VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 01/07/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpSáp nhập tỉnh thành: Cần 'luật chơi' nhất quán cho không gian kinh tế mới

Sáp nhập tỉnh thành: Cần 'luật chơi' nhất quán cho không gian kinh tế mới

09:13:00 AM GMT+7Thứ 3, 01/07/2025

Theo TS. Trần Khắc Tâm, sau khi sáp nhập các tỉnh thành, lãnh đạo mới cần công bố một "luật chơi" rõ ràng, nhất quán cho toàn bộ không gian kinh tế mới.

Hôm nay, (30/6), các địa phương trên cả nước sẽ tiến hành lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy.

Trước đó, ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã có kết luận quan trọng, yêu cầu tổ chức lại bộ máy một cách đồng bộ, tinh gọn, hiện đại, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Đến ngày 12/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, một quyết sách có tính lịch sử trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước.

Từ con số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bản đồ hành chính nước ta nay chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Bản đồ chi tiết về 34 tỉnh thành mới của Việt Nam. (Ảnh: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam)

Đặc biệt, các tỉnh thành trên cả nước sẽ tổ chức lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về chỉ định nhân sự. Đây là bước đi quan trọng để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, mở ra một giai đoạn phát triển mới với kỳ vọng về một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn.

Theo đại biểu Quốc hội Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên), việc chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là quyết tâm chính trị rất lớn, đồng thời cũng đặt ra một thử thách lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ.

Theo bà Xuân, với mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân, tiêu chí chất lượng đối với cán bộ cấp xã là vô cùng quan trọng.

Bà Xuân nhấn mạnh các địa phương đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “chọn người theo việc”, ưu tiên những cán bộ có năng lực, phẩm chất và tinh thần phục vụ để đảm nhận các vị trí chủ chốt.

"Với tinh thần cán bộ dám nghĩ dám làm, chúng tôi tin rằng chính quyền cấp xã sẽ là cầu nối vững chắc, phục vụ quyền lợi của người dân một cách tốt nhất," bà Xuân nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (đoàn Hải Dương) thì cho rằng để mô hình mới vận hành hiệu quả, cán bộ chủ chốt cấp xã phải có “bản lĩnh vững vàng và trình độ chuyên môn được nâng cao”.

Ông Sơn giải thích, xu hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho cấp xã đòi hỏi cán bộ phải có năng lực xử lý tình huống nhanh nhạy, hiệu quả.

"Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã tạo ra cơ chế rõ ràng. Bên cạnh việc ghi nhận, khen thưởng, chúng ta cũng sẽ áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc nếu cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này sẽ giúp bộ máy ngày càng trong sạch, vững mạnh", ông Sơn nói.

Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, TS. Trần Khắc Tâm nhấn mạnh việc sáp nhập các tỉnh thành là “cuộc cách mạng” như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định. Đây là một cuộc các mạng trong tư duy về không gian phát triển và phân bổ nguồn lực quốc gia.

Theo ông Tâm, khi đã xác định đây là một “cuộc cách mạng” thì có những thời cơ và thách thức rất lớn cho cả hệ thống chính trị, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là cộng đồng doanh nghiệp phải biết nhìn thẳng vào tình hình thực tế để vượt qua chứ không phải né tránh hay chùn bước.

TS. Trần Khắc Tâm cho rằng hành động của bộ máy lãnh đạo mới trong những ngày đầu tiên sẽ mang tính quyết định đối với sự thành bại của chủ trương lớn này.

"Những bài phát biểu đầy lời hay, ý đẹp, những lời hứa, cam kết của lãnh đạo các tỉnh, thành là cần thiết nhưng quan trọng hơn hết vẫn là hành động quyết liệt bằng những công việc cụ thể có thể đo lường được", ông Tâm nói.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng lãnh đạo mới cần thực hiện chủ trương kiến tạo ngay lập tức một môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và thực sự bình đẳng.

Giai đoạn đầu sau sáp nhập chắc chắn sẽ có những xáo trộn, trong khi doanh nghiệp sợ nhất là sự bất định. Vì vậy, ông Tâm nhấn mạnh lãnh đạo mới cần nhanh chóng tổ chức các cuộc đối thoại thực chất với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết ngay các vướng mắc, công bố một "luật chơi" rõ ràng, nhất quán cho toàn bộ không gian kinh tế mới.

Bên cạnh đó, ông Tâm cũng cho rằng lãnh đạo mới phải tư duy lại về quy hoạch và nguồn lực. Không gian mới lớn hơn, dư địa phát triển nhiều hơn, nhưng nếu vẫn tư duy theo kiểu cũ, chia đều nguồn lực một cách dàn trải thì rất khó tạo động lực để thúc đẩy địa phương phát triển. Chủ tịch tỉnh phải xác định đâu là ngành kinh tế mũi nhọn, đâu là cực tăng trưởng động lực để có những ưu tiên hợp lý.

Ngoài ra, TS. Trần Khắc Tâm cũng nhấn mạnh cần ổn định bộ máy hành chính và đảm bảo không có sự gián đoạn nào trong hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân. Thủ tục hành chính phải được đảm bảo thông suốt, không để tình trạng ách tắc, các doanh nghiệp phải chạy đôn đáo giữa các trụ sở cũ - mới.

TheoTạp chí đầu tư tài chính
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global