VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 7, 30/11/2024 | English | Vietnamese

Trang chủDoanh nghiệpNông nghiệp Hà Nội phát triển vững mạnh sau 70 năm giải phóng Thủ đô

Nông nghiệp Hà Nội phát triển vững mạnh sau 70 năm giải phóng Thủ đô

02:57:00 PM GMT+7Thứ 6, 11/10/2024

Sau 70 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp, nông thôn Thủ đô đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô Hà Nội.

Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư rất lớn

Ngành Nông nghiệp Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô ((10/10/1954) bị ảnh hưởng do chiến tranh tàn phá nặng nề,, tuy nhiên liên tục trong các năm sau ngày giải phóng, nhân dân tích cực khai hoang, mở rộng diện tích sản xuất, đồng thời áp dụng rộng rãi các biện pháp cải tiến kỹ thuật canh tác, nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, từ đó đảm bảo lương thực thực phẩm...

Nông nghiệp Hà Nội phát triển vững mạnh sau 70 năm giải phóng Thủ đô
Nông nghiệp Thủ đô phát triển vững mạnh sau ngày giải phóng Thủ đô ((10/10/1954)

Theo đó, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1965 đạt 76.169 triệu đồng, trong đó, trồng trọt đạt 49.554 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 65%… Đến năm 1967, nông nghiệp ngoại thành Hà Nội đã đạt mức 5,16 tấn thóc/ha, vượt qua ngưỡng 5 tấn (sau tỉnh Thái Bình).

Giai đoạn 1965 - 1975, ngành Nông nghiệp Hà Nội vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Thủ đô, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, giải phòng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Năng suất lúa đạt trên ngưỡng 5 tấn/ha/năm, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 1975 đạt 90.907 triệu đồng, tăng 19,3% so với năm 1965...

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện chủ trương của Thành ủy, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, kiện toàn bộ máy hợp tác xã, củng cố, sắp xếp lại lao động; quy hoạch phân vùng sản xuất. Năm 1989, sản lượng lương thực quy thóc của Hà Nội đạt 52,9 vạn tấn, sản xuất vụ đông đạt 45% diện tích canh tác.

Sau 70 năm xây dựng và phát triển, nông nghiệp, nông thôn Thủ đô tiếp tục có nhiều thành tựu quan trọng. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư rất lớn từ các chương trình của thành phố với số vốn hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập cho nông dân.

Đặc biệt, sau gần 15 năm tập trung xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn. Thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới...

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nông nghiệp bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, với năng suất và giá trị thu nhập cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn, vùng trồng cam canh, bưởi diễn, vùng chăn nuôi gia cầm, bò thịt, bò sữa tập trung tại các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì, Thanh Trì, Mê Linh…

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn không ngừng tăng

Hà Nội cũng mở rộng, phát triển thêm các ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân. Thủ đô Hà Nội là “đất trăm nghề”, với 1.350 làng nghề, làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận; có 1.090 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động; 149 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; hơn 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, hơn 13.000 sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc (QRCode). Đặc biệt, Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã chủ động, tích cực duy trì và hỗ trợ phát triển 977 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho TP. Hà Nội.

Nông nghiệp Hà Nội phát triển vững mạnh sau 70 năm giải phóng Thủ đô
Thủ đô Hà Nội là “đất trăm nghề”. Ảnh minh họa.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, với lợi thế và tiềm năng của Hà Nội, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019, đến nay, thành phố đã có 2.756 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.491 sản phẩm 4 sao và 1.247 sản phẩm 3 sao. Năm 2024, thành phố tiếp tục đánh giá, phân hạng gần 500 sản phẩm nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn không ngừng tăng, năm 2023 đạt 66,01 triệu đồng/người/năm. Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024 đạt 75 triệu đồng/người/năm… Hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; các thiết chế văn hóa, giáo dục khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Đặc biệt, Hà Nội cũng xác định, trong thời gian tới, nông nghiệp Hà Nội phải mang “gương mặt mới”, đó là nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ven đô, kết hợp chặt chẽ với du lịch hình thành nền nông nghiệp đa giá trị./.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5% đến 3%. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; đẩy mạnh phát triển sản xuất cây, con giống; phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái thông minh, gắn với phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch nông thôn…
TheoThời báo Tài chính Việt Nam
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global