Phát triển công nghiệp xanh: Kinh nghiệm từ Bình Dương

Mô hình xây dựng Bình Dương xanh, thông minh gắn với đổi mới sáng tạo là bước đi đúng hướng. Ảnh: Sơn Nam

Mục tiêu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Bình Dương hiện có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721 ha (chiếm 13% diện tích các khu công nghiệp của các nước), cùng tỷ lệ lấp đầy đạt 89%. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, luỹ kế đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước chỉ sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Liên tiếp trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đang tích cực mở rộng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, đồng thời phát triển các khu công nghiệp mới nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Gần đây nhất, một trong những khu công nghiệp được nhiều người biết đến là khu công nghiệp VSIP 3, nằm tại TP. Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên, với quy mô khoảng 1.000 ha. Khu công nghiệp này hướng tới việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao và phát triển kinh tế xanh, với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Khu công nghiệp VSIP 3 kỳ vọng sẽ tạo ra khoảng 35.000 việc làm cho người lao động. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, VSIP 3 đã thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều công ty, với 8 dự án đầu tư đã được cam kết, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1,6 tỷ USD. Trong số đó, dự án lớn nhất là của Tập đoàn Lego, với quy mô đầu tư 1,3 tỷ USD, cùng với nhà máy chế tác trang sức trị giá 150 triệu USD của thương hiệu Pandora.

Cùng với đó, tỉnh Bình Dương cũng đã xúc tiến khởi công xây dựng Cụm công nghiệp An Lập tại huyện Dầu Tiếng, với diện tích 75 ha và vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng. Những động thái này cho thấy Bình Dương đang nỗ lực tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư lớn, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế bền vững và tạo việc làm cho người lao động.

Việc triển khai kế hoạch sản xuất sạch hơn tại Bình Dương đã mang lại những hiệu quả tích cực và thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp trong tỉnh.

Phát triển xanh đi đôi với đổi mới sáng tạo

Bà Nguyễn Thúy Hằng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp, (thuộc Sở Công thương tỉnh Bình Dương) cho biết, trung tâm đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chương trình khuyến công, giúp các cơ sở sản xuất ứng dụng máy móc và công nghệ hiện đại. Điều này đã hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong quá trình chuyển đổi số và xây dựng thương hiệu. Tỉnh cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình 5S, giúp tạo ra môi trường làm việc thân thiện, sạch sẽ, và an toàn.

Mới đây, đề án vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được giao cho Tổng công ty Becamex IDC chủ trì nghiên cứu cùng các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch phát triển thành phố thông minh trên thế giới, áp dụng vào thực tiễn địa phương. Kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của Bình Dương giai đoạn từ nay đến năm 2026 và những năm tiếp theo nêu rõ: Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được phê duyệt gồm các TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TP. Tân Uyên, TP. Bến Cát, huyện Bàu Bàng./.