VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 28/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpNhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tìm hiểu thị trường Pháp

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tìm hiểu thị trường Pháp

04:05:00 PM GMT+7Thứ 5, 24/10/2024

Trong khuôn khổ Tuần lễ hàng Việt Nam tại Pháp, một buổi hội thảo xúc tiến thương mại và giao lưu doanh nghiệp đã được tổ chức tại trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris.

Đại điện CCI Paris chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh tại Pháp. Ảnh: Nguyễn Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Sự kiện do Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công Thương, phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris, và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam và nhiều đối tác Pháp.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Tp.Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng trong nửa thế kỷ qua, mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp luôn nồng ấm và tin cậy, ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực như ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa...

Mới đây vào đầu tháng 10/2024 vừa qua, trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đưa Pháp trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) có mối quan hệ đặc biệt này với Việt Nam.

Đây là dấu mốc quan trọng để hai nước cùng nhau điểm lại những thành tựu hợp tác mà hai bên đã đạt được, đồng thời xây dựng lộ trình đồng hành, kết nối cùng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam gặp gỡ trao đổi cơ hội làm ăn. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông Trần Phú Lữ cho biết với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thị trường Pháp hứa hẹn nhiều tiềm năng và dư địa hoạt động cho doanh nghiệp Việt Nam.

Với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư của Tp.Hồ Chí Minh, ITPC luôn chủ động phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), tổ chức cho đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia kết nối với các doanh nghiệp Pháp tạo cơ hội giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của mình.

Ông hy vọng thông qua hội nghị kết nối giao thương này, sẽ có nhiều doanh nghiệp Pháp biết đến các sản phẩm có chất lượng của Việt Nam qua đó thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều. Bên cạnh đó, việc cùng trao đổi cởi mở, tìm hiểu rõ hơn nhu cầu, năng lực của nhau, sẽ giúp các đối tác tiến tới thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững.

Ông khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng, với một thị trường năng động đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa phát triển như Pháp, trong thời gian tới nhiều doanh nghiệp của Việt Nam và Pháp sẽ tìm được nhiều cơ hội hợp tác, góp phần vun đắp quan hệ 'Đối tác chiến lược toàn diện' của Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu thực chất và hiệu quả".

Để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu sâu hơn thị trường Pháp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (CCI Paris) đã giới thiệu tình hình thị trường, nhu cầu cũng như yêu cầu của các doanh nghiệp ở nước này.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng gặp gỡ với các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Ông Bernard Quinet, Trưởng phòng hỗ trợ kết nối doanh nghiệp của CCI Paris, đã hướng dẫn để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập tốt vào thị trường nước sở tại và trao đổi thương mại với các đối tác Pháp, cung cấp cho họ các con số, dữ liệu cụ thể, chia sẻ các kinh nghiệm và văn hóa kinh doanh cũng như phương pháp tiếp cận hiệu quả các đối tác Pháp. Theo ông, để kinh doanh thành công ở thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược hoặc kế hoạch dài hạn.

Ông cho rằng: "Pháp không phải là nơi chỉ đến 1-2 lần để thử xong thôi, mà cần phải có kế hoạch đầu tư lâu dài vì các doanh nghiệp Pháp rất đề cao chữ tín và sự chung thủy trong quan hệ làm ăn. Do đó doanh nghiệp Việt Nam cần có quyết tâm cao và một kế hoạch làm ăn lâu dài ở thị trường này. Bên cạnh đó, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đáp ứng yêu cầu của đối tác mua hàng và thích ứng với thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về mẫu mã và thành phần và chất lượng các sản phẩm để có thể nhập khẩu vào thị trường châu Âu".

Sau buổi hội thảo xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam đã trực tiếp gặp gỡ trao đổi với các đối tác Pháp trong nhiều lĩnh vực ngành hàng khác nhau như trà thảo dược, nấm thực phẩm, giàn giáo xây lắp... với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu của khách hàng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp toàn cầu và đẩy mạnh xuất khẩu.

Mặc dù vẫn lo lắng về năng lực cạnh tranh so với các đối tác khác như Trung Quốc, các doanh nghiệp vẫn tin rằng các sản phẩm chất lượng cao của họ sẽ có thể đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và củng cố được chỗ đứng của mình ở Pháp, vốn được coi là cửa ngõ để từ đó có thể thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường châu Âu.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng gặp gỡ với các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Chứng kiến sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chơ quốc tế SIAL Paris 2024, cũng như ở hội thảo xúc tiến thương mại này tại CCI Paris, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự năng động của các đơn vị xúc tiến thương mại trung ương và địa phương.

Đại sứ tin rằng với những tiềm năng thị trường hiện nay cùng sự năng động và chủ động của các doanh nhân Việt Nam, và cả những điều kiện thuận lợi do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đem lại, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thiết lập được quan hệ đối tác bền vững tại Pháp và châu Âu.

Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại châu Âu với tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,8 tỷ USD, gấp 1,5 lần năm 2013 - thời điểm Việt Nam - Pháp nâng quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược. Trong 8 tháng tính từ đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Pháp đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2023, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,23 tỷ USD và nhập khẩu từ Pháp đạt 1,18 tỷ USD.

Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp phong phú, đa dạng, là các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh và được hưởng cam kết ưu đãi thuế quan trong Hiệp định EVFTA như: giày dép, dệt may, đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thủy sản; hàng mây tre đan...

Trong khi đó, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó, dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao. Hiệp định EVFTA đã trở thành cầu nối giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư song phương theo hưởng ngày càng cân bằng hơn.

Về hoạt động đầu tư, Pháp hiện đứng thứ ba trong số các nước châu Âu đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 16/114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu trong những lĩnh vực thế mạnh của Pháp như viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y dược, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, nông nghiệp chất lượng cao... là những lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và thu hút đầu tư, hợp tác kinh tế nước ngoài của Việt Nam.

TheoThu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global