Thứ 6, 29/11/2024 | English | Vietnamese
10:26:00 AM GMT+7Thứ 4, 16/10/2024
Long Châu tiếp tục là mũi tăng trưởng chính cả về doanh thu và lợi nhuận của FPT Retail trong tương lai bù đắp cho sự khó khăn khi doanh thu mảng ICT đi xuống.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – mã chứng khoán: FRT) có thể thấy, chuỗi cửa hàng thuốc Long Châu đang đóng góp lớn vào doanh thu của doanh nghiệp này, ngày càng khẳng định vị trí kinh doanh cốt lõi.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), chuỗi nhà thuốc Long Châu chính là “quân át chủ bài” giúp FRT dẫn đầu thị trường dược phẩm .
Hiện doanh nghiệp chưa có báo cáo kết quả quý III, nhưng nhìn lại kết quả kinh doanh quý II/2024 cho thấy, Long Châu ngày càng giữ vai trò chủ chốt khi đóng góp đến 63% doanh thu, đạt 11.521 tỷ đồng, tăng trưởng đến 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chuỗi FPT Shop vẫn ngập tràn khó khăn khi phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng, doanh thu đạt 6.923 tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái).
“Rõ ràng cả nguồn sống lúc này của FPT Retail được đặt cả vào Long Châu”, chuyên gia từ CSI nhìn nhận.
Tuy tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận, nhưng doanh nghiệp vẫn đối diện với số nợ khổng lồ. Cụ thể, cuối quý II/2024, nợ phải trả của doanh nghiệp ở mức 10.499 tỷ đồng, giảm gần 900 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó, vay nợ chiếm 6.150 tỷ đồng và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Công ty phải trả 115 tỷ đồng lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2024.
Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý II năm nay chỉ đạt 1.828 tỷ đồng. Như vậy số nợ phải trả gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.
Theo CSI, cuộc chiến nhà thuốc bán lẻ hiện đại dần ngã ngũ với phần thắng đang nghiêng hoàn toàn về Long Châu.
Bắt đầu năm 2018 với chỉ 22 cửa hàng, sau gần 7 năm Long Châu đã chiếm lĩnh thị phần kênh bán lẻ thuốc hiện đại với 1.706 cửa hàng tính đến thời điểm quý II năm 2024.
Trong khi các đối thủ chính là An Khang và Pharmacity phải thu hẹp quy mô hoạt động thì Long Châu vẫn tiếp tục bành trướng với tốc độ mở mới trung bình đạt 40-50 cửa hàng trên 1 tháng.
Cùng với việc tăng trưởng thần tốc mở mới của hàng, Long Châu giữ vững hiệu quả hoạt động trên mỗi cửa hàng. Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, mỗi cửa hàng mở mới mất khoảng trung bình 3 tháng để đạt điểm hòa vốn chi phí đầu tư ban đầu.
Biên lợi nhuận gộp trung bình trên mỗi cửa hàng của Long Châu đạt 23%. Biên lợi nhuận trên doanh thu ở mức 2,2 - 2,5% vượt trội hoàn toàn so với 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Pharmacity và An Khang.
Theo CSI, kết quả ấn tượng trên đến từ việc các cửa hàng của Long Châu duy trì mức doanh thu trên mỗi cửa hàng ổn định và gần như Long Châu mở mới đến đâu thành công đến đấy.
Chi phí vận hành trên mỗi của hàng cũng được duy trì ở mức ổn định nhờ số hóa và công nghệ từ tập đoàn mẹ FPT.
Công thức hiện tại của Long Châu đang là bán “đủ thuốc” vì vậy quản lý hàng tồn kho và phân bổ đến mỗi cửa hàng được xem là việc sống còn. Long Châu đã giải quyết hiệu quả vấn đề “hóc búa” trên nhờ áp dụng công nghệ big data (dữ liệu lớn), công nghệ máy học (Machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp đưa đúng thuốc, đúng cửa hàng và đúng thời điểm.
Câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là chuỗi nhà thuốc Long Châu còn có thể tăng trưởng đến bao giờ. Theo CSI, tại Việt Nam, thị trường bán lẻ dược phẩm có tính phân mảnh rất cao, với hơn 50.000 nhà thuốc hầu hết là cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỷ USD năm 2021 lên 16,1 tỷ USD vào năm 2026 tương đương mức tăng trưởng kép 14,12%.
Về dài hạn, ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được dự báo duy trì tốc độ tăng trưởng cao bởi xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến năm 2050 tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Việt Nam đạt khoảng 25% dân số, tương ứng khoảng 27 triệu người (với tốc độ tăng trưởng dân số hiện tại).
Việt Nam cũng nằm trong top 30 quốc gia có nồng độ PM2.5 (bụi có trong không khí với kích thước 2.5 micron trở xuống) trung bình cao nhất thế giới, môi trường sinh hoạt ngày càng ô nhiễm, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khỏe.
Doanh thu ngành dược phẩm hiện tại phần lớn vẫn thuộc về kênh bệnh viện (ETC) với khoảng hơn 75% doanh số. Có 25% còn lại đến từ kênh OTC (nhà thuốc, cửa hàng thuốc); trong đó có khoảng 45.000 - 50.000 của hàng bán lẻ với quy mô thị trường hiện tại khoảng 3 tỷ USD. Với doanh thu hiện tại của Long Châu khoảng 1 tỷ USD, tương đương với 30% thị phần; trong đó, nhãn hàng chính Long Châu chiếm 60 - 70% thị phần.
Mục tiêu của Long Châu là đạt khoảng 2.500 - 3.000 cửa hàng, với tốc độ mở mới khoảng 40 - 50 cửa hàng trên tháng. CSI ước tính đến quý III năm 2026 Long Châu sẽ đạt được mục tiêu trên. Nếu như thành công với mục tiêu trên, Long Châu có thể chiếm đến 45% thị phần kênh OTC tương ứng mức doanh thu 1,8 tỷ USD mỗi năm.
Để mở mới một cửa hàng, ước tính Long Châu cần 2,8 tỷ đồng; trong đó bao gồm 800 triệu đồng tiền đầu tư ban đầu và 2 tỷ đồng tiền nhập kho hàng hóa (3 tỷ hàng tồn kho trên 1 cửa hàng, nợ nhà cung cấp 1 tỷ).
Với quy mô vốn như vậy Long Châu cần đến khoảng 1.600 tỷ để mở mới cửa hàng mỗi năm. Nguồn vốn trên có thể được đảm bảo nhờ Long Châu duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định, có kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ và nguồn lực tài chính dồi dào từ tập đoàn FPT.
Đầu tháng 8/2024, FPT Retail thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư FPT Long Châu để quản lý đầu tư vào chuỗi này, nhằm chuẩn bị cho việc huy động vốn mà không làm thay đổi lãi lỗ tổng thể.
Ngày 2/10 vừa qua, FPT Retail thông báo hoàn thành việc sử dụng toàn bộ vốn góp tại Công ty cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu (FPT Pharma) để góp vốn thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư FPT Long Châu (FPT Long Châu Investment).
Tổ chức IQVIA dự báo trong các năm tới, doanh thu thị trường dược phẩm nói chung và kênh bán lẻ thuốc tây, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm nói riêng sẽ lần lượt đạt mức trên 316.700 tỷ đồng và 186.400 tỷ đồng; tăng trưởng trung bình 9,7%/năm và 8,3%/năm trong giai đoạn 2024-2028.
Tuy nhiên, từ năm 2028 trở đi, kênh bán lẻ lĩnh vực này có thể sẽ giảm thị phần trong tổng thị trường dược phẩm, do kênh phân phối thuốc từ bệnh viện được hỗ trợ bởi tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế có xu hướng gia tăng theo định hướng của Chính phủ và sự cải thiện về cơ sở vật chất của cả bệnh viện công và bệnh viện tư.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), chuỗi Long Châu dự kiến mở thêm 400 nhà thuốc mới mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2025, tập trung vào các vùng nông thôn và khu vực thiếu dịch vụ y tế. Đến cuối năm 2024 và 2025, chuỗi này có thể đạt khoảng 1.900 và 2.300 nhà thuốc.
Trong lĩnh vực vaccine, Long Châu đặt mục tiêu có 100 trung tâm vào cuối năm 2024 và 150 trung tâm vào năm 2025.
Tuy nhiên, SSI dự báo mảng vaccine có thể gặp khó khăn trong giai đoạn tới, với doanh thu từ vaccine dự kiến chỉ chiếm dưới 10% tổng doanh thu của chuỗi. Mặc dù mảng vaccine đang lỗ do chi phí đầu tư ban đầu, FPT Retail tin rằng nhu cầu tiêm chủng sẽ tăng trong dài hạn.
FPT Long Châu có lợi thế từ mạng lưới khách hàng rộng lớn và hệ thống nhà thuốc phủ sóng toàn quốc, giúp tận dụng cơ sở khách hàng hiện có cho dịch vụ vaccine (mũi kinh doanh khác của Long Châu).
Ngoài ra, FPT Retail có nền tảng về kinh nghiệm quản lý hiệu quả, hỗ trợ mở rộng quy mô nhanh chóng cho mảng vaccine trong thời gian tới.
SSI cho biết, thị trường vaccine Việt Nam (có quy mô 16.000 tỷ đồng trong năm 2023) có thể đạt mức tăng trưởng 10-15% trong các năm tới, tạo cơ hội lớn cho các trung tâm tiêm chủng tư nhân như Long Châu. Sự gia tăng nhu cầu tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng thấp hiện tại sẽ thúc đẩy sự phát triển của Long Châu trong thời gian tới.
Cộng hưởng với lợi nhuận từ mảng dược phẩm, Long Châu tiếp tục là mũi tăng trưởng chính cả về doanh thu và lợi nhuận của FPT Retail trong tương lai. Điều này bù đắp cho sự khó khăn khi doanh thu mảng ICT của FPT Retail ngày càng đi xuống, chuyên gia từ SSI nhìn nhận.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, song hướng đi này cũng chưa đựng những rủi ro. Các chuyên gia từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đánh giá, FRT đang làm rất tốt trong việc mở rộng mạng lưới cũng như đảm bảo về số lượng vaccine, tuy nhiên tốc độ mở quá nhanh (trung bình 40 trung tâm/ quý) khiến FRT vướng vào một vài sai phạm về chuyên môn và an toàn tiêm chủng trong thời gian gần đây.
Điều này có thể khiến FRT gặp rủi ro về pháp lý cũng như giảm danh tiếng khi uy tín là yếu tố hàng đầu trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, VCBS nhìn nhận.
09:39:00 AM GMT+7Thứ 6, 29/11/2024
09:38:00 AM GMT+7Thứ 6, 29/11/2024
09:37:00 AM GMT+7Thứ 6, 29/11/2024
Website nội bộ của VCCI
Liên kết nhanh
Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI
Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam
Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023
Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI | ||
Văn Phòng - Lễ tân: | Phụ trách website: | Liên hệ quảng cáo: |
📞 + 84-24-35742022 | 📞 + 84-24-35743084 | 📞 + 84-24-35743084 |
+ 84-24-35742020 | vcci@vcci.com.vn |
Truy cập phiên bản website cũ. Thiết kế và phát triển bởi ADT Global