VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 4, 27/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpNHNN gặp khó khăn kiểm soát DN ngoài ngành sở hữu chéo ngân hàng

NHNN gặp khó khăn kiểm soát DN ngoài ngành sở hữu chéo ngân hàng

09:25:00 AM GMT+7Thứ 7, 26/10/2024

Theo báo cáo của NHNN, việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng với ngân hàng gặp nhiều khó khăn do các bên liên quan cố tình che giấu, lách luật.

Tính đến ngày 24/10/2024, đã có 23/27 ngân hàng công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Các ngân hàng chưa công bố danh sách này gồm có Bắc Á Bank, SaigonBank, Sacombank, và NCB.

Việc công bố thông tin - gồm thông tin cá nhân, tỷ lệ sở hữu, thông tin về người có liên quan và tỷ lệ sở hữu của người liên quan – của cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ của ngân hàng nằm trong quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. Đây cũng là một trong những hướng đi giúp giảm thiểu tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng – vấn đề nhức nhối của ngành ngân hàng thời gian qua.

Bên cạnh Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, những năm qua, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệu triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định cùng với quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD).

Nhờ đó, sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng (TCTD), TCTD và doanh nghiệp theo báo cáo của TCTD qua xử lý đã giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đây. Ngoài ra, tình trạng sở hữu cổ phần của ngân hàng thương mại tại một TCTD khác vượt tỷ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết tại TCTD khác cũng được khắc phục, sở hữu cổ phần của TCTD tại TCTD khác (một chiều) giảm.

Song, NHNN cũng thừa nhận vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn và khe hở của pháp luật khiến các cổ đông có thể lợi dụng để lách luật nhằm chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đầu tiên, việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được việc tra cứu thông tin cũng như xác định độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.

Nhiều cổ đông có thể lợi dụng kẽ hở để lách luật nhằm chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Chưa kể, sở hữu chéo liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, tuy nhiên, đối tượng quản lý của NHNN chỉ là các tổ chức tín dụng nên việc sở hữu giữa các công ty trong lĩnh vực khác NHNN không có thông tin cũng như công cụ để kiểm soát.

“Việc kiểm soát sở hữu chéo giữa các công ty ngoài ngành với ngân hàng rất khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đúng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch. Đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật”, báo cáo của NHNN chỉ ra.

NHNN cũng lưu ý rằng, một số tổ chức tín dụng có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, nhưng cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Mặt khác, quy định pháp luật hiện nay không có quy định về khái niệm đầu tư chéo, trong quá trình hoạt động các TCTD phải tuân thủ quy định của pháp luật (bao gồm cả việc cấp tín dụng, đầu tư, góp vốn, sở hữu cổ phần,...). Hiện nay, một số TCTD cấp tín dụng (cho vay, đầu tư...) đối với cổ đông (tổ chức, cá nhân) và người liên quan của cổ đông. Tuy nhiên, quy định của pháp luật không cấm trường hợp TCTD cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan nếu tuân thủ quy định.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của TCTD và qua công tác thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần của TCTD, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn... Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo TCTD xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.

Đồng thời, nhà điều hành cho biết tiếp tục đưa nội dung thanh tra hoạt động chuyển nhượng, sở hữu cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối TCTD cũng như tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm triển khai Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

TheoKhánh Tú (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global