 4,50%. Đây là lần thứ ba liên tiếp Fed cắt giảm lãi suất từ tháng 9/2024. Song song, Fed cũng phát đi tín hiệu sẽ giảm tốc độ hạ lãi suất trong thời gian tới và dự kiến chỉ tiến hành 2 đợt cắt giảm lãi suất, để đưa lãi suất chuẩn về phạm vi 3,75 - 4,0% vào cuối năm 2025.

Ngay sau quyết định của Fed, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng 1,3% - chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 là 108,26.

Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận rằng: “Dự báo lạm phát cuối năm của Fed đã gần như sụp đổ hoàn toàn".

Sau gần 4 năm không đạt được mục tiêu lạm phát 2%, các quan chức Fed nhận ra họ cần nhiều thời gian hơn dự kiến. Hệ quả là Fed đã giảm mạnh kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm tới. Ông Powell nhấn mạnh rằng mọi điều chỉnh chính sách sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào tiến triển kiểm soát giá cả.

Quan điểm của Fed sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ Việt Nam trong thời gian tới sau một thời gian khá dài duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.

Tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2025 mới đây, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, mặt bằng lãi suất có nhiều sức ép tăng trong thời gian tới. Nhiều yếu tố bất trắc, khó dự báo trong thời gian tới có khả năng gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ như quan điểm chính sách khó lường từ Chính phủ mới của Mỹ; lạm phát giảm chưa bền vững và tiềm ẩn áp lực tăng trong bối cảnh độ mở nền kinh tế Việt Nam rất lớn.

Tuy nhiên, ngược chiều quan điểm của Fed, trong tháng 11/2024, kinh tế thế giới ghi nhận làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng tại các nền kinh tế phát triển, cho thấy tín hiệu rõ ràng hơn về sự thay đổi ưu tiên của các ngân hàng trung ương (NHTW), từ kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng.

Như, NHTW New Zealand (RBNZ) và NHTW Thụy Điển (Riksbank) đã dẫn đầu xu hướng nới lỏng khi giảm mạnh 50 điểm cơ bản, nhằm kích thích tăng trưởng trong bối cảnh áp lực giảm phát gia tăng; NHTW Anh (BoE) cũng tiến hành cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, phù hợp với kỳ vọng thị trường, với mục tiêu hỗ trợ tiêu dùng và đầu tư nội địa.

Tổng mức cắt giảm lãi suất tính đến cuối tháng 11/2024 của nhóm G10 đạt 650 điểm cơ bản. Trong tháng 12, 6 ngân hàng trung ương lớn bao gồm Canada, Úc, Mỹ, Nhật Bản, Anh và châu Âu sẽ tổ chức các cuộc họp chính sách quan trọng. Thị trường đang đặt kỳ vọng NHTW Canada (BoC) và NHTW châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục giảm thêm 25 điểm cơ bản để hỗ trợ tăng trưởng.

Về phía áp lực chính sách tiền tệ trong nước năm 2025, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Kinh tế cho rằng, không có nhiều áp lực vì bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước sẽ không có nhiều biến động lớn.

Về áp lực tỷ giá, ông Nghĩa cho rằng, chính quyền của ông Trump vừa muốn giảm lãi suất đồng USD nhưng vẫn muốn duy trì việc đồng USD tăng giá. Điều này có thể khiến đồng USD duy trì quanh mức 100 và áp lực lạm phát từ bên ngoài vào trong nước là không lớn. Trong khi đó, thặng dư thương mại tiếp tục duy trì khả qua trong năm 2025 cũng sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá trong nước.

Về lãi suất VND, ông Nghĩa cho rằng cũng không có nhiều áp lực tăng. Dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 là khoảng 16%, tuy nhiên vòng quay của tiền vẫn rất chậm (chỉ khoảng 0,4), trong khi đó chưa có lĩnh vực nào hứa hẹn bứt tốc hoặc có sự đột phá trong năm tới nên áp lực lên chính sách tiền tệ là không quá lớn.

Duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, NHNN tiếp tục duy trì lãi suất điều hành ở mức thấp để định hướng thị trường giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Mặt bằng lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM đã giảm 0,59 điểm % so với năm 2023.

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ năm 2024 chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, đồng USD quốc tế tăng mạnh cộng hưởng với những yếu tố khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng duy trì mức âm và cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong nhiều giai đoạn.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2024 được cải thiện so với năm trước. Đến ngày 31/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 15,08% so với cuối năm 2023, tương đương hơn 2,1 triệu tỷ đã được bơm vào nền kinh tế, tổng tín dụng lưu hành hiện nay đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng.  Tỷ giá USD đến cuối năm 2024 biến động khoảng 5,03% - diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ năm 2025, Phó Thống đốc cho biết, 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu cho năm 2025, đó là tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (đạt khoảng 8%) trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (bình quân khoảng 4,5%), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung cao độ cho việc bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; cải cách, tinh gọn bộ máy, thủ tục hành chính; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số,... đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đổi mới sáng tạo, tạo đột phá phát triển đất nước trong tình hình mới, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn phức tạp, thách thức và thuận lợi đan xen, Phó Thống đốc nhấn mạnh, toàn ngành Ngân hàng tập trung hoàn thành thực hiện việc rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của NHNN theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII;

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được tiếp tục triển khai.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng.

TheoĐình Vũ (Tạp chí điện tử Nhà đầu tư)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global