VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 5, 26/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpNhiều văn bản quy phạm pháp luật trong ngành y tế 'rất khó, lượng hóa không phải dễ'

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong ngành y tế 'rất khó, lượng hóa không phải dễ'

10:51:00 AM GMT+7Thứ 4, 25/12/2024

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoạch định chính sách là công việc lớn, vĩ mô đối với sự phát triển của ngành y tế, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số kết quả mà ngành đạt được mới là bước đầu. Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa đến công tác này.

 
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong ngành y tế 'rất khó, lượng hóa không phải dễ'- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoạch định chính sách là công việc lớn, vĩ mô đối với sự phát triển của ngành y tế, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa đến công tác này - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Sáng nay (24/12), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 để tổng kết, đánh giá việc triển khai công tác y tế năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế những tình cảm chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thành tựu đáng tự hào nhất năm 2024 trong khám, chữa bệnh

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, trong những năm qua, ngành y tế đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều thành tựu. Bộ Y tế đã đạt và vượt toàn bộ 3/3 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (số bác sĩ trên 10.000 dân ước đạt 14, chỉ tiêu Quốc hội giao là 13,5; số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 34, chỉ tiêu là 32,5; tỉ lệ tham gia BHYT đạt 94,1%, chỉ tiêu là 94,1%); đạt và vượt 8/9 chỉ tiêu cụ thể được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01-NQ/CP năm 2024.

Bộ Y tế có bước tiến vượt bậc, đáng ghi nhận trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách. Phó Thủ tướng dẫn chứng, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong ngành y tế 'rất khó, lượng hóa không phải dễ'- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"; triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030 - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Bộ Y tế cũng đã nỗ lực, kịp thời ban hành nhiều văn bản, chính sách để xử lý các vấn đề bức xúc của ngành, như mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế…

Nhiều chủ trương, định hướng cho phát triển ngành y tế trước mắt và lâu dài được ban hành như chiến lược, quy hoạch ngành y tế đến năm 2030.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, đã ổn định tình hình, khắc phục tâm lý hay những hệ lụy do ảnh hưởng hậu COVID-19. Đã có cách tiếp cận khả thi trong xử lý một số vấn đề tồn đọng trong ngành y tế. Tổ chức bộ máy y tế tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn. Bộ Y tế cũng có bước tiến trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được các thành tựu rất đáng tự hào. Phó Thủ tướng cho biết, ông có hỏi Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên về thành tựu tự hào nhất năm 2024 trong khám, chữa bệnh là gì, thì được trả lời là ca ghép đồng thời tim-gan trên một bệnh nhân.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong ngành y tế 'rất khó, lượng hóa không phải dễ'- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, nhất là trong xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách y tế, bởi chăm sóc, bảo vệ sóc khỏe nhân dân là sự nghiệp chung, chứ không chỉ của ngành y tế - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, mặc dù có nhiều cố gắng, ngành y tế vẫn còn có một số điểm hạn chế, như việc xây dựng, hoàn thiện một số chính sách còn chậm. Nếu một văn bản hướng dẫn, một công điện mà ban hành chậm thì có thể cả hệ thống ách tắc, Phó Thủ tướng cho rằng, một số việc thuộc thẩm quyền của Bộ bị chậm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp giải quyết. Mạng lưới y tế ngày càng bao phủ rộng khắp nhưng ở một số vùng, người dân còn khó tiếp cận, như vùng sâu, vùng xa… Cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành vẫn còn bất cập.

Định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập Nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đây cũng là năm mà chúng ta tập trung thực hiện 3 công việc lớn là chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tiến hành sắp xếp, tinh gọn bộ máy và bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đạt mức tăng trưởng trên 7%.

Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp mà Bộ Y tế đề ra, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị tập trung vào một số nội dung. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoạch định chính sách là công việc lớn, vĩ mô đối với sự phát triển của ngành, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Một số kết quả mà ngành đạt được trong lĩnh vực này mới là bước đầu. Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa đến công tác này. Việc triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật BHYT còn đặt ra nhiều vấn đề, Bộ Y tế cần hoàn thành đúng tiến độ các văn bản quy định chi tiết thi hành 2 luật này.

Còn nhiều luật, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng trong ngành y tế đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo vệ sức khỏe người dân còn ở phía trước, "có nhiều cái rất khó, lượng hóa không phải dễ". Phó Thủ tướng lấy ví dụ như việc xây dựng Luật Dân số, chúng ta lượng hóa việc phát triển dân số như thế nào, làm sao bảo đảm chất lượng dân số, đạt mức sinh thay thế… Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phải trên tinh thần đổi mới tư duy, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong ngành y tế 'rất khó, lượng hóa không phải dễ'- Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát động phong trào thi đua yêu nước ngành y tế với khẩu hiệu: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển"; kêu gọi, động viên và đề nghị nhân viên y tế "Tận tâm vì người bệnh, trách nhiệm với cộng đồng, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ" - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Giải quyết dứt điểm tình trạng chậm hồ sơ cấp đăng ký lưu hành thuốc

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả"; triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030.

Theo dõi sát tình hình các loại dịch bệnh; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Bảo đảm đủ vaccine và tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm. Chú trọng nâng cao y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tài chính y tế, trong đó, dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng; thực hiện quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; đẩy mạnh xã hội hoá, huy động hiệu quả các nguồn lực; thực hiện lộ trình tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Tích cực thực hiện chuyển đổi số ngành y tế, làm sao phấn đấu đạt tỉ lệ cao hơn, từ số hóa hồ sơ, y tế điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm… Triển khai hiệu quả chủ trương về dân số phát triển, bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế.

"Các đồng chí đã hết sức cố gắng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm sát sao, cùng bộ, ngành y tế xử lý nhiều việc, cả vĩ mô và cụ thể, đồng thời mong đợi các đồng chí cố gắng hơn nữa trong tổ chức thực hiện công việc, trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế", Phó Thủ tướng nói và đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng hồ sơ bị chậm, đặc biệt là hồ sơ cấp đăng ký lưu hành thuốc, mỹ phẩm, thiết bị y tế, cấp phép hoạt động hành nghề…

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, nhất là trong xây dựng, tổ chức thực hiện thể chế, chính sách y tế, bởi chăm sóc, bảo vệ sóc khỏe nhân dân là sự nghiệp chung, chứ không chỉ của ngành y tế, rất nhiều việc đòi hỏi sự phối hợp trong xử lý.

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong ngành y tế 'rất khó, lượng hóa không phải dễ'- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã phát động phong trào thi đua yêu nước ngành y tế với khẩu hiệu: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển".

Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi, động viên và đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ý thức được tinh thần trách nhiệm "Tận tâm vì người bệnh, trách nhiệm với cộng đồng, sáng tạo trong công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

TheoBáo Chính phủ
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global