VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 6, 27/12/2024 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpPhát triển công trình xanh: Nặng về tự nguyện, thiếu giải pháp và chính sách

Phát triển công trình xanh: Nặng về tự nguyện, thiếu giải pháp và chính sách

11:26:00 AM GMT+7Thứ 6, 06/12/2024

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nhằm nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh, bao gồm cả các dự án công trình xanh.

Một chung cư được công nhận chứng chỉ xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Một chung cư được công nhận chứng chỉ xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng gia tăng, phát triển công trình xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu. Tại Việt Nam, việc xây dựng và phát triển công trình xanh cũng đang trở thành xu hướng tất yếu, song quá trình triển khai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản như: Thiếu các chứng nhận về vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng, khả năng tiếp cận các nguồn vốn xanh cho các dự án công trình xanh hạn chế...

Trước thực tế đó, nhiều ý kiến chuyên gia khuyến nghị Nhà nước cần phải có những chính sách và giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn về phát triển công trình xanh; cũng như cần sự tham gia tích cực giữa các chủ đầu tư, nhà phát triển và các kiến trúc sư để thúc đẩy mô hình công trình xanh trong thời gian tới.

Xây dựng công trình xanh còn đang tự nguyện

Tiến sỹ, Kiến trúc sư Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho hay Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia đứng đầu về mức độ chịu rủi ro lớn nhất của biến đổi khí hậu. Do vậy, xây dựng và phát triển công trình xanh là xu hướng tất yếu để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh của Việt Nam và ứng phó với Biến đổi khí hậu.

Thực tế cho thấy việc phát triển công trình xanh tại các đô thị đã được Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện. Cụ thể, tại Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ việc khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh.

Theo đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành kịp thời quyết định để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ, trong đó nội dung yêu cầu về phát triển công trình xanh gắn với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị…

Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là xu hướng mà còn là nhu cầu cần thiết để tạo nên những không gian đáng sống nhất là trong bối cảnh các đô thị đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường, giao thông.

Tuy nhiên, bà Thuận cũng lưu ý các mô hình công trình xanh thường đòi hỏi các giải pháp công nghệ tân tiến, vật liệu xây dựng hiện đại. Vì vậy, việc phát triển công trình xanh tại các nước đang phát triển như Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại, thậm chí đang là "khổng trống" lớn. Mặc dù những năm gần đây đã xuất hiện các đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công trình xanh nhưng thực tế vẫn chưa có những chính sách, giải pháp quyết liệt.

“Có thể nói đây là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường công trình xanh Việt Nam chậm phát triển. Hơn nữa, việc thực hiện các công trình xanh đang là tự nguyện, tự lực của các chủ đầu tư. Trên thực tế, Việt Nam cũng chưa có hệ thống đánh giá nào được cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý công trình xanh,” bà Thuận nhìn nhận.

Bên cạnh đó, theo bà Thuận, nhận thức về công trình xanh của nhiều người hiện vẫn còn chưa chính xác, thậm chí còn có những cách hiểu phiến diện công trình xanh là công trình có nhiều cây xanh. Trong khi theo tiêu chuẩn, công trình xanh cần phải đảm bảo đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, nước, vật liệu; phải đảm bảo không tác động xấu tới sức khỏe người dân, giảm thiểu chất thải độc hại cho môi trường.

vnp_cong trinh xanh.jpg
Nhiều chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng phát triển công trình xanh. (Ảnh: HV/Vietnam+)

Ngoài ra để đạt được cam kết về giảm phát thải khí nhà kính, còn đòi hỏi sự tham gia tích cực và sự phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như các kiến trúc sư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn do các chủ đầu tư lớn chưa sẵn sàng phát triển công trình xanh, tư vấn thiết kế và nhà thầu chưa quan tâm đúng mức, chi phí tư vấn, xây dựng tăng thêm chưa được hiểu đầy đủ, chưa có sự quyết liệt từ cơ quan quản lý.

Giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh

Trước thực tế trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Thị Bích Thuận cho biết thời gian gần đây, Bộ Xây dựng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển công trình xanh như tổ chức các sự kiện, hội thảo nhằm thúc đẩy xu hướng công trình xanh trong ngành xây dựng.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã tiếp nối và lan tỏa sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam hàng năm. Theo đó, nhiều công trình xanh của các đơn vị doanh nghiệp, chủ đầu tư đã được vinh danh và khen tặng trong sự kiện.

Tuy vậy, để phát triển đô thị xanh bền vững, theo bà Thuận, thời gian tới cần có chính sách quyết liệt hơn cũng như sự quyết liệt từ cơ quan quản lý; có sự tham gia tích cực, phối hợp toàn diện giữa chủ đầu tư, nhà phát triển cũng như các kiến trúc sư tham gia vào quá trình phát triển công trình xanh.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho hay trước đây việc mua nhà tại các thành phố - đơn giản chỉ là tìm một nơi để ở, tuy nhiên người mua hiện nay đòi hỏi nhiều hơn thế. Khách hàng hiện nay mong muốn những dự án có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ. Theo đó, một khu đô thị lý tưởng phải có hệ thống trường học, siêu thị, khu vui chơi thể thao, công viên cũng như không gian xanh và các tiện ích khác phục vụ đời sống của cư dân.

“Điều đó đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các chính quyền đô thị, các chủ đầu tư trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội,” ông Hiệp nói.

Để thúc đẩy phát triển công trình xanh hiệu quả hơn, đại diện Bộ Xây dựng cho biết trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành nhằm nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành quy định về danh mục dự án xanh, bao gồm cả các dự án công trình xanh. Bộ này cũng sẽ xây dựng các quy định cho phép các dự án tiếp cận nguồn tín dụng xanh, đồng thời nghiên cứu đề xuất dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng trong dự thảo Luật sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào năm 2025.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ tổ chức triển khai hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và chủ đầu tư áp dụng tiêu chí công trình xanh trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị, phân hạng nhà chung cư và phát triển nhà ở xã hội. Cùng với đó, việc công bố suất vốn đầu tư cho các loại hình công trình cũng sẽ được cơ quan này nghiên cứu, tạo điều kiện cho các chủ thể xác định chi phí đầu tư cho công trình xanh trong thời gian tới./.

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết quý 3/2024, Việt Nam đã đạt được khoảng 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2.

TheoHùng Võ (Vietnam+)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global