Chủ nhật, 24/11/2024 | English | Vietnamese
09:44:00 AM GMT+7Thứ 5, 21/11/2024
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), cùng VietnamFinance điểm lại một số đóng góp nổi bật của những doanh nhân “nặng lòng” với giáo dục.
Trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục không còn là “công việc” riêng của Nhà nước mà còn ghi nhận sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế tư nhân. Những doanh nhân tâm huyết với công cuộc “trồng người” đang thổi một làn gió mới vào hệ thống giáo dục Việt Nam, mang đến những sự lựa chọn học tập đa dạng và chất lượng cao cho người học, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền giáo dục nước nhà.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), cùng VietnamFinance điểm lại một số dấu ấn của các doanh nhân trong hành trình đổi mới giáo dục.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FPT vốn là một người “nặng lòng” với giáo dục.
Bản thân ông Bình từng có nhiều năm gắn bó với con đường học thuật trước khi dấn thân vào thương trường. Sở hữu tấm bằng Tiến sĩ Toán – Lý danh giá của Đại học Moskva (Nga), ông Trương Gia Bình bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một cán bộ nghiên cứu tại Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1991, ông được phong tặng danh hiệu Phó Giáo sư năm 1991.
Chuyển hướng sang kinh doanh năm 1988, ông Bình cùng các kỹ sư và nhà khoa học khác sáng lập Công ty Công nghệ Thực phẩm, khởi nguồn cho sự ra đời của Tập đoàn FPT - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay
Tuy nhiên, khác với nhiều doanh nhân xuất thân từ nghề giáo chuyển hướng hoàn toàn sang kinh doanh, Chủ tịch Trương Gia Bình luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục. Ông được biết đến là người góp công lớn trong việc thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội) vào năm 1995, biến nơi đây trở thành một trong những địa chỉ đào tạo MBA có tiếng tại Việt Nam.
Trong hành trình phát triển của FPT, Tập đoàn này cũng tham gia vào lĩnh vực giáo dục từ rất sớm. Năm 1999, doanh nghiệp thành lập Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế FPT Aptech, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng ngành công nghiệp sôi nổi của Việt Nam đầu những năm 2000. Một năm sau, FPT Arena Multimedia ra đời, là đơn vị tiên phong đào tạo và đặt khái niệm về Multimedia – mỹ thuật đa phương tiện tại Việt Nam.
Năm 2006, ông Trương Gia Bình tiếp tục khẳng định tâm huyết với giáo dục khi cùng doanh nghiệp của mình sáng lập Đại học FPT - ngôi trường đại học tư thục đầu tiên tại Việt Nam, nơi ông đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT.
Đến nay, Tổ chức Giáo dục FPT đã mở rộng từ tiểu học, trung học đến cao đẳng, đại học và sau đại học. Với mạng lưới liên kết quốc tế và các chương trình đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp, tổ chức này đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần định hình thị trường lao động Việt Nam.
Không chỉ là người dẫn dắt, ông Trương Gia Bình còn trực tiếp đứng lớp giảng dạy các môn như Nghệ thuật lãnh đạo, Văn hóa doanh nghiệp – tiếp tục sứ mệnh của một người thầy.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vingroup không chỉ được biết đến với tư cách là người giàu nhất Việt Nam mà còn nổi tiếng với tâm huyết dành cho nền giáo dục nước nhà.
Năm 2013, ông Vượng cùng Tập đoàn Vingroup cho ra mắt thương hiệu Vinschool, hệ thống giáo dục liên cấp từ bậc mầm non đến Trung học phổ thông, hoạt động phi lợi nhuận, với tầm nhìn xây dựng một ngôi trường Việt Nam mang đẳng cấp quốc tế. Được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, chất lượng giáo viên và chương trình học, Vinschool hiện đã trở thành hệ thống giáo dục tư thục lớn nhất Việt Nam với 54 cơ sở trên phạm vi cả nước và gần 48.000 học sinh.
Không chỉ nổi bật về quy mô, Vinschool còn là đơn vị tiên phong trong quá trình đổi mới chương trình, triết lý giáo dục tại Việt Nam. Đây là đơn vị được Bộ Giáo dục cấp phép thực hiện chương trình tích hợp đổi mới theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP và cũng là ngôi trường duy nhất có hai lần được Bộ Giáo dục cấp bằng khen về đổi mới giáo dục.
Sau thành công với mô hình giáo dục phổ thông liên cấp, năm 2018, Tập đoàn này tiếp tục tham gia lĩnh vực giáo dục đại học với thương hiệu Đại học VinUni. Đây là trường đại học tư thục phi lợi nhuận của Việt Nam được xây dựng theo các chuẩn mực quốc tế.
Theo đó, toàn bộ 100% lợi nhuận thu được dành cho các hoạt động tái đầu tư để liên tục nâng cấp, phát triển hệ thống nhằm bồi dưỡng nhân tài cho công cuộc phát triển đất nước. Ngôi trường này còn sẵn sàng cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho các sinh viên nghèo tài năng với tuyên bố “đây không phải là đại học của người giàu mà là của người tài”.
Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tài tài trợ cho VinUni lên 6.500 tỷ đồng, bao gồm 3.500 tỷ chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và 3.000 tỷ dành để cấp học bổng tài năng, hỗ trợ tài chính cho sinh viên cũng như bù lỗ vận hành 10 năm đầu tiên.
Từ một “nữ tướng” trong ngành tài chính ngân hàng đến người tiên phong trong cuộc cách mạng làm sữa tươi, sữa sạch, bà Thái Hương, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn TH cũng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực giáo dục. TH School, ra đời ngày 15/2/2017, là trường quốc tế đầu tiên do người Việt sáng lập. Đây cũng là TH School ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam lan tỏa mô hình Hạnh phúc nổi tiếng ở Harvard.
Được biết, ý tưởng thành lập TH School xuất phát từ chính bản năng làm mẹ của nhà sáng lập Tập đoàn TH: “Như bao người mẹ, tôi muốn con mình có môi trường giáo dục đầy đủ và phát huy mọi kỹ năng. Hành trình của TH School khởi đầu từ đó”.
Cơ sở TH School đầu tiên được xây dựng trên diện tích gần 20.000 m2 tại phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội, với quy mô đào tạo 2.000 học sinh. Bắt đầu tuyển sinh, đi vào hoạt động trong niên khóa 2017 – 2018, TH School xây dựng theo mô hình liên thông từ hai tuổi đến hết phổ thông trung học. Năm 2019, trường khai giảng cơ sở thứ 2 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích gần 50.000 m2, với quy mô đào tạo là 3.000 học sinh. Giai đoạn 2020 – 2021, kế hoạch mở rộng của TH School bị gián đoạn do những tác động của dịch Covid-19. Phải đến năm 2022, hệ thống mới khai giảng cơ sở thứ 3 tại TP Vinh, Nghệ An.
Ngoài những thay đổi căn bản về cách dạy, cách học, TH School còn đưa ra cách tiếp cận mới về nâng cao thể chất, tức là phải đưa dinh dưỡng học đường vào trường học, ngay ở lứa tuổi mầm non. Theo đó, để đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện cả trí lực lẫn thể lực, TH School của bà Thái Hương đưa Giáo dục dinh dưỡng vào chương trình chính thức với hệ thống phòng Công nghệ dinh dưỡng hiện đại cùng các hoạt động giáo dục thể chất chiều sâu.
Tương tự Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group) xuất phát là dân kỹ thuật và đi lên từ nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Năng từng có thời gian giảng dạy tại chính ngôi trường mà mình theo học. Do gặp một số khó khăn, năm 1993, ông rời bục giảng và chuyển sang công tác tại Viện Cơ điện nông nghiệp và Chế biến nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước khi bước chân vào con đường kinh doanh.
Sau một quá trình đảm nhiệm vị trí “làm công ăn lương” tại nhiều doanh nghiệp khác nhau, năm 2007, ông Hồ Xuân Năng được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đá ốp lát cao cấp Vinaconex, tiền thân của Công ty CP Vicostone ngày nay. Đây cũng là nơi làm nên tên tuổi của ông Hồ Xuân Năng và đưa vị doanh nhân sinh năm 1964 này vào danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán.
Dù vậy, ước mơ làm giáo dục và khoa học dường như chưa bao giờ tắt trong lòng vị doanh nhân này. Ngay từ những năm 2008- 2009, ông Hồ Xuân Năng đã dự định đầu tư vào một trường Đại học. Tuy nhiên, thời điểm đó khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, cộng thêm việc Vicostone đang đầu tư vào thị trường Mỹ, nên ông đành gác lại dự định này.
Năm 2015-2016, ông Năng trở lại thực hiện ước mơ với thương vụ mua lại 35% cổ phần của Trường Đại học Thành Tây. Cuối năm 2017, sau khi Phenikaa Group giành được quyền kiểm soát, ngôi trường này được đổi tên thành Trường Đại học Phenikaa, mở ra nhiều khoa đào tạo mới.
Với sự dẫn dắt của ông Hồ Xuân Năng, xuất thân là một nhà khoa học, Đại học Phenikaa - ngôi trường vận hành theo hướng dạy nghề - đã được định hướng lại, phát triển với mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, Đại học Phenikaa được đầu tư 1.600 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, các trang thiết bị giảng dạy, với gần 100 phòng thực hành/phòng thí nghiệm. Từ một ngôi trường đại học tư thục với chỉ vỏn vẹn 5 ngành đào tạo, đến nay, Phenikaa giảng dạy 55 ngành/chương trình đào tạo.
Tháng 4/2022, sau khi Đại học Phenikaa phát triển ổn định, Tập đoàn Phenikaa của ông Hồ Xuân Năng chính thức giới thiệu Trường Phổ thông Liên cấp Phenikaa, tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái giáo dục.
Trong khi nhiều ông lớn chỉ xem giáo dục là chỉ là “nghề tay trái”, đối với ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Phát triển Nguyễn Hoàng (Nguyễn Hoàng Group), con đường của ông là "con đường làm giáo dục".
Khởi nghiệp vào năm 1999 chỉ với một cửa hàng máy tính nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoàng Group của ông Hoàng Quốc Việt khi đó tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt với mô hình "bệnh viện máy tính" đầu tiên tại Việt Nam.
Chính quyết định chuyển hướng sang giáo dục đã thay đổi hoàn toàn vận mệnh của doanh nghiệp này. Năm 2008, Nguyễn Hoàng Group thành lập trường hội nhập quốc tế iSchool đầu tiên tại Rạch Giá, Kiên Giang, khởi đầu cho chuỗi thành công liên tiếp khi mô hình này nhanh chóng lan rộng đến các tỉnh thành khác như An Giang, Long An, Quy Nhơn, Nha Trang...
Sự đột phá thực sự đến vào năm 2015, khi ông Việt cùng Nguyễn Hoàng Group bước vào một loạt thương vụ M&A đình đám. Tập đoàn lần lượt mua lại cổ phần của Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Đại học Gia Định, Đại học Hoa Sen, và Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu. Cùng với đó, NHG thành lập các thương hiệu giáo dục quốc tế nổi bật như UK Academy (UKA), Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA), và hệ thống mầm non Saigon Academy (SGA). Đến nay, Tập đoàn này sở hữu một hệ sinh thái giáo dục đa dạng, trải dài từ mầm non đến bậc tiến sĩ, với 60 cơ sở trên khắp 24 tỉnh thành.
Không chỉ dừng lại ở việc sở hữu các cơ sở giáo dục, NHG còn xây dựng một tham vọng lớn hơn: mô hình "thành phố giáo dục quốc tế". Năm 2018, tập đoàn khởi công dự án đầu tiên tại Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư hơn 1.078 tỷ đồng, trên diện tích gần 90.400 m². Sau đó, các dự án tương tự tại Huế, Bạc Liêu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hội An, và Đắk Lắk lần lượt được lên kế hoạch triển khai. Ý tưởng này không chỉ thể hiện khát vọng mở rộng mà còn là dấu ấn của tầm nhìn chiến lược: xây dựng những cộng đồng học thuật toàn diện, nơi các thế hệ học sinh được tiếp cận môi trường giáo dục đẳng cấp ngay từ mầm non.
Hành trình thành công này của ông Hoàng Quốc Việt càng thêm phần ấn tượng khi nhìn lại xuất phát điểm khiêm tốn của ông. Là sinh viên bỏ dở cả hai ngôi trường đại học – Công nghệ Thông tin và Luật – ông Việt bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với vỏn vẹn 5.000 USD vay mượn từ bạn bè.
Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tập đoàn, ông Việt từng chia sẻ: “Chúng tôi đã thử rất nhiều con đường khác nhau, từ công nghệ thông tin đến tài chính hay bất động sản, nhưng tất cả đều không thuộc về mình. Giờ đây, niềm hạnh phúc lớn nhất là chúng tôi đã tìm ra con đường đích thực – con đường làm giáo dục.”
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global