VCCI logo

LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Vietnam Chamber of Commerce and Industry

Thứ 3, 22/04/2025 | English | Vietnamese

Trang chủTin tổng hợpSáp nhập tỉnh thành: Nối liền núi với biển, lợi thế nhân đôi

Sáp nhập tỉnh thành: Nối liền núi với biển, lợi thế nhân đôi

09:52:00 AM GMT+7Thứ 3, 22/04/2025

Chủ trương sáp nhập các tỉnh miền núi với tỉnh ven biển, điển hình như Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, không chỉ là bài toán tái cấu trúc hành chính, mà còn là cơ hội lịch sử để tái thiết không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng theo chiều sâu. Giao thoa giữa cao nguyên và duyên hải sẽ tạo nên thế mạnh bổ sung lẫn nhau, từ đó gia tăng động lực cho phát triển toàn diện, bền vững.

Giao thông là chìa khóa

Ông Nguyễn Tấn Hiểu, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, việc sáp nhập Bình Định và Gia Lai không chỉ phù hợp về mặt lịch sử mà còn mở ra dư địa phát triển mới.

“Hiện Bình Định thu hút đầu tư rất mạnh mẽ, nhưng quỹ đất và không gian phát triển đang dần thu hẹp. Khi kết nối với Gia Lai, vùng đất rộng lớn nơi cao nguyên sẽ bổ sung không gian phát triển cần thiết, tạo ra sự cộng hưởng rõ rệt giữa miền núi và miền biển,” ông Hiểu nhận định.

Định hướng cho “tỉnh mới” sau sáp nhập, ông Hiểu nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển theo ba vùng kinh tế: ven biển, đồng bằng và miền núi, trong đó lấy hai đô thị Quy Nhơn và Hoài Nhơn làm trung tâm động lực. Ngoài ra, cao nguyên sẽ cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đặc biệt là các ngành chế biến nông sản, tạo chuỗi giá trị có chiều sâu.

Hạ tầng giao thông được xem là chìa khóa cho sự phát triển các địa phương sau sáp nhập. 

Một yếu tố không thể thiếu là hạ tầng giao thông. Dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là một ví dụ điển hình cho sự kết nối xuyên vùng, cần được đẩy nhanh tiến độ để tận dụng hiệu quả các liên kết địa lý sau sáp nhập. “Khi các quy hoạch được thực hiện bài bản, khoa học và quyết liệt, đây sẽ là bước ngoặt đưa địa phương bước vào một kỷ nguyên phát triển mới,” ông Hiểu nói.

Tiến sĩ khoa hoa, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng nhận định, Bình Định được sáp nhập với Gia Lai là một hướng mở khá tốt cho địa phương. Gia Lai là tỉnh ở cao nguyên có nhiều sản phẩm rất hấp dẫn, kinh tế chưa phát triển mạnh do hạ tầng kết nối còn khó khăn. Khi Gia Lai kết nối với Bình Định sẽ hỗ trợ cho cả 2 tỉnh phát triển mạnh. Bên Gia Lai có ngõ thoát xuất nhập khẩu xuống vùng ven biển. Bình Định cảnh quan đẹp nhưng quỹ đất phát triển không nhiều, khi kết nối với Gia Lai sẽ tăng không gian về quỹ đất phát triển. Nếu phát triển tốt kết nối vùng giữa Bình Định và Gia Lai, Bình Định với các tỉnh thành lân cận theo hướng Bắc Nam nó sẽ tạo một đông lực phát triển cho địa phương.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Văn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vị Trí Vàng cho rằng, sáp nhập Quảng Ngãi và Kon Tum chính là “nút bấm lịch sử” để biến tiềm năng thành giá trị thực tế. Quảng Ngãi sở hữu lợi thế về cảng biển, du lịch và công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có công nghiệp là nhen nhóm phát triển được một giai đoạn, địa thế cảng biển chưa khai thác hết, du lịch có đảo Lý Sơn một trong những hòn đảo đẹp nhất châu Á nhưng chưa được khai thác để thành viên ngọc.

Khi tỉnh miền núi được sáp nhập với tỉnh miền biển, lợi thế sẽ được nhân đôi.

Kon Tum có quỹ đất rộng, khí hậu tốt, tài nguyên đa dạng và vị trí chiến lược với cửa khẩu quốc tế. Tuy nhiên, sự phát triển vẫn bị cản trở do hạ tầng giao thông yếu kém và thiếu sức hút đối với nhà đầu tư lớn.

“Chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển cho Quảng Ngãi – Kon Tum chính là đầu tư mạnh vào giao thông, đặc biệt là sân bay, cao tốc và các tuyến kết nối với Đà Nẵng, Hội An - hai trung tâm du lịch lớn của miền Trung,” ông Quỳnh đề xuất. Đồng thời, ông nhấn mạnh cần thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng cao và các nhà đầu tư đủ tầm, vì đây là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của tỉnh sau sáp nhập.

Con người quyết định thành công

Bên cạnh hạ tầng, ông Quỳnh nhấn mạnh yếu tố con người, cụ thể là đội ngũ lãnh đạo - có vai trò quyết định trong thành công của sáp nhập. Ông kỳ vọng người đứng đầu các tỉnh mới sẽ có tư duy đổi mới, tầm nhìn xa, hành động nhanh - quyết liệt - hiệu quả, sẵn sàng thử nghiệm những cách làm mới.

Một đề xuất đáng chú ý từ ông Quỳnh là nên đặt trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Ngãi – Kon Tum sau sáp nhập tại Măng Đen – nơi được ví như “Đà Lạt thứ hai”, vừa có tiềm năng phát triển, vừa thuận lợi cho việc di chuyển và điều hành. Bên cạnh đó, ông cũng kiến nghị Chính phủ áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư vào vùng đất này.

Vùng đất Tây Nguyên với nhiều đặc sản nổi tiếng. 

Ông Nguyễn Văn Lạng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định: “Phải có đội ngũ cán bộ thực sự mẫn cán, có tâm, có tầm, vừa đủ tài vừa đủ đức, mới có thể dẫn dắt sự chuyển mình của một tỉnh mới rộng lớn và đa dạng sau sáp nhập Đắk Lắk – Phú Yên.”

Ông Lạng phân tích, Đắk Lắk và Phú Yên đều có thế mạnh về nông nghiệp và tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Trong đó, Đắk Lắk nổi bật với các mặt hàng như cà phê, hồ tiêu, mắc ca… trong khi Phú Yên có thế mạnh về lúa gạo, thủy sản, và đặc biệt là cảng Vũng Rô – cửa ngõ ra biển thuận lợi cho xuất khẩu.

Sau sáp nhập, việc phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là các nhà máy chế biến cà phê, sẽ nâng cao giá trị nông sản, tạo thương hiệu vùng, đồng thời thu hút đầu tư và tạo công ăn việc làm. Đắk Lắk hoàn toàn có thể xây dựng một vùng sản xuất và xuất khẩu cà phê có tầm vóc quốc tế. Còn vùng Tuy Hòa có thể giải bài toán quy hoạch xuất khẩu gạo quy mô lớn khi biết kết hợp, đưa các loại giống mới vào triển khai.

Về giao thông, ông Lạng nhấn mạnh việc kết nối giữa hai tỉnh vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đường bộ. Do đó, trước mắt cần đầu tư đồng bộ hệ thống đường quốc lộ, nâng cấp tuyến kết nối xuyên vùng để tạo điều kiện lưu thông thuận lợi. Về lâu dài, đường sắt cũng cần được tính đến như một phương tiện chiến lược cho phát triển logistics.

TheoKhánh Hồng (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)
Copy link

Văn bản pháp luật

Liên kết

Website nội bộ của VCCI

Footer logo

Bản quyền bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI 

  Tòa VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Giấy phép xuất bản số 190/GP-TTĐT cấp ngày 27/10/2023

Người chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Quản lý và vận hành: Trung tâm Truyền thông và Thông tin Kinh tế - VCCI
Văn Phòng - Lễ tân:  Phụ trách website: Liên hệ quảng cáo:
📞 + 84-24-35742022 📞 + 84-24-35743084 📞 + 84-24-35743084
 + 84-24-35742020   vcci@vcci.com.vn   

Truy cập phiên bản website cũ.                                                     Thiết kế và phát triển bởi ADT Global